Đội tuyển U19 Việt Nam thất bại trong việc chinh phục ngôi vô địch U19 Đông Nam Á. Tuy nhiên, với nhiều người hâm mộ, đấy không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là người ta đã thấy triển vọng của tương lai, từ thế hệ hiện tại.
HLV Graechen Guillaume của đội tuyển U19 Việt Nam khá tỉnh táo khi đánh giá rằng điều quan trọng nhất đối với các cầu thủ, là họ đã học được gì từ giải đấu vừa qua, kể cả học được gì sau thất bại? Một chi tiết không thể không lưu tâm, đó là chuyện giải U19 Đông Nam Á vừa rồi mới chỉ là giải đấu quốc tế chính thức đầu tiên của lứa cầu thủ xuất thân từ học viện HAGL-Arsenal.JMG, hiện đang có tên trong thành phần đội U19 Việt Nam.
Thế hệ này cần được đầu tư tới nơi tới chốn
Trước đó, họ chưa hề thi đấu thực tế ở các giải đấu cấp quốc tế, thậm chí chưa hề thi đấu ở các giải trẻ cấp quốc gia. Ấy thế mà thế hệ mới 17 tuổi ấy vẫn khiến cho làng cầu Đông Nam Á trầm trồ với kỹ nằng chơi bóng của họ, thì quả thật là rất đáng để kỳ vọng. Giải đấu vừa rồi, nói theo HLV Graechen Guillaume: “Các cầu thủ đã biết thế nào là sân chơi chính thức, là mặt bằng bóng đá trẻ khu vực, là sức ép từ các khán đài. Những điều ấy sẽ theo họ lớn lên!”.
Còn nữa, có những điều rất bổ ích khác mà vị HLV người Pháp chưa nói hết, hoặc không tiện nói ra, kể cả những bài học từ một trận chung kết khá tức tưởi đối với người hâm mộ cả nước. Rằng với các cầu thủ trẻ măng mà chúng ta đang có, họ đã bắt đầu biết thế nào một trận bóng đá đích thực, một khi những người tham gia trận đấu muốn thành tích bằng mọi giá.
Ở những trận cầu như thế, có những đội chơi bóng theo kiểu sẵn sàng lao vào đối phương bằng cả 2 chân, sẵn sàng bỏ bóng đá người như kiểu các cầu thủ Indonesia. Cũng ở nơi ấy, có những ông trọng tài sẵn sàng làm ngơ trước các hành vi phi luật.
Bóng đá ngoài thực tế còn bao gồm cả những điều vừa nêu, đôi khi cũng phải gặp những đối thủ rất xù xì, chứ không đơn thuần chỉ là so đọ về kỹ thuật. Và từ nay đến lúc các cầu thủ trưởng thành, chắc chắn không chỉ có mỗi mình U19 Indonesia đá bóng theo trường phái… võ thuật, chắc chắn cũng không chỉ có mỗi mình ông trọng tài người Thái Lan bắt một trận cầu cực tệ như trận chung kết vừa rồi.
Đấy là điều mà các em phải làm quen, phải biết điều chỉnh khi gặp đối thủ như thế. Nó khác xa với môi trường mà các em đã được nuôi lớn lên. Ở đấy, các thầy mới dạy các em kỹ năng đá bóng, kỹ nặng trở thành một con người, chứ chưa thể trang bị đủ cho các em trải nghiệm thực thụ về sân cỏ, như các em vừa trải nghiệm sau trận chung kết đáng nhớ.
Những thất bại như kiểu vừa rồi chắc chắn sẽ giúp cho các cầu thủ trẻ trưởng thành hơn. Và nói cho cùng lứa tuổi U19 chưa phải là cái đích cuối cùng mà thế hệ hiện nay muốn vươn tới. Mục tiêu chung của bóng đá trẻ là tích lũy để vươn lên đỉnh cao. Thế nên, giải đấu vừa rồi cũng chỉ là một chương trong quá trình tích lũy của thế hệ hiện nay. Sẽ còn nhiều chương khác, nhiều giải đấu khác để những Xuân Trường, Đông Triều, Công Phương, Tuấn Anh… gặt hái thành công.
Và điều quan trọng hơn nữa là qua những gì mà đội tuyển U19 Việt Nam thể hiện tại giải U19 Đông Nam Á vừa kết thúc, thế hệ hiện tại đã cho làng cầu khu vực thấy được rằng họ là một tập thể tài năng thực sự, đã cho những người làm bóng đá Việt Nam thấy rằng họ đáng để được đầu tư, thậm chí đầu tư trọng điểm.
Không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam có chung nhận định chưa bao giờ người ta được thấy một đội bóng Việt Nam đá chủ động như thế, có đường có nét và chững chạc như thế trong các trận đấu quốc tế. Đấy chắc chắn là yếu tố không phải tự nhiên mà có, mà phải qua quá trình đầu tư nghiêm túc từ nhỏ.
Vậy thì để giữ được những yếu tố ấy trong nhiều năn nữa, hoặc để thế hệ hiện nay còn phát triển hơn những gì họ vừa thể hiện, điều quan trọng là những người điều hành bóng đá Việt Nam phải đầu tư như thế nào, để làm sáng hơn nữa những viên ngọc quý này?
(Theo Dân Trí)