Thay đổi hiệu quả trong khâu kết thúc
2 trận thua trước Indonesia ở giải U19 Đông Nam Á năm ngoái và trước Myanmar ở trận chung kết U22 Đông Nam Á cách nay ít tuần đều là những trận đầu mà đoàn quân của HLV Graechen Guillaume bỏ lỡ khá nhiều cơ hội. Đấy là những trận đấu mà so về cơ hội có thể ghi bàn để kết liễu đối thủ, U19 Việt Nam không thua, nhưng vẫn thua chung cuộc.
Điều đó có vẻ như đã thay đổi trong trận đấu với Myanmar trên sân Mỹ Đình. Đấy là trận đấu mà các học trò của HLV Graechen Guillaume tận dụng các tình huống tốt hơn đối phương, ghi được nhiều bàn hơn và ít có những pha bỏ lỡ đáng tiếc.
U19 Việt Nam biết cách đứng dậy sau thất bại |
Hiệu quả trong khâu kết thúc bao giờ cũng rất quan trọng, bởi thắng hay thua trong một trận đấu mang tính knock-out đôi khi chỉ đến từ một hay một vài khoảnh khắc. Sự hiệu quả trong khâu kết thúc đến từ sự trở lại phong độ của những cầu thủ ngỡ như đã bị lãng quên dạng Văn Toàn hay Phan Văn Long.
Riêng với Phan Văn Long là trường hợp khá đặc biệt của U19 Việt Nam. So với nhiều đồng đội khác, Phan Văn Long không được đánh giá cao về mặt kỹ thuật. Đây là điều lạ trong một tập thể U19 Việt Nam mà cầu thủ nào cũng có kỹ thuật cá nhân khéo léo.
Thậm chí trong trận đấu đầu tiên tại giải U19 Đông Nam Á đang diễn ra ở Hà Nội, khi U19 Việt Nam đụng độ Australia, chính Phan Văn Long là người đã bỏ lỡ một cơ hội ghi bàn tốt, anh sút ra ngoài lúc đối mặt với thủ môn đối phương trong một tình huống xử lý khá “củi”. Điều này dường như thay đổi trong trận đấu với Myanmar, với một Phan Văn Long khác và một khả năng kết thúc khác.
Với Văn Toàn, hiệu quả trong khâu kết thúc từng là điểm yếu của cầu thủ này. Nhưng với những pha làm bàn vào lưới U19 Nhật Bản rồi Myanmar, Văn Toàn đang cho thấy cái nhìn khác về chính anh: Hiệu quả hơn, lạnh lùng hơn.
Sự thay đổi trong cách chơi
Hơn 2 tuần trước, U19 Việt Nam thua Myanmar bởi chúng ta không có một số điểm mà đối thủ có. Thời điểm ấy, đội bóng của HLV Graechen Guillaume bị “ngợp” bởi lối đá áp sát của đối phương. Bây giờ, chính các cầu thủ U19 Việt Nam là những người chịu khó áp sát khi các cầu thủ Myanmar có bóng, khiến cho họ ít không gian và thời gian hơn để xử lý.
Nhờ lối chơi đeo bám của mình mà các cầu thủ Việt Nam cũng hạn chế được rất nhiều những pha phối hợp của đối phương, hạn chế được các tình huống đi bóng tốc độ của cầu thủ Myanmar – những tình huống mà Thái Lan đã phải nhận. Đấy là những chi tiết rất đáng ghi nhận nơi đoàn quân của HLV Graechen Guillaume. Nó khiến cho người hâm mộ mừng vì mỗi lúc đội bóng trong tay vị HLV người Pháp mỗi lớn được một chút.
Dĩ nhiên, vẫn còn đó nỗi lo nơi hàng phòng ngự. Không thể nói hàng thủ của U19 Việt Nam an toàn. Trước khi chúng ta có bàn thắng mở tỷ số của Tuấn Anh, có ít nhất 2 tình huống mà Maung Soe bên phía Myanmar sút bóng trong thế đối mặt với thủ môn Văn Trường, nhưng may cho U19 Việt Nam là Maung Soe sút quá kém.
Hàng thủ của U19 Việt Nam cũng chưa an toàn ở chỗ có những thời điểm, đặc biệt là sau khi đối phương thu ngắn cách biệt xuống còn 1-3, các hậu vệ liên tục để “tuột” cầu thủ tấn công của Myanmar. Đấy là khoảng thời gian họ liên tiếp có những pha dứt điểm đầy uy lực, may mà bóng không đi trúng đích (trong đó có 1 lần bóng trúng xà ngang).
Như chúng tôi đã đề cập, Myanmar không phải là “ngáo ộp”, đội U19 của nước này không phải ở dạng không thể chiến thắng. Điều quan trọng là U19 Việt Nam khắc chế họ ra sao và phát huy điểm mạnh nào của chính mình.
Sau khi vượt qua Myanmar ở bán kết, đoàn quân của HLV Graechen Guilaume cho thấy họ đã học được bài từ thất bại tại trận chung kết giải U22 Đông Nam Á hơn 2 tuần trước. Vẫn còn những bài học khác, nhất là việc tập trung che chắn cầu môn của đội nhà mà U19 Việt Nam cần học tiếp để vươn đến những cái đích xa hơn.
Xem thêm: Video U19 Việt Nam vs U19 Malaysia
Theo Dân Trí