U19 Việt Nam đã đại thắng U19 Arsenal 3-0 ngay trên xứ sương mù, nhưng giá trị thật sự của chiến thắng này được bao nhiêu
Chẳng phải chờ đến trận đại thắng U19 Arsenal 3-0, những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều… của U19 Việt Nam cũng đã quá “hot” trong lòng người hâm mộ. Từ sau tiếng vang lớn tại giải U19 Đông Nam Á cuối tháng 9 năm ngoái, những bước đi của thầy trò HLV Guillaume Graechen luôn được khán giả quan tâm theo dõi.
Trong một năm mà ĐTQG không thi đấu AFF Cup, còn đội U23 chơi nhạt nhòa ở SEA Games, U19 Việt Nam trở thành nơi gửi gắm tất cả hy vọng về một nền bóng đá lớn mạnh trong tương lai. Chẳng thế mà ngay cả khi Công Phượng cùng các đồng đội thua tan nát trước U19 Nhật Bản, khán giả vẫn tới chật kín sân Thống Nhất để cổ vũ cho “thế hệ vàng” mới của bóng đá nước nhà.
Tất nhiên, sự quan tâm của người hâm mộ tới đội U19 Việt Nam không đơn giản chỉ là cảm tính. Cứ hỏi cỗ máy tìm kiếm Google là rõ độ nóng của từ khóa này đến đâu. Thật đáng ngạc nhiên khi chỉ trong vòng nửa năm, “U19 Việt Nam” còn cho ra nhiều kết quả (2,6 triệu) hơn cả những cái tên “gạo cội” như Công Vinh (1 triệu kết quả) hay Văn Quyến (2 triệu kết quả).
Sự kỳ vọng (và cả hy vọng) là có thật. Những gì mà lứa U19 hiện tại đã thể hiện cũng chứng tỏ các em có giá trị thật, nghĩa là đủ tiềm năng để đáp lại niềm tin nơi người hâm mộ. Và cái mà người ta quan tâm chủ yếu bây giờ là “cái thật” ấy của đội U19 được đến đâu?
Nó rõ ràng không nằm ở chiến thắng hoành tráng 3-0 của đội trước U19 Arsenal, bởi đối phương chưa phải là hàng thật. Đội đã thi đấu với U19 Việt Nam ngày 5/3 chỉ là tập hợp các cầu thủ trẻ từ các nước đến tập huấn có bổ sung một vài thành viên “xịn”. Hơn thế nữa, đội bạn còn thiếu tới 4 vị trí chủ chốt: Kris Olsson (U21 Thụy Điển), Chuba Akpom (U19 Anh), Alex Iwobi (Okocha đệ nhị Nigeria), và đặc biệt là Serge Gnabry (U19 Đức, từng chơi 9 trận tại Premier League).
Cái thật của U19 Việt Nam cũng không nằm ở màn vùi dập U19 Australia tới 5-1 ở vòng loại U19 châu Á. Bởi chỉ 3 tháng sau, vẫn là những học trò của HLV Graechen, đã bị U19 Nhật Bản – một nền bóng đá hàng đầu châu lục khác – quần cho tơi tả.
Những cầu thủ của U19 Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn chưa một lần được chơi bóng chuyên nghiệp. Có thể cái đích mà các em hướng tới cao hơn mặt bằng chung của V-League, nhưng khi mà chưa cọ xát với thực tế, với những trận cầu có tính chất sống còn, các em vẫn chỉ mang giá trị ảo của những món đồ đẹp được trưng bày trong tủ kính.
Jose Mourinho đã phát biểu trong một bài phỏng vấn gần đây: “Mục tiêu tối thượng của một cầu thủ là phải được chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất”. Với U19 Việt Nam, đó có thể là V-League, là Thai-League, thậm chí là J-League. Nhưng cho đến thời điểm này, nghĩa là chỉ còn 3 tháng nữa là các em thuộc lứa 1 của Học viện HAGL Arsenal JMG (nòng cốt của đội U19) sẽ tốt nghiệp, người hâm mộ vẫn chẳng biết tương lai các em sẽ đi đâu về đâu. Tất cả vẫn chỉ dừng lại ở chuyến “du học châu Âu” trong vòng 1 tháng rưỡi và… chấm hết.
Chưa thấy một chế độ đãi ngộ đặc biệt nào từ VFF với các em, những người được coi là tương lai của nền bóng đá nước nhà. Những bàn thắng, những tình huống phối hợp đẹp mắt của đội U19 vẫn chỉ “sống ảo” trên internet, và người hâm mộ phải rất khó nhọc mới biết được những “giá trị thật” của bóng đá Việt Nam đang làm gì.
Sẽ là tốt hơn nếu như sau chuyến tập huấn ở châu Âu, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều… được ra sân hàng tuần, được hàng vạn người hâm mộ cổ vũ, và được “sống thật” trong nền bóng đá nước nhà.
Theo VTC