Tò mò, rồi thấy thích mắt, ngứa ngáy chân tay, phấn khích và… sốt ruột, đó là những cung bậc cảm xúc của người xem, khi chứng kiến “những đứa trẻ của bầu Đức” khoan-cắt-bê-tông với bức tường mang tên U19 AS Roma, quê hương của thứ bóng đá cantenaccio (tiếng Ý có nghĩa là “cái then cửa” – PV). Sự khác biệt về khái niệm gọi là đẳng cấp hay ít nhất về tiêu chí, phương pháp làm bóng đá đỉnh cao trong môi trường chuyên nghiệp (Ý) và chưa chuyên nghiệp (Việt Nam) phần nào đã lột tả sau trận đấu này.
Chúng ta đã và đang được thấy những tín hiệu lạc quan của một nền bóng đá trẻ, tuy nhiên, như số báo trước Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã đề cập, sẽ là sai lầm nếu bỏ hết trứng vào một rổ.
Cho đi, rồi sẽ nhận lại
Như đã nhắc, ông chủ Đoàn Nguyên Đức bắt đầu mở Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG, không bằng xuất phát làm giàu cho V-League, cho bóng đá Việt Nam, mà làm giàu cho chính… cái túi của ông, với đích hướng tới là thị trường châu Âu và Đông Bắc Á. 2 triệu USD bỏ ra vào thời điểm năm 2007 để làm bóng đá trẻ là một con số cực khủng, chưa từng có tiền lệ.
Nhưng, cũng nói luôn, bầu Đức là mẫu người hành động và thi thoảng, ông vẫn cho phép mình phá bỏ những rào cản, một cách có… tính toán. Trong kinh doanh cũng thế và khi làm bóng đá cũng vậy, từ việc kéo về cầu thủ hay nhất Đông Nam Á Kiatisuk, cùng hàng loạt các thương hiệu khác tạo nên một “dream team”, từ giải hạng Nhất hay các hợp đồng với Thonglao, Lee Nguyễn sau này…
Và bóng đá trẻ luôn là một giấc mơ cháy bỏng, sau hơn nửa thập niên đầu làm bóng đá, ông bầu phố núi đã hao tiền tốn của cho cuộc đua trên sàn chuyển nhượng. “Tại sao mình không tự đào tạo ra cầu thủ để sử dụng hoặc nếu được, để bán? Tôi cam đoan rằng sẽ lời to, khi đạt được hợp tác với Arsenal và JMG toàn cầu”, người ta chưa quên phát biểu chắc như đinh đóng cột của bầu Đức.
Nói về bóng đá, bầu Đức đã cho đi rất nhiều, được nhiều, nhưng cũng mất không ít. Về danh tiếng và độ uy tín, hẳn đã giảm thiểu nhiều, sau những đăng đàn kiểu “Thanh Bình ăn đứt Công Vinh” hay “HA.GL có đến 98% khả năng vô địch” ở mùa giải mà ông Đức kéo Lee Nguyễn về, để tác hợp cùng Thonglao ở sân Pleiku… Còn cái được, thì khó cân-đo-đong-đếm lắm.
Chưa biết lứa đầu của Học viện HA.GL Arsenal JMG sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn đến đâu (e là ít khả quan so với tiêu chí đặt ra), nhưng có một điều dễ cảm nhận nhất lúc này là, bầu Đức đang được rất nhiều thứ. Từ tình yêu mến của người hâm mộ, đến việc quảng bá các thương hiệu của HA.GL Group. Với một bộ phận, ông bầu này còn là thần tượng, thậm chí là Thánh sống…
Xét những biểu hiện về cơn sốt mang tên U19 Việt Nam, mà “những đứa trẻ của bầu Đức” sắm vai kép chính, trong những ngày qua, dù nó chỉ là hiện tượng chứ chưa là bản chất của tình yêu đi chăng nữa, cũng không thể phủ nhận rằng, bầu Đức và cộng sự của ông, những người có công tổ chức giải U19 quốc tế 2014, đã ghi điểm. Không dễ để mang lại sự phấn khích lớn như thế.
Ở một góc nhìn khác, góc nhìn mang tên cổ động viên hay người hâm mộ, bằng với sự kỳ vọng, họ cũng đang cho đi rất nhiều, thứ tình yêu không toan tính. Để tất cả đều ước rằng, lứa cầu thủ trẻ tài năng này sẽ là tương lai của nền bóng đá hay ít nhất cũng góp phần nâng cao vị thế, bằng những mô hình đào tạo kiểu mẫu như thế được nhân bản. Và người hâm mộ cũng cần được đáp trả.
Tình yêu nào chả… mù quáng?
Trong thiên tình sử Romeo & Juliet, dù không một ai mong mỏi cái kết đầy bi ai như thế, nhưng nó vẫn xảy ra. Dù biết chắc không thể đến với nhau, nhưng người ta vẫn lao vào nhau điên cuồng, bởi thứ ngôn ngữ tuyệt vời gọi là tình yêu. Phải, đã yêu ai lại tính toán và thế nên, thường tình yêu vẫn mù quáng, dù thời đại này, người ta không chỉ biết yêu bằng tai, mà còn bằng mắt.
Trở lại tình yêu bóng đá, thứ tình yêu cho đi và chắc chắn mong mỏi được nhận lại (bởi nếu một trong hai kẻ là cầu thủ hay người hâm mộ phản bội, chắc chắn không thể gọi nó là tình yêu được). Đội bóng trẻ Việt Nam U19 đã gieo vào đầu, vào tai và vào mắt của nhiều người thứ bóng đá đẹp như tranh vẽ, hồn nhiên và không hề vụ lợi, thì họ xứng đáng được yêu nhiều hơn, nâng niu nhiều hơn.
Không ai bắt khi yêu phải quay đầu lại cả. Nhưng, hãy thử tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, ra khỏi cái vòng mu muội của cái gọi là tình yêu ấy, tự thân bất cứ ai cũng có thể lờ mờ nhận ra rằng, cuộc sống luôn có giới hạn, năng lực con người hữu hạn và tình yêu không thể vô biên được. Đến một lúc nào đó bừng tỉnh, chúng ta sẽ biết đích xác được giá trị cuộc sống, giá trị tình yêu.
Xem vấn đề theo thứ ngôn ngữ bóng đá, thứ ngôn ngữ gợi hình và gởi cảm nhiều nhất, cũng hiện hữu nhất, rõ ràng năng lực chinh phục của người Việt Nam trong môi trường thể thao đỉnh cao là hữu hạn. “Những đứa trẻ của bầu Đức” đã chơi tuyệt hay, đầy cảm xúc và lôi cuốn, nhưng chúng thậm chí đã không thể thắng được chính mình, trước khi gục ngã trước bức tường cantenaccio.
Nhiều ý kiến lên án lối chơi phòng ngự tiêu cực của người Italia trẻ, đội bóng AS Roma, nhưng bóng đá là thế, đẳng cấp trong bóng đá là thế. Bóng đá là những toan tính (chiến thuật), chứ không giống như thứ tình yêu không vụ lợi. Và bóng đá Italy đã và chưa bao giờ đậm chất thơ, máu và nước mắt như câu chuyện tình buồn Romeo & Juliet ở xứ Verona của họ.
Và câu chuyện đào tạo trẻ ở Việt Nam. Việc những người trẻ đang tạo cơn sốt bóng đá thực sự, trong bối cảnh nền bóng đá u ám, rõ ràng cái được lớn nhất, dễ cảm nhận nhất là sự khơi gợi, là niềm tin cho một tương lai tươi sáng hơn. Chứ U19 Việt Nam, với nòng cốt là “những đứa trẻ của bầu Đức” chưa thể là tương lai, chưa thể quyết được vận mệnh của một nền bóng đá được.
Thể trạng, cơ địa và thậm chí cả tư duy chơi bóng của người Việt Nam là hữu hạn trong thế giới bóng đá đỉnh cao quá rộng lớn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện, nâng cấp và tiến bộ, nếu chọn được phương pháp làm hợp lý và tạo được môi trường rèn luyện, phấn đấu lý tưởng. “Những đứa trẻ của bầu Đức” mới chỉ là lứa đầu tiên và quả thật, tình yêu đầu bao giờ cũng thú vị!
Theo Thể Thao Văn Hoá
U19 Việt Nam: "Gái có công, chồng chẳng phụ"
Thứ Năm 09/01/2014 17:29(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên