Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

U19 Việt Nam: Đến bao giờ được như Ronaldo?

Thứ Ba 14/01/2014 10:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sau 5 năm, Ronaldo mới lại được ghi nhận ở danh hiệu Quả bóng vàng FIFA, và liệu sau 5 năm nữa, có ai còn nhớ đến lứa U19 Việt Nam bây giờ?

1. Hiếm có giải thưởng Quả bóng vàng của nước nào lại ưu tiên lớp trẻ như Quả bóng vàng Việt Nam. Năm 2003, Văn Quyến giành giải thưởng cao quý nhất khi vừa qua 19 tuổi. Một năm sau đó, tới lượt người đồng đội của Quyến là Công Vinh làm được điều tương tự.

19 tuổi bước lên ngôi cao nhất, thành tích đó chắc chỉ có ở Việt Nam. Nhìn lại danh sách những cầu thủ từng giành Quả bóng vàng châu Âu (sau này là Quả bóng vàng FIFA), người ta mới thấy giật mình: cầu thủ của ta lớn nhanh quá. Nếu như “người ngoài hành tinh” Ronaldo phải chờ tới năm 21 tuổi mới chạm được tay vào danh hiệu cao quý (năm 1997) thì “thần đồng” Michael Owen cũng phải đợi đến lúc 22 cái xuân xanh mới được vinh danh (năm 2001).

Các sao của U19 Việt Nam liệu có sớm giành được Quả bóng vàng?
Các sao của U19 Việt Nam liệu có sớm giành được Quả bóng vàng?

Ngay cả quái kiệt đương đại Lionel Messi cũng đến năm ngoài 22 mới được xướng tên là cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu (năm 2009 – năm cuối cùng trước khi Quả bóng vàng châu Âu và thế giới hợp nhất thành Quả bóng vàng FIFA).  Nói đến đây, hẳn nhiều người sẽ nghĩ phải chăng bóng đá Việt Nam có quá ít sự cạnh tranh, để mấy đứa gắn danh thần đồng được lên nhận giải?

2. Nhưng lý luận ấy đứng vững không quá… 1 giây. Trong 6 năm gần nhất, bóng đá Việt có tới 5 chủ nhân Quả bóng vàng khác nhau là Công Vinh (năm 2007), Hồng Sơn (năm 2008), Thành Lương (năm 2009), Minh Phương (năm 2010), Thành Lương (năm 2011), và Quốc Anh (năm 2012). Trong khi đó, Quả bóng vàng FIFA chỉ là sự ganh đua nội bộ giữa 2 cái tên Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Một người 4 lần đăng quang, còn người kia 2 lần.

Như vậy, có thể thấy giới cầu thủ nước ta lúc nào cũng trong cảnh “quần ngư tranh thực”, chứ không hề có chuyện “một người độc bá” như “Ro điệu” và “Si lùn”. Ở Việt Nam lúc này, Công Vinh có thể là số 1 cả về mặt thương hiệu cũng như thành tích sân cỏ, nhưng tiền đạo xứ Nghệ không có được một khoảng cách “an toàn” với tốp sau, giống như cách mà CR7 và M10 từng duy trì suốt 5, 6 năm qua.

Thêm một điểm khác biệt nữa giữa những chủ nhân của Quả bóng vàng Việt Nam và FIFA, đó là ở nước ta, chưa bao giờ có chuyện một cầu thủ sau 5 năm bất ngờ trở lại ngôi vị số 1 giống như cách Ronaldo đã làm trong năm qua. Thông thường, các sao nội chỉ cách 2 năm là trở lại ngôi cao nhất như Công Vinh (2004, 2006) hay Thành Lương (2009, 2011). Và điều đó cũng có nghĩa là khả năng duy trì phong độ đỉnh cao trong môi trường bóng đá Việt gặp quá nhiều vấn đề.

3. Cách đây chừng 1 tuần, khi sức nóng từ giải U19 quốc tế lan tỏa trong khắp hang cùng ngõ hẻm, đã có những ý tưởng mang tính đột phá như trao giải Quả bóng vàng năm nay cho các học trò của HLV Guillaume Graechen. Lập luận của luồng ý kiến này, đó là trong quá khứ, Văn Quyến, Công Vinh từng giành Quả bóng vàng khi 19 tuổi, thì bây giờ, Công Phượng, Tuấn Anh hay Đông Triều cũng có thể làm được.

Ở đây, chúng ta sẽ không bàn về mức độ khả thi cũng như tính đúng đắn của ý kiến này, mà chỉ tập trung vào một sự trăn trở duy nhất: Phải chăng bóng đá Việt Nam bây giờ quá thiếu nhân tài, đến mức phải trao Quả bóng vàng cho những cầu thủ mới tỏa sáng ở sân chơi dành cho đội trẻ?

Điều ấy đã diễn ra vào năm 2003, khi Văn Quyến tỏa sáng rực rỡ ở SEA Games 22, giúp U23 Việt Nam giành HCB. Nhưng vào thời điểm ấy, “chàng béo” đã có chân ở ĐTQG, và việc anh dự sân chơi cho các tuyển thủ trẻ chỉ là vì anh đủ tuổi và “nước nhà gọi tên”. Nó khác rất xa chuyện Công Phượng cùng các đồng đội, chưa từng được gọi vào đội U23 chứ đừng nói gì đến ĐTQG.

Sẽ rất khó để Công Phượng giành Quả bóng vàng Việt Nam 2013, cũng như rất khó để một Quả bóng vàng trong quá khứ như Thành Lương (bây giờ) hay Văn Quyến (trước đây) trở lại thời hoàng kim ở “tuổi chín” của nghiệp cầu thủ. Nền bóng đá của chúng ta có nhiều tiềm năng, nhưng nếu một cầu thủ đã phát tiết hết ở độ tuổi 23-25 thì gần như họ không có cửa tỏa sáng ở tuổi 28-30.

Trách nhiệm của những người quản lý và quy hoạch bóng đá Việt Nam có một phần không nhỏ ở đây. Và chẳng biết đến bao giờ, trên mặt báo nước nhà mới có những câu chuyện theo kiểu “sự trở lại thần kỳ sau 5 năm vắng bóng” như của Cristiano Ronaldo.

Theo VTC

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X