U19 Việt Nam vẫn là đội bóng giỏi, đấy vẫn là lứa cầu thủ tài năng đặc biệt, xét trên mặt bằng của bóng đá nội. Nhưng ngay cả đội bóng giỏi nhất, ngay cả những cầu thủ tài năng nhất cũng cần phải biết lắng nghe để hoàn thiện.
Lỗi của bầu Đức?
Sau hai thất bại của U19 Việt Nam trước Hàn Quốc và Nhật Bản, bầu Đức là người đầu tiên (và cũng là nhân vật duy nhất cho đến thời điểm này) lên tiếng nhận trách nhiệm về trận thua bẽ bàng ấy. Ông Đức bảo rằng ông có đến 50%, thậm chí 70% lỗi trong thất bại của đội nhà. Một phong cách quyết đoán đáng mặt ông chủ của một trong những tập đoàn lớn nhất nước: Dám làm, dám chịu.U19 Việt Nam có những điểm phát triển hơi phi thực tế
Trước khi bàn đến lỗi của bầu Đức trong thất bại của U19 Việt Nam, hãy ghi công của ông bầu này, thậm chí công rất lớn, khi ông đã tạo ra một thế hệ cầu thủ tài năng đặc biệt như đã nói ở phần đầu bài. Ông Đức tạo nên học viện HAGL-Arsenal.JMG là nòng cốt cho lứa U19 Việt Nam hiện nay theo bằng một bước đột phá táo bạo mà trước ông chẳng ai dám nghĩ và dám thực hiện.
Công cực lớn của ông Đức là bằng lứa cầu thủ ấy, ông kéo được khán giả trở lại sân bóng, gieo niềm hy vọng cho tương lai, điều mà chẳng nhà điều hành bóng đá nội làm được suốt nhiều năm qua. Nhưng như bầu Đức nói ông có “lỗi”. Lỗi ấy là gì, là trong men say của thành công, trong sự hưng phấn về một lối đá đẹp, bầu Đức dường như đang góp phần khiến cho U19 Việt Nam đi lệch khỏi quy trình phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp.
Bầu Đức đang hướng quân của ông đến một lối đá đẹp, đẹp đến mức phi thực tế. Đá bóng mà không phạm lỗi, bóng đá mà không có tranh cãi thì chẳng còn là bóng đá. Bầu Đức lại cấm cầu thủ làm điều đó, mà không phân biệt được thế nào là phạm lỗi chiến thuật và thế nào là đá ác ý (ngay cả U19 Hàn Quốc mạnh hơn mình mà còn sẵn sàng phạm lỗi chiến thuật, trong khi U19 Việt Nam cứ để cho họ đi bóng thoải mái thì dại quá!), thế nào là phàn nàn về những bất công từ phía trọng tài, thế nào là tranh cãi theo kiểu nói… hỗn!
Chưa bàn đến chuyện cầu thủ có hoang mang hay không với phát biểu của ông chủ, nội chuyện bầu Đức xuất hiện trong buổi họp chuyên môn trước trận đấu của đội tuyển U19, rồi phát biểu mang tính định hướng về mặt chuyên môn vừa không nên, vừa vô ích. Nó vô ích ở chỗ ông Đức đâu phải là dân chuyên môn!
Người lớn đang lái sai con tàu
Mà chuyện những người không phải dân chuyên môn cứ liên tiếp định hướng chuyên môn cho đội tuyển U19 Việt Nam là chuyện xảy ra quá nhiều trong thời gian gần đây. Vì chuyện những nhân vật không phải là dân chuyên môn nhưng lại quyết định về chuyên môn cho đội tuyển U19 Việt Nam, nên đội bóng này mới xuất hiện nhiều bất cập.
Ví như chuyện người ta để cho đội bóng của HLV Graechen Guillaume gánh quá nhiều nhiệm vụ, từ các giải đấu giao hữu cho đến các giải đấu chính thức, gánh cả những nhiệm vụ vốn chưa phải thuộc về họ càng khiến U19 Việt Nam đi lệch đường.
Buộc U19 Việt Nam gánh những nhiệm vụ nằm ngoài khả năng chẳng khác nào buộc họ phải gánh trên vai cả nền bóng đá, trong lúc nhiệm vụ chính của họ là VCK U19 châu Á năm nay còn chưa biết có hoàn thành hay không?
Và cái sai lớn nhất của những người vốn không phải là dân chuyên môn lại chen ngang công việc chuyên môn nằm ở chỗ người ta dường như muốn “đóng khung” đội hình của U19 Việt Nam ngay từ bây giờ, kể cả cho những năm tiếp theo, mà quên mất nguyên tắc cơ bản của mọi đội tuyển trên toàn thế giới ở chỗ đấy phải là nơi tập hợp tinh hoa của cả một nền bóng đá, thay vì chỉ là một học viện có tăng cường.
Định hướng sai của những người làm công tác điều hành không chỉ làm cho U19 Việt Nam tự yếu đi, mà còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn bộ nền bóng đá, có thể giết chết khát vọng vươn lên của những tài năng trẻ khác, khát vọng của những lò đào tạo khác, khi họ phải đứng trước một đội tuyển đã bị “đóng khung”!
Mong những người đang làm công tác điều hành nền bóng đá đừng quên nguyên tắc phân công công việc của xã hội: Người nào việc đó! Đừng quên để đừng bỏ ngoài tai những phản biện!
Theo Dân Trí