Hình ảnh các cầu thủ của chúng ta đổ gục xuống sân đã làm nhiều người dân Việt Nam không thể cầm nổi nước mắt |
Để rồi sau khi U19 Việt Nam giành chiến thắng trước U19 Myanmar một cách thuyết phục, tại những tụ điểm trung tâm Hà Nội lại diễn ra những cuộc "diễu hành" lớn, với sắc đỏ rực rỡ trên khắp các con phố. 23 giờ ngày 11/9, khi mà theo lẽ thường, các con phố đã ngủ yên, thì ở tụ điểm Hồ Gươm, những tiếng hô vang "Việt Nam vô địch, Việt Nam vô địch" vẫn sục sôi, cuồng nhiệt hơn lúc nào hết. Những áo, những cờ, những niềm hân hoan, những niềm vui, những sự hạnh phúc, những phút giây tắc đường vào giữa buổi đêm nhưng vẫn thấy vô cùng tuyệt vời, phải lâu lắm, lâu lắm rồi người ta mới thấy ở Việt Nam. Đành rằng, thành tựu của U19 Việt Nam chỉ đến từ một giải đấu giao hữu bình thường (nếu không muốn nói là vô thưởng vô phạt), nhưng cái cách thi đấu vừa nhiệt tình, ngây ngô, hồn nhiên, vừa thể hiện sự được đào tạo bài bản từ nhỏ đã làm nhiều người Việt Nam, bao gồm cả những người chưa bao giờ yêu thích bóng đá phải phát cuồng. Họ phát cuồng vì niềm vui, niềm tự tôn dân tộc. Cuối cùng sau bao nhiêu năm, kể từ thời Văn Quyến còn là một tài năng trẻ đến bây giờ, người ta mới lại được sống trong cảm giác của niềm tin và hi vọng.
Để rồi sau đó 2 ngày, việc săn vé để lên Mỹ Đình vào buổi tối 13/9 gần như là bất khả thi cho những ai chậm chân. Đến buổi trưa ngày 12/9, vé vào sân đã được bán hết. Lúc này, người ta lại tiếp tục nói chuyện vé. Nói chuyện rằng tiếc vì không mua được vé, nói chuyện rằng đã đi xếp hàng từ sáng nhưng vẫn không "ăn thua", nói chuyện rằng không thể tới sân đêm nay thì chắc chắn phải tụ tập với bạn bè để xem cho... khoái. Đợi buổi tối 13/9 tới dường như lâu tới khó hiểu. Hôm ấy là ngày thứ Bảy, một ngày nghỉ cuối tuần. Người dân không phải đi làm, và có rất nhiều người dường như chẳng có kế hoạch gì cho cả ngày hôm ấy, ngoài đợi xem U19 Việt Nam sẽ thể hiện thế nào trước U19 Nhật Bản, đối thủ thuộc hàng mạnh nhất khu vực. Những cuộc điện thoại hối hả gọi nhau đi xem bóng đá, những đầu óc thiếu tập trung, không làm nổi điều gì nên hồn chỉ để đợi U19 ra sân, tất cả đều lan tỏa khắp Hà Nội. Trong không khí của thủ đô lúc ấy có cái gì đó sục sôi, ngóng trông mà đã biến mất trong nhiều năm qua.
Người vào được sân thì ít, mà người đứng thèm thuồng ở ngoài thì nhiều. Người viết cũng không phải là ngoại lệ trong cả trăm nghìn người không thể săn được vé vào sân ngày hôm ấy. Nhưng cũng từ đó mà người viết có cơ hội được chứng kiến nhiều hơn những gì mà U19 Việt Nam mang lại cho người dân Hà Nội nói riêng. Lần đầu tiên sau 10 năm, người viết ngồi xem một trận bóng đá với gia đình, và vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh người mẹ đã gần kề tuổi 60 của mình... máu me xem U19 như một thanh niên, và thật ngạc nhiên là một người vốn (nói thẳng là) không biết gì về bóng đá như bà cũng thuộc tên rất nhiều cầu thủ của đội U19 mình và đưa ra những nhận xét cực kì thú vị: "Thằng bé Công Phượng đá hay lắm, nhưng mỗi lần có bóng là lại bị 3, 4 người bên Nhật Bản "quây" ngay", "Thằng bé Xuân Trường, mắt nó cứ nhìn... đi đâu ấy mà vẫn xử lý bóng răm rắp", "Duy (chỉ Hồng Duy) hay múa may ở sân nhà quá, xem thằng bé đá mà thót hết cả tim lại". Để một người trung niên chỉ quan tâm tới yoga như bà nói được những câu ấy, ngồi hết 90 phút rồi tiếc rẻ và tự an ủi mình: "Buồn quá, tiếc quá, Việt Nam đá hay thật, nhưng thôi cũng tốt rồi. Là Nhật Bản mà...", để sau đó rơm rớm nước mắt đồng cảm với những cái bóng áo trắng gục xuống trên mặt cỏ Mỹ Đình. Sau đó, khi liếc qua màn hình điện thoại với hàng trăm cập nhật trên mạng xã hội bày tỏ sự tiếc nuối, người viết hiểu rằng U19 Việt Nam đã làm được những gì. Sau một thời gian bóng đá Việt Nam để cho niềm tin của người hâm mộ bị lung lay dữ dội, thì lúc này, toàn dân tộc đang hướng về phía họ.
Sau khi trận đấu kết thúc, vì tò mò, người viết cũng quyết định ra đường để xem xem không khí thủ đô hôm nay có còn nhộn nhịp như ngày chúng ta thắng Myanmar hay không. Kết quả là có một chút vẻ buồn bã, tiếc nuối, không còn vui tươi như 2 ngày trước ấy, nhưng người dân ra đường ăn mừng cho U19 Việt Nam vẫn rất nhiều. Ở đâu đó, vẫn còn những nhóm người, những tập thể hát vang "Việt Nam vô địch". Ở dưới đường lúc đó người viết mới thực sự cảm thấy tim trong lồng ngực đập nhanh, cảm giác rõ các mạch máu đang chảy trong khắp cơ thể, đầu óc trở nên tràn ngập một thứ chất kích thích gì đó đặc trưng của một người yêu bóng đá vốn sở hữu. Dù rằng U19 Việt Nam vẫn còn những tin đồn không hay, vẫn còn những lo ngại về việc các em chịu quá nhiều áp lực dẫn tới không thể tiến bộ thêm, những suy nghĩ rằng nhiều em sẽ ngủ quên trên những thành tích đã đạt được, nhưng rõ ràng, các em có quyền tự hào vì những gì các em đã làm được. Ấy là kéo người dân Việt Nam về một mối quan tâm chung, là gợi lên niềm yêu nước, yêu dân tộc chỉ bằng một môn thể thao mà dân gian gọi là "22 người tranh nhau một quả bóng". Chuyên môn còn nhiều điểm cần cải thiện, thể lực còn yếu, thể trạng còn "còi", nhưng U19 Việt Nam đã thực sự mang tới cho người xem bóng đá Việt Nam cái thứ mà bóng đá khởi thủy nhắm tới: Cảm xúc.
Thành Nguyễn (ghi chép)