Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

U19 Việt Nam: Cần lắm một tiền vệ đánh chặn

Thứ Tư 10/09/2014 07:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Thua U19 Nhật Bản sát nút có thể gọi là thành công về mặt tỷ số. Ghi được 2 bàn vào lưới người Nhật có thể coi là thành công ở phương diện tấn công. Nhưng để đồng đều thì U19 Việt Nam cần phải tránh những nhược điểm như trong 3 bàn thua.

Thiếu tiền vệ phòng ngự

Nếu nhìn vào tỷ số thua 0-7 ở cúp Nutifood cách nay vài tháng và thua 2-3 ở giải đấu đang diễn ra, U19 Việt Nam rõ ràng có tiến bộ. Gạt sang một bên chuyện U19 Nhật Bản không mang đến Hà Nội thành phần mạnh nhất, gạt sang một bên chuyện nhiều cầu thủ trong đội hình của họ từng thắng ta 7-0 không có mặt ở giải lần này, điều đáng ghi nhận là chúng ta đã biết cách tấn công, biết cách tiếp cận cầu môn đối phương.

Vài tháng trước, toàn bộ hệ thống của U19 Việt Nam gần như bị “đứng hình” trước đối thủ hơn hẳn về mặt đẳng cấp. Hiện tại, cầu thủ của HLV Graechen Guillaume đã giữ bóng được, đi bóng được và phối hợp được trước Nhật Bản, đấy là sự tiến bộ lớn.

U19 Việt Nam đang thiếu một tiền vệ đánh chặn đúng nghĩa
U19 Việt Nam đang thiếu một tiền vệ đánh chặn đúng nghĩa

Nhưng một vấn đề khác lại nằm ở chỗ chúng ta vẫn chưa giải quyết tốt hàng phòng ngự. U19 Nhật Bản hiện nay vẫn chưa phải là đội bóng quá mạnh như U19 Nhật Bản ở sân Thống Nhất hồi đầu năm, nhưng họ vẫn chọc thủng lưới U19 Việt Nam đến 3 lần.

Trong cách chơi của U19 Việt Nam thiếu hẳn một tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa, điều mà tất cả mọi đội bóng trên thế giới đều phải có. Cả 2 tiền vệ trung tâm là Tuấn Anh và Xuân Trường đều có thiên hướng tấn công, họ hỗ trợ tấn công rất hay, nhưng không ai giỏi ở khả năng hỗ trợ phòng ngự.

Rõ nhất là trong bàn thua đầu tiên trước U19 Nhật Bản. Keisuke thoải mái chỉnh bóng rồi sút từ cự ly gần 30m làm tung lưới thủ môn Minh Toàn. Ở tình huống ấy, nếu U19 Việt Nam có tiền vệ phòng ngự tốt, biết đọc ra ý đồ của đối phương và biết cách áp sát, Keisuke đã không dễ thực hiện ra sút xa đến cỡ đó. Trước bàn thắng ấy, U19 Nhật Bản còn vài lần sút xa khác, khiến khung thành của U19 Việt Nam lao đao. Họ đọc ra nhược điểm của chúng ta trước khi HLV Graechen Guillaume biết cách bịt nó.

Thiếu phương án chống phản công

2 bàn thua tiếp theo trong trận đấu với U19 Nhật Bản là những bàn thua ở thời điểm mà đội hình của U19 Việt Nam được đẩy lên rất cao. Cứ cho rằng đội bóng của HLV Graechen Guillaume tấn công hay, nhưng một đội bóng tấn công hay đến mức nào đi chăng nữa thì vẫn rất cần phương án chống phản công.

Lao lên phía trước nhưng lại để lại khoảng trống mênh mông ở phía sau thì cũng tai hại không kém sai lầm trong phòng ngự. Rồi chúng ta có dám nói chắc rằng với một đội bóng có đẳng cấp như U19 Nhật Bản, có hay không chuyện họ đang bẫy U19 Việt Nam dâng cao để tung đòn “hồi mã thương”?

Sẽ không có câu trả lời thực sự rành mạch với vấn đề vừa nêu, chỉ biết có một thực tế rằng chúng ta thua 2 bàn tiếp theo từ những pha phản đòn sắc như dao cạo của đối thủ. U19 Việt Nam vốn đã không mạnh trong phòng ngự, khi mãi miết dâng cao lại thiếu phương án chống phản công, nên khi đối phương tăng tốc trở lại, chúng ta lập tức hở sườn.

Trong khả năng chống phản công, vai trò của tiền vệ phòng ngự lại càng quan trọng. Điểm mạnh của U19 Việt Nam vốn có nhiều tiền vệ giỏi tấn công ở đây lại trở thành điểm yếu của chính chúng ta. Đấy lại là một bài học khác của U19 Việt Nam, bởi đá với đối thủ có đẳng thì tấn công hay thôi chưa đủ. Vấn đề là chúng ta không thể trận nào cũng đảm bảo rằng chúng ta ghi nhiều bàn thắng hơn đối phương.

U19 Việt Nam cần một hàng thủ an toàn hơn, cần tiền vệ đánh chặn đọc tình huống tốt hơn, thay vì bị cuốn vào lối đá ào ạt của tuyến trên. Đội bóng của HLV Graechen Guillaume có thể đá đẹp để khiến khán giả ngất ngây, nhưng đá đẹp mà thua, biết điểm yếu của chính mình nhưng một thời gian dài không khắc phục được thì kể cũng tiếc!
  
Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X