Nói thẳng, thua 0-6 trước U19 Hàn Quốc đâu có phải kết quả quá sốc. Chúng ta đều đã biết trước khi vào trận, U19 Việt Nam sẽ thua, dù có yêu các em và tin các em đến mấy. Thực ra đứng vững suốt cả hiệp 1 với phong thái tự tin đã là một thành công của tuyển mình, và cái kết quả của séc tennis kia chỉ là dấu chấm hết cho một hiệp 2 hoàn toàn vỡ nát về thế trận của thầy trò HLV Guillaume Graechen. Trong bóng đá có một quy luật tất yếu: khi bị dồn ép đến mức không thể chống cự và vỡ trận, một đội bóng sẽ nhận liên tiếp những bàn thua dù trong thời gian trước đó có chơi tốt đến mấy.
Những thất bại có thể khiến những Tuấn Anh hay Tuấn Tài chăm chỉ tập luyện hơn nữa |
Chúng ta phát cuồng vì lò đào tạo trẻ HAGL Arsenal JMG, nhưng Hàn Quốc có hàng... chục những trung tâm như thể trải khắp đất nước với hệ thống đào tạo bóng đá trẻ cực kì chuyên nghiệp. Vài năm trước thôi, chúng ta nào có lạ gì chuyện... Sinh viên Hàn Quốc thắng ĐTQG Việt Nam một cách đơn giản. Với con mắt nhìn của một nhà ĐKVĐ, U19 Hàn Quốc chỉ coi chúng ta như một kẻ lót đường đầy tham vọng, chứ chưa nhìn nhận U19 Việt Nam như một... đối thủ. Thực sự thì một kết quả thất bại kiểu này không có hại cho chúng ta (bởi lẽ thua là điều đã được lường trước), thậm chí là có lợi để chúng ta nhận ra rằng bóng đá Việt Nam như thể đang dùng một chiếc bè gỗ mà tham vọng bơi ra biển lớn. Vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, Công Phượng vẫn chỉ là một tài năng trẻ cần tập luyện nhiều về cả chuyên môn và tâm lý.
Lại nói về mặt tâm lý, hôm qua U19 Việt Nam thua cũng một phần là vì "yếu bóng vía". Thầy Giôm cho các em nhập cuộc theo kiểu chắc ăn quá đáng đến mức tiêu cực (giả sử để các em đá một trận "bứt gân", chơi đúng sức và thể hiện đủ khả năng, kể cả khi có thua cũng sẽ nhận được những bài học có giá trị). Nói rằng chúng ta gây khó cho Hàn Quốc trong hiệp 1 vì lối chơi phòng ngự đó xem chừng không hợp lý: phải nói rằng ta đã rơi vào trận địa của họ thì đúng hơn. Họ không dồn lên cao để mất sức mà không có hiệu quả, chờ tới khi ta có lỗ hổng mới khoan phá. Đến thầy còn lo thua, thì nói gì tới trò: Văn Trường không chắc chắn ở bàn thua đầu tiên, các hậu vệ lỏng lẻo trong những lần vào lưới nhặt bóng tiếp theo, hàng công chơi không được thoải mái mà rất căng cứng. Công Phượng xử lý không tỉnh táo, Văn Long nỗ lực nhưng vụng về lạ kì, còn Hồng Duy chỉ khá khi Hàn Quốc chưa đá thẳng chân. Bản lĩnh ở một trận đấu lớn của chúng ta chưa có.
Nói thêm về sự chuẩn bị trước thềm trận đấu. HLV Graechen đã hơi quá tự tin trước khi lên đường sang Myanmar, có lẽ bởi ông biết rằng Hàn Quốc chỉ thắng nổi Thái Lan 2-1 cách đây đã 2 năm. Đây rõ ràng là một mặc định làm ông "việt vị", và những tài liệu, băng video mà thầy Giôm có được có chăng chỉ là mang tính tư liệu tham khảo chứ không thể có giá trị về mặt quyết định chiến thuật hay lối chơi. Ông quan sát kĩ những đoạn băng thu lại từ giải vô địch U19 châu Á cách đây 2 năm, khi Hàn Quốc đã "xưng hùng xưng bá" lên ngôi vô địch - nhưng lại quên mất rằng lứa U19 ấy bây giờ đã là... U21, còn đội quân mà ông phải đối mặt là hoàn toàn tươi mới, trẻ trung và có cả những cầu thủ chơi cho Barcelona, Lyon hay Almeria. Thầy Giôm có vẻ đã hơi vội vàng khi nghĩ Việt Nam đã có thể vươn tới tầm châu lục chỉ sau một vài năm đào tạo và phát triển.
Hãy để U19 được chắp cánh hơn là cho họ bay cao từ quá sớm |
Trong bối cảnh mà tất cả các nước trong và ngoài khu vực đều đang vươn mình mạnh mẽ (Myanmar xuất sắc cầm hoà Yemen, Thái Lan thậm chí còn thắng được Iran), chúng ta cần nhanh hơn bây giờ, mạnh hơn bây giờ, và tỉnh táo để giữ chân trên mặt đất được hơn bây giờ thì mới có thể có hi vọng trong tương lai. Không nên vội vàng mà nói tới bóng đá châu lục, hãy cứ có chỗ đứng (hay chính xác hơn là lấy lại chỗ đứng) ở bình diện Đông Nam Á, suy cho cùng có khi lại là một thành công vừa tầm. Việt Nam hiện mới chỉ đang làm tốt trong các trận đấu tại sân nhà, nơi mà đã quá lâu người ta chưa được hưởng men say chiến thắng nên dễ dàng bị ảo tưởng chỉ vì vài thành công ban đầu. Dấu hiệu của sự ảo tưởng ấy chính là những tuyên bố như "U19 Việt Nam là tương lai của bóng đá nước nhà", "U19 Việt Nam có khả năng tham dự vòng loại World Cup 2018", "Công Phượng là Messi, Văn Long là Di Maria" hay "Bầu Đức làm thay đổi bóng đá nước nhà".
Những tuyên bố như thế vô tình đã khiến cho các cầu thủ U19 của chúng ta bay cao hơn so với thực tế rằng họ chỉ đang khá "tầm tầm", chỉ trong giai đoạn "cất cánh" chứ đừng nói tới bay. Rất nguy hiểm, khi bay cao mà không có cánh - lúc bị kéo xuống mặt đất sẽ đau đớn và chua chát đến nhường nào. Với lứa tuổi trẻ của các em, sẽ là tốt hơn nếu chắp cánh, khuyến khích, động viên; hơn là tâng bốc, ngợi ca trong mù quáng. So sánh thế này thì hơi khập khiễng, nhưng không phải là không có cơ sở: hãy nhìn vào những người ăn xin. Kẻ thông minh sẽ cho họ cái cần câu cơm, sẽ cho họ một cái nghề để họ tự kiếm lấy kế sinh nhai cho mình; hơn là cho tiền, cho tiền rồi lại cho tiền. U19 Việt Nam cũng thế, các em cần động lực để tiếp tục phấn đấu, sự ủng hộ để bước xa hơn trên con đường trau dồi bản thân về kĩ thuật, khả năng thi đấu trong các trận đấu lớn hay đơn thuần là thể lực, thể hình. Các em không cần được sống trên mây gió với những lời ca ngợi ngọt lịm nhưng đắng chát trong thời gian sau đó.
Thế nên, trận thua này sẽ giúp chúng ta tỉnh táo hơn trong những nhận định về tuyển U19. Sắp tới U19 Nhật Bản và Trung Quốc sẽ là những đối thủ khó khăn. Việc thua Hàn Quốc giúp ta dè chừng hơn, tỉnh táo hơn, thông minh hơn trước khi "xáp lá cà" với những đội tuyển mạnh. Khi đó mà có trái ngọt thì niềm vui sẽ đậm đà hơn rất nhiều.
Thành Nguyễn