Tại sao các trung phong Việt Nam tịt ngòi? Tại sao tuyển Việt Nam lại bỏ lỡ nhiều cơ hội như vậy? Những câu hỏi ấy vang lên sau trận Việt Nam- Mozambique.
Nỗi niềm “chim mồi”
3 trận đấu và chỉ có 2 bàn thắng. Cả hai bàn đều của các tiền vệ. Như thế là chưa đủ nếu xét về số cơ hội mà họ tạo ra trong 3 trận đấu gần nhất. Người ta đang tự hỏi điều gì đang xảy ra với các chân sút Việt Nam? Vì họ quá vô duyên trước khung thành đối thủ hay chính vì lối chơi vẫn còn khiếm khuyết dẫn đến cơn khát bàn thắng?
Nhìn vào bề nổi ai cũng thấy các chân sút Việt Nam phung phí nhiều cơ hội. 3 tình huống mười mươi có thể ăn bàn ở trận gặp Trung Quốc. Hơn gấp đôi số cơ hội ấy trong trận đấu với Mozambique nhưng cũng chẳng chân sút nào của chúng ta có thể ghi bàn. Bàn thắng với Mozambique chỉ đến khi đối thủ biếu không trong một pha phản lưới nhà.Tuyến tiền vệ của tuyển Việt Nam đông nhưng chưa tinh
Ở một góc nhìn khác, người ta buộc phải đặt lên bàn cân về cách xây dựng đội hình một tiền đạo cắm của HLV Phan Thanh Hùng. Với cách chơi này, người ta không nên quá kỳ vọng rằng các tiền đạo mũi nhọn luôn là người ghi bàn thắng nhiều nhất cho đội Tuyển.
Bằng chứng đến từ HLV Calisto trong thời kỳ cầm quân ĐT.LA, những người ghi bàn nhiều nhất cho họ khi ấy thường là những cầu thủ chạy cánh như Antonio, Tshamala chứ không phải Việt Thắng. Hay ở AFF Cup 2008, trung phong cắm Việt Thắng chỉ có 1 bàn trong khi Vũ Phong 3 bàn, Thành Lương và Công Vinh có 2 bàn.
Cái cách xây dựng đội hình ấy cũng đang hiện diện trong những đội bóng mà HLV Phan Thanh Hùng đang cầm quân. Ở Hà Nội T&T, cặp tiền đạo Gonzalo, Samson cực hay nhưng đôi khi Hà Nội T&T lại sống bằng những bàn thắng của những tiền vệ như Văn Quyết, Ngọc Duy. Samson cũng chỉ nổ súng liên tục cho Hà Nội T&T khi anh đá dạn biên nhiều hơn. Lối chơi dùng 1 trung phong cắm làm tường, tận dụng tối đa tốc độ, khả năng biến hoá của những cầu thủ chạy biên. Nói một cách khác sơ đồ chiến thuật 4-5-1 khi phòng ngự sẽ biến chuyển thành 4-3-3 và chính 2 tiền vệ cánh sẽ đóng vai trò tiền đạo ảo khi tấn công.
Nếu như 2 trận đá với Macao hồi năm ngoái dưới thời Falko Goetz, Công Vinh nổ súng liên tục với 7 bàn thì 3 trận vừa rồi anh không có bàn nào. Thậm chí trên sân Thống Nhất vừa qua, dấu ấn của Vinh trong những pha hãm thành đối thủ còn mờ nhạt hơn cả Thành Lương, Mai Tiến Thành. Đơn giản bởi Công Vinh khi đóng vai trò “chim mồi” thì anh không thể ghi nhiều bàn thắng như khi chơi với sơ đồ 2 tiền đạo. Nếu cứ đá như thế này, người ta muốn ghi nhận Công Vinh hay Việt Thắng thì chỉ có thể nói rằng họ đã chấp nhận ẩn nhẫn, hy sinh cho lối chơi tập thể.
Tìm cái gốc của vấn đề
Việt Nam không ghi bàn. Vấn đề đã không còn nằm trong phạm vi và trách nhiệm của các trung phong cắm như Công Vinh, Việt Thắng vậy sẽ thuộc về ai? Hiển nhiên, người ta phải nhìn lại những cầu thủ chạy cánh, những người đóng vai trò quyết định trong cuộc chơi mang nặng tính tập thể.
Thành Lương, Mai Tiến Thành, Quốc Anh có thể xem là những người có nhiều cơ hội nhất trong trận đấu với Mozambique. Họ chính là những cầu thủ đá cánh ở trận này. Và như một lẽ đương nhiên, cách chơi hiện tại cũng tạo ra những cơ hội cho họ xông lên tiếp cận khung thành đối thủ.
Nếu như ở cánh phải, Thành Lương với sự hỗ trợ tích cực của Quang Thanh tạo nên những cú đấm rất mạnh thì ở cánh trái Quốc Anh hoặc sau đó là Mai Tiến Thành có phần lặng lẽ hơn. Vấn đề còn ở chỗ Hồng Tiến khá tròn vai, anh phòng ngự không thể chê nhưng ít tham gia tấn công.
Thêm vào đó, chính là việc thiếu vắng đi cặp Minh Phương, Tài Em – những người đóng vai trò hạt nhân khu vực trung tâm của tuyển Việt Nam trong hành trình giành chức vô địch AFF Cup lại gián tiếp khiến đội tuyển thiếu đi sự đột biến. Thiếu đi khả năng đánh chặn, phân phối bóng của Tài Em, thiếu đi những cú tỉa bóng sắc như dao của Minh Phương, tuyển Việt Nam đánh mất đi khả năng chuyển hoá thật nhanh từ phòng ngự sang tấn công. Quốc Anh, Thành Lương hoặc Mai Tiến Thành phải hỗ trợ phòng ngự nhiều hơn, tham gia vào việc kiến thiết nhiều hơn là băng lên đón nhận những của bật tường từ tiền đạo. Quãng đường di chuyển dài dường như đã vắt sức của họ quá nhiều. Điều đó đã dẫn đến sự thiếu chính xác trong những pha dứt điểm.
Thời gian qua, ít người nói đến Minh Phương, Tài Em. Bởi lẽ tuyến tiền vệ tuyển Việt Nam vẫn đang rất dồi dào nhân sự và là một trong những điểm mạnh nhất của chúng ta. Song quả thật xem trận Việt Nam – Mozambique, thì nỗi nhớ bộ đôi này lại hiện về. Chính từ những bế tắc trong khâu dứt điểm của đội nhà, người ta mới cảm nhận rõ hơn tầm quan trọng và sức bật của những chiến binh dày dạn kinh nghiệm ấy trong những cuộc chiến cân não.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)