Theo quan điểm của HLV Miura, những bàn thua của đội tuyển Việt Nam trước Indonesia không phải là lỗi hệ thống, mà xuất phát từ sai sót cá nhân. Điều này đúng bởi những cá nhân trong hàng thủ vốn không phải là cầu thủ hay.
Nỗi lo được báo trước
Ngay trước khi giải khởi tranh, nỗi lo ĐT Việt Nam yếu hàng thủ đã là nỗi lo được thấy trước, khi nhìn vào những con người mà chúng ta đang có. Ở hàng hậu vệ, ngoại trừ trung vệ Phước Tứ, không ai đáng gọi là hậu vệ có đẳng cấp.
Xu thế của V-League trong nhiều năm liên tục vừa qua đã làm hại đội tuyển. Việc các CLB trong nước sử dụng cầu thủ ngoại quá nhiều ở vị trí trung vệ khiến cho các trung vệ nội không còn có nhiều đất diễn, hoặc có thi đấu cũng mang theo tâm lý dựa vào các ngoại binh.
ĐTVN mất chiến thắng vì những sai lầm trong phòng ngự |
Cũng vì xu thế đá bóng dùng sức ở V-League khiến cho các trung vệ thế hệ sau những Như Thành, Phước Tứ, Minh Đức chơi bóng dựa quá nhiều vào sức, mà kém ở khả năng đọc tình huống, khả năng phán đoán đối thủ, cũng như kỹ năng đoạt lại bóng.
Pha đánh đầu về của trung vệ Đinh Tiến Thành phản ánh sự yếu kém đó. Đấy là tình huống mà trung vệ đang khoác áo Hải Phòng không hề bị gây áp lực, anh cũng có rất nhiều giải pháp để xử lý, nhưng lại chọn giải pháp… dở nhất.
Tiến Thành chọn giải pháp dở, bởi cơ bản anh không phải là trung vệ… hay. Chúng tôi cho rằng HLV Miura nhận định đúng khi nói về mặt hệ thống, hàng thủ của ĐTVN đá không tệ, vì vị HLV người Nhật đã bố trí một hệ thống phòng ngự khá an toàn, gồm đến 2 tầng (2 tiền vệ trung tâm chuyên về thủ, cộng với 4 hậu vệ có thể hình tốt). Nhưng bất chấp hệ thống được tổ chức nhiều lớp, chúng ta vẫn thua vì sai lầm cá nhân. Mà sai lầm cá nhân của Đinh Tiến Thành chủ yếu là do chất lượng con người của chúng ta kém, chứ lỗi không nằm ở HLV.
Mà không chỉ có Đinh Tiến Thành, hầu hết các trung vệ còn lại của ĐTVN hiện không phải là trung vệ giỏi. Những Quế Ngọc Hải, Thanh Hiền, hay Huy Cường đều có chung điểm yếu như Tiến Thành, đó là đọc tình huống kém, kỹ nặng đoạt bóng kém, bọc lót không tốt, khỏe nhiều hơn… khôn.
An toàn là trên hết
Dĩ nhiên, sửa lỗi cho những hậu vệ có chất lượng không cao không phải là chuyện có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Muốn biến một trung vệ có trung bình thành một trung vệ giỏi cũng không phải là điều thích là làm được.
Muốn hàng thủ của ĐTVN an toàn, bản thân từng hậu vệ phải chọn lối đá an toàn nhất. Bản thân họ phải hiểu họ không giỏi về mặt kỹ thuật, nên cũng đừng cố xử lý quá kỹ thuật. Rồi trong nhiều giải pháp có thể thực hiện khi đứng trước bóng, bản thân từng hậu vệ cũng nên chọn giải pháp đơn giản nhất, điều cốt yếu là để tránh những sai lầm.
Đành rằng ngay cả một hậu vệ cũng cần biết cách phát động tấn công ngay từ phần sân nhà, một hậu vệ cũng cần đôi lúc gây đột biến nhằm tạo bất ngờ cho đối phương. Nhưng đừng quên nhiệm vụ đầu tiên của một hậu vệ phải là đảm bảo khâu phòng ngự. Nếu hậu vệ ấy không phải là hậu vệ giỏi thì tự mình nên hướng đến sự an toàn trước, hoàn thành nhiệm vụ trước, trước khi nghĩ đến những pha xử lý cầu kỳ.
Vị trí thủ môn cũng vậy, buồn ở chỗ ĐT Việt Nam hiện không có thủ môn giỏi. Giả sử thay Nguyên Mạnh bằng Thanh Bình và Tô Vĩnh Lợi cũng chưa chắc khung thành của ĐTVN được bảo vệ tốt hơn, bởi chính Thanh Bình và Vĩnh Lợi cũng nổi tiếng là các chuyên gia… mắc sai lầm.
Nếu đã ở trong hoàn cảnh đó thì bản thân Nguyên Mạnh cũng nên hướng đến sự an toàn đầu tiên. Nguyên Mạnh không phải là Neuer nên không cần anh phải dâng lên quá cao như trong trận đấu với Indonesia, để liên tục có những pha xử lý bóng bằng… chân. Anh phải đảm bảo khu vực 16m50 của mình trước, hòng tránh mất phương hướng trong các pha ra vào, mất phương hướng đến độ mất bình tĩnh rồi phạm sai lầm như sai lầm trong trận đấu với đội bóng xứ vạn đảo.
Mong rằng từng vị trí ở hàng thủ qua mỗi ngày đàng có thêm mỗi sàng khôn. Biết điểm yếu của mình đôi khi cũng là mặt… mạnh. Vì người nắm rõ điểm yếu của chính mình sẽ là người biết cách tránh các điểm yếu ấy. Điều đó nói cho cùng cũng là làm lợi cho đội tuyển nói chung.
Theo Dân Trí