Càng gần đầy ngày AFF Cup 2016 khởi tranh thì những câu chuyện xoay quanh chấn thương của tiền vệ Tuấn Anh càng nhiều hơn.
Bất cứ NHM nào theo dõi ĐT Việt Nam và U23 hay U19 trước đây đều dễ dàng nhận ra chiếc đầu gối “pha lê” của Tuấn Anh. Hầu như giải nào, hai đầu gối cũng hành hạ cầu thủ trẻ đến từ Thái Bình. Anh đã lỡ SEA Games 28 vì một chấn thương như vậy và bây giờ là AFF Cup 2016. Kể từ khi từ Nhật trở về, Tuấn Anh gần như chưa thể tập bình thường cùng các đồng đội.
Chấn thương đầu gối phải của tiền vệ sinh năm 1995 xuất phát từ một buổi tập cùng Yokohama FC. Sau một tình huống xử lý khó, “Nhô” đã nhăn nhó rời sân. Sau khi trở về hội quân cùng ĐTQG, Tuấn Anh đã báo tình hình chấn thương cho các bác sĩ. Tuy nhiên thay vì tìm cách chữa dứt điểm, các bác sĩ của ĐT Việt Nam chủ yếu vật lý trị liệu và tiêm giảm đau. Cao hơn một chút là đưa ra giáo án phù hợp với thể trạng của cầu thủ này.
Tuấn Anh không được chữa dứt điểm |
Kết quả là sau vài ngày, Tuấn Anh bớt đau hơn nhưng chưa khỏi hẳn. Anh được BHL đưa ra sân tập luyện để chuẩn bị cho trận giao hữu gặp Fukuoka. Và chấn thương của “Nhô” tiếp tục tái phát mà chẳng cần bất cứ pha va chạm nào. Như đã biết thì cho đến lúc này, đầu gối phải của tiền vệ 21 tuổi vẫn sưng to và chưa thể thi đấu được.
Từ đây chúng ta có thể rút ra được rằng, ngay cả khi Tuấn Anh dù có thể thi đấu tại AFF Cup 2016 (nhờ thuốc giảm đau) thì chấn thương của anh vẫn chưa được chữa dứt điểm. Và ai có thể đoán được nếu tiếp tục ra sân thì chấn thương sẽ còn nặng thêm đến mức nào hoặc trở thành mãn tính. Tuấn Anh thì cũng không phải cầu thủ đầu tiên của Việt Nam rơi vào hoàn cảnh này. Rất nhiều cầu thủ tiêm thuốc giảm đau hoặc nén đau ra sân vì “bệnh thành tích” của những người quản lý.
(Bongda24h.vn) – Myanmar bước đến AFF Cup 2016 với lực lượng trẻ nhất giải nhưng được kỳ vọng rất lớn. Sau thành tích lọt vào chung kết SEA Games 2015, Myanmar...
Chấn thương của Tuấn Anh là tràn dịch khớp gối, một kiểu chấn thương mà chỉ cần hút dịch và nghỉ ngơi khoảng 7 ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên như đã biết, vì BHL quá nóng vội nên vẫn đưa anh ra sân, dù chỉ là chạy nhẹ làm nóng nhưng vẫn dồn lực lên vùng bị thương. Chính điều này đã làm tái phát chấn thương trong buổi tập trước trận đấu với Fukuoka và ảnh hưởng tới tận bây giờ. Kể từ lúc Tuấn Anh về nước và báo cáo tình trạng thể lực với bác sĩ đã được khoảng 2 tuần, nhưng chấn thương của anh thì chưa có dấu hiệu gì thuyên giảm. Đó chính là câu trả lời cho năng lực và phong cách làm việc của BHL ĐT Việt Nam.
Chấn thương của Tuấn Anh phải hạn chế đi lại nhưng anh vẫn phải ra sân |
Các bác sĩ của ĐT Việt Nam hiện nay đều được “nhấc” lên từ các CLB nên khả năng cũng không được đánh giá quá cao. Một câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không thuê một bác sĩ nước ngoài đi theo đội tuyển? Hay lại coi nhẹ công tác y tế cho các tuyển thủ. Nên nhớ Singapore, Malaysia, Thái Lan dù dùng thầy nội nhưng vẫn có các bác sĩ đến từ những nền thể thao phát triển. Còn chúng ta chỉ có 1 chuyên gia ngoại là Martin Forkel nhưng là để nâng cao thể lực chứ không phải là bác sĩ.
Sau bài học về trường hợp của Tuấn Anh, chắc chắn VFF đã nhìn ra ĐT Việt Nam đang thiếu gì và cần gì. Sang năm 2017, chúng ta có rất nhiều giải đấu quan trọng như World Cup U20, SEA Games, vòng loại Asian Cup 2019. Tất nhiên không ai còn muốn chứng kiến trường hợp Tuấn Anh thứ 2 nữa. Nhất là tại SEA Games 29 trên đất Malaysia với mục tiêu giành HCV. Chấn thương luôn đồng hành cùng thể thao và nhất là bóng đá. Vì thế, các ĐTQG mà đứng đầu là VFF cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc các cầu thủ để chúng ta không rơi vào trường hợp mất trụ cột một cách “lãng xẹt” như trường hợp của Tuấn Anh trước thềm AFF Cup 2016.