Ngoài Văn Biển không ra sân một phút nào tại VFF Cup 2012, giải đấu được xem là bản lề cho AFF Cup vào tháng sau, 24/25 tuyển thủ đã được HLV Phan Thanh Hùng đưa vào sân, với thời lượng khác nhau. Trận đấu cuối gặp U23 Hàn Quốc, cùng với Hồng Sơn và bộ đôi trung vệ Phước Vĩnh-Gia Từ, thì Văn Phong cùng Trọng Hoàng chính là những người chơi đủ 90 phút.
Người tinh ý có thể thấy được một vài thông điệp mà vị HLV họ Phan muốn gửi gắm liên quan đến việc cạnh tranh suất chơi chính tại giải vô địch Đông Nam Á. Trong đó, nhiều khả năng Văn Biển sẽ phải sớm nói lời chia tay, trước ngày ĐT Việt Nam lên đường đi Thái Lan. Theo quy định, các ĐTQG sẽ chỉ được phép đăng ký 22 cầu thủ tại VFF Cup 2012 và ĐT Việt Nam sẽ phải bớt đi ít nhất 3 người.
Văn Phong (27) tuy không quá xuất sắc nhưng lúc nào cũng thi đấu nhiệt tình và đầy trách nhiệm
Đầu hiệp 2, Văn Hoàn cầm giấy thay người tiến đến khu vực của trọng tài bàn. Ai cũng nghĩ Hoàn sẽ thay đàn anh Văn Phong, trám vào vị trí hậu vệ phải sở trường. Nhưng không! Hồng Tiến mới là người rời sân. Cùng với sự thay đổi này, Văn Phong được hiệu lệnh dịch chuyển qua hành lang trái, để hậu vệ của ,SLNA Văn Hoàn, chơi cánh phải.
Hồng Tiến đã có một hiệp đấu tròn vai, thậm chí còn có vài tình huống leo biên để tham gia tấn công khá hiệu quả, trong khi Văn Phong ít nhiều đã mắc lỗi. Cụ thể trong pha bóng dẫn đến bàn thua ở cuối hiệp một, Phong bỏ vị trí và không kịp lùi về, khiến Hồng Sơn phải xuất tướng, trước khi bị tiền đạo đối phương đánh lừa, với đồng minh là ông trọng tài người Malaysia Mohd Karim.
Nhưng tại sao BHL lại thay Tiến, mà không phải Phong? Và tại sao trong tình huống này, HLV Phan Thanh Hùng không dùng Đình Đồng hay Văn Biển, những người có sở trường đá hậu vệ trái, mà cần đến sự dịch chuyển vị trí ở trên sân? Nó có cả một thông điệp được gửi đi và người ta ngầm hiểu rằng, nếu Đình Đồng không nỗ lực cải thiện mình, anh sẽ mất vị trí.
Trận đầu ra quân gặp Turkmenistan, Đình Đồng không được đăng ký, nhưng cho đến trận đấu gặp Lào, hậu vệ trái của SLNA đá cả trận. Và dù không có sai số nào của Đồng dẫn đến các bàn thua, nhưng những đường chuyền sai liên tục, thiếu kỷ luật trong lối chơi và thiếu cả tinh thần hợp tác cũng như trách nhiệm với đội bóng, Đồng đã mất điểm rất nhiều trong mắt BHL cũng như người hâm mộ.
Tất nhiên, khó thể lấy một trận đấu để đo cả quá trình cống hiến của một tuyển thủ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Dù Đình Đồng có là sản phẩm của lò đào tạo SLNA nức tiếng, nhưng chính HLV Phan Thanh Hùng mới là người có công đưa anh lên một tầm cao mới. Đó là VCK U21 QG báo Thanh Niên 2009 và Đồng đã được thầy Hùng tiến cử lên U23 QG, sau khi tỏa sáng trong màu áo U21 SHB.ĐN.
Trở về từ Lào, Đình Đồng thăng tiến vượt bậc và cầm luôn suất đá chính ở cả 2 hành lang cánh của các ĐT U23, Olympic Việt Nam, cũng như ĐT Việt Nam sau này, khi hết Quang Thanh, rồi Việt Cường không thể góp mặt vì nhiều lý do. Đình Đồng lẽ ra đã có cả một tương lai rạng ngời trước mặt, nếu như anh không tự ném nó qua cửa sổ.
Cũng tựa như câu chuyện giữa Đào Văn Phong và Đình Đồng (hay Văn Biển), sự tỏa sáng của Trọng Hoàng ở trung lộ đã phát đi một thông điệp khác cho những người chơi cùng vị trí như Sỹ Cường, Ngọc Duy và đặc biệt là Thanh Hưng. Đã được kỳ vọng rất nhiều, nhưng Hưng dường như chưa cho thấy mình xứng đáng với sự ưu ái và cả những tung hô của một bộ phận giới chuyên môn.
Chắc rằng nếu Thanh Hưng vẫn chỉ mang một bộ mặt hời hợt vào sân, anh có thể “mất số”, khi Tấn Tài trở lại. Lúc đó “lá phổi” ĐT Việt Nam sẽ là Nguyên Sa-Tấn Tài-Trọng Hoàng.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)