Bất cứ cầu thủ nào khi được trao trọng trách, cũng đều nói rằng, họ muốn chiến đấu và chiến thắng cùng ĐTQG, vì đấy là nghĩa vụ, là vinh quang cả đời… Rất hiếm có một ai đó cho rằng, họ lên ĐTQG để săn những bản hợp đồng. Thậm chí, ngay cả khi đã nghĩ thế, cũng chẳng ai nói ra, bởi suy cho cùng ý tưởng này không được ủng hộ, dù chính đáng.Các cầu thủ khi tập trung ĐTQG đều nỗ lực thể hiện để khẳng định giá trị bản thân
Sự thật là tất cả những ngôi sao tiền tỷ của làng bóng đá nội đều được định giá cao hơn nhiều sau khi trở về từ ĐTQG, dù không phải ai cũng xứng đáng. Thế nên mới có hẳn một giai thoại, rằng “đá bóng có dây”. Cựu trung vệ thép một thời, Nguyễn Huy Hoàng, từng hơn một lần tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế rồi quay lại (năm 2010) không hẳn vì nghĩa vụ.
Trái tim có lý lẽ riêng, nhưng cần nhớ rằng, khối óc mới điều khiển tất cả. “Tôi không cho rằng nhiều cầu thủ lại có giá trị cao đến thế trên thị trường chuyển nhượng, nếu họ chưa từng đứng trong hàng ngũ của nhà vô địch. Cái gì cũng có giá của nó”, trong một chia sẻ hồi năm 2010, HLV Calisto từng phân tích.
Sẽ là rất may mắn, nếu cầu thủ lên ĐTQG, vừa có thể chiến thắng (cùng đội bóng), vừa định được giá trị bản thân trên thị trường chuyển nhượng.
Nhưng từ nhiều thập niên qua, chỉ một lần chúng ta làm được điều đó (AFF Cup 2008). Đã có không ít những trường hợp viện ra đủ lý do để từ chối lên ĐTQG sau khi đã đạt được mục đích cá nhân.
Có thực mới vực được đạo, nhưng cần chắc rằng, đồng tiền có 2 mặt của nó! Bóng đá Việt Nam đã và đang bị cơn bão tài chính quét qua, rõ ràng, cầu thủ không còn nhiều lựa chọn như trước nữa. Hoặc chiến đấu để giành vinh quang, để tiếp tục nuôi dưỡng sự nghiệp, hoặc không gì cả. Thế nên, hãy cứ thẳng thắn với nhau trong việc chọn tiêu chí phấn đấu!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)