Nhìn vào chiếc dịch mua sắm của các CLB, người ta có thể phần nào thấy được khát vọng của đội bóng đó ở V-League mùa tới. Dĩ nhiên, chuyện không còn nhiều đội mặn mà chuyển nhượng cao giá cũng cho thấy hiện không nhiều CLB sẵn sàng với ngôi vô địch
Sắm vừa đủ để… trụ hạng
Nguyên nhân lớn nhất của hiện tượng các CLB chi tiêu dè xẻn trên thị trường chuyển nhượng chủ yếu xuất phát từ khó khăn về mặt kinh tế. Ngay đến 2 đội bóng nức tiếng giàu có xưa giờ của bầu Hiển là SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T cũng lặng yên trên thị trường chuyển nhượng.B.Bình Dương là đội duy nhất dám chi vài chục tỷ để sắm giàn sao này
Các bản hợp đồng đáng chú ý nhất của SHB Đà Nẵng trong thời gian qua lại liên quan đến 2 cầu thủ vốn đã qua thời đỉnh cao phong độ là Đoàn Việt Cường và Nguyễn Vũ Phong. Dĩ nhiên, đội hình của SHB Đà Nẵng vốn đã đồng đều từ trước, nên cũng ít có nhu cầu phải mua sắm thật rầm rộ. Dù vậy, việc đội bóng sông Hàn không bổ sung các tinh binh đắt giá cũng khiến cho người ta nghi ngờ về khát vọng vô địch của họ.
Với Hà Nội T&T, câu chuyện nhân sự được nói tới nhiều nhất của đội bóng thủ đô trong thời gian vừa rồi chính là chuyện nhập tịch cho tiền đạo Samson, chứ không phải là các vụ mua cầu thủ mới như mọi năm. Mặt khác, do bầu Hiển dường như đang hướng về mục tiêu chính là AFC Cup mùa tới, nên có thể Hà Nội T&T sẽ không vô địch V-League bằng mọi giá, sau khi đã 2 lần chinh phục danh hiệu này.
Với nhiều đội bóng khác, họ chỉ mua sắm vừa mức, đủ để… trụ hạng. ĐT Long An sau khi đưa về Quang Thanh, Tài Em và Việt Thắng, có thể sẽ không cần phải bổ sung thêm ngôi sao, dù cho chính các cầu thủ vừa nêu cũng không khiến cho Gạch quá tốn tiền.
Với HV.An Giang, anh tân binh của V-League dường như cũng hài lòng với những cầu thủ có chút kinh nghiệm chinh chiến tại V-League, đồng thời có giá phải chăng. Đấy là thủ môn Santos trong khung thành, trung vệ Vincent ở hàng thủ và tiền đạo Felix nơi tuyến đầu.
Đồng Nai cũng hành động theo cách tương tự, HLV Trần Bình Sự dù mất khá nhiều cầu thủ sau mùa giải 2013, nhưng vẫn hết sức dè dặt trong việc tuyển người mới. Theo quan điểm của ông Sự, Đồng Nai không cần ngôi sao, chỉ cần những cầu thủ phù hợp với Đồng Nai và biết đá vì tập thể.
Một điều dễ nhận thấy khác là các đội chi tiền cho việc tuyển quân ít hơn nhiều so với cách nay vài năm. Hiếm có bản hợp đồng trên dưới chục tỷ nào được thực hiện, đồng thời con số 1,5 tỷ đồng/năm mà trung vệ Chí Công chào mời HV.An Giang được đánh giá là con số quá cao, quá lỗi thời.
B.Bình Dương một mình một chợ
Trong bối cảnh mà cả làng cầu nội thắt lưng buộc bụng, thì trường hợp của B.Bình Dương được đánh giá là trường hợp hiếm. Đội bóng đất Thủ Dầu đã tốn vài chục tỷ đồng để đưa về đất Thủ Dầu hàng loạt cái tên nổi tiếng như Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn, Mai Tiến Thành, Đình Luật, Tấn Trường, Nsi, Abass, Đặng Văn Robert…
B.Bình Dương cũng gần như là địa chỉ duy nhất của bóng đá nội hiện nay dám chi cỡ đó cho chiến dịch mua sắm, và cũng là đội duy nhất cho đến giờ thể hiện rõ khát vọng vô địch V-League. Đấy chính là lý do mà ở Bình Dương, gần như đội bóng đất Thủ Dầu thích cầu thủ nào là họ sẽ có cầu thủ đó, vì họ hiện không có đội đủ sức cạnh tranh với B.Bình Dương trong chuyện chi tiền để tạo sức hấp dẫn với cầu thủ.
Việc thất bại liên tiếp trước 2 đội bóng của bầu Hiển là SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T trong nhiều năm vừa rồi, dù đầu tư không ít tiền của, có thể khiến người Bình Dương nóng mũi. Đấy có lẽ là lý do thôi thúc họ tiếp tục chi mạnh tay để nhắm đến ngôi vương V-League.
Không ai chi hàng đồng tiền mà không nghĩ đến ngôi cao, thế nên B.Bình Dương chính là đội có khát vọng vô địch thuộc vào loại lớn nhất giải VĐQG tới đây. Còn chuyện hiện thực hóa khát vọng, chuyện vô địch trên thị trường chuyển nhượng có đồng nghĩa với việc vô địch trên sân cỏ hay không lại là một chuyện khác!
Theo Dân Trí