Khủng hoảng kinh tế đã làm bóng đá nước nhà điên đảo, điều đó ai cũng thấy. Nhưng, khủng hoảng cái đầu thì diễn ra âm thầm, sự hồi phục có khi còn lâu hơn cả khủng hoảng kinh tế.
Trong những nguyên nhân chính khiến ĐTQG thất bại tại AFF Cup 2012, chúng ta không khó cảm nhận được các tuyển thủ đã bị chấn thương…cái đầu. Cầu thủ cũng là con người, mặc dù lên đường sang Thái Lan thi đấu nhưng ở nhà, nhiều trường hợp, đang rơi vào cảnh như “có đám”. Đã vậy VFF không có liệu pháp để trấn an tinh thần cho các tuyển thủ, cũng chưa tỏ ra là một điểm tựa vững chắc…, nên việc thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đá bóng như mơ ngủ cũng là dễ hiểu.
Trạng thái thất vọng, chán và ngán càng dâng cao khi cuối cùng, VFF cũng chỉ muốn ĐTQG có thành tích làm cứu cánh cho họ. Khi thất bại, ngay lập tức thầy trò Phan Thanh Hùng phải nhận lấy hầu hết trách nhiệm.CLB BĐ Hà Nội đã không còn xuất hiện ở V-League
Thực ra, không khí chán và ngán với bóng đá nội đã âm ỉ từ lâu, nhất là giải chuyên nghiệp. Một giải đấu đổ bao nhiêu tiền bạc, nhưng đổi lại phần nhiều là giá trị ảo. Các đội mong mỏi có sự công bằng tương đối, cũng chỉ là mơ ước xa xỉ. Đoạn kết mùa giải 2012 thổi bùng lên sự phẫn nộ, té ra các đội đổ tiền chỉ để làm “quân xanh” cho 2 đội bóng bầu Hiển. Khán giả ngày càng ít đến sân, điều đó chứng tỏ sản phẩm của bóng đá chuyên nghiệp vừa chất lượng thấp, vừa thiếu trong lành, không có lối thoát.
Và khi đa số các ông bầu đều chán, số bỏ bóng đá ngày càng nhiều; nhiều đội bóng bán rẻ như bèo cũng không có người mua, đấy là một biểu hiện rõ nhất cho thấy, ngoài các chủ thể tham gia bóng đá, thực sự xã hội cũng đã hết kiên nhẫn với bóng đá nội.
Thật trùng hợp, mấy ngày qua, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi vẫn tâm sự rất thật: thực sự là thất vọng cho bóng đá nội, ngòi bút nhiều khi cảm thấy bất lực bởi vấp phải nhiều thành trì ghê gớm. Không hiểu không khí tự phê bình và phê bình của VFF vừa rồi thế nào, chỉ cần nhìn thái độ mổ xẻ, nhận trách nhiệm thất bại tại AFF Cup vừa rồi, cùng thói quen trong tiền lệ, cũng đã có thể đưa ra nhận định màu xám.
Nếu nói sự tín nhiệm là cơ sở đánh giá uy tín, năng lực của cá nhân, tổ chức, thì VFF từ lâu đã nhận được tín nhiệm cực thấp của người dân cả nước. Tờ báo điện tử VNExpress.net đã làm cuộc “tín nhiệm” với độc giả về VFF: VFF nên có hành động gì sau thất bại của ĐT Việt Nam? 1/ Xin lỗi nhận trách nhiệm. 2/ Chủ tịch VFF từ chức. 3/ Cả ban lãnh đạo VFF từ chức. Cho đến hết ngày 9/12/2012, chỉ 4.0% ý kiến cho hành động 1. 18.3% cho hành động 2 và đến 77,7% đề nghị cả ban lãnh đạo VFF từ chức.
Rõ ràng, để nền bóng đá nước nhà rơi vào kết cục như hiện nay, trách nhiệm vẫn phải là VFF. Tổ chức này đã thể hiện năng lực còn nhiều hạn chế, tư duy làm bóng đá bị bó hẹp bởi lề lối bao cấp, tất yếu dẫn đến việc ra đời những lộ trình, ý tưởng phát triển bóng đá nước nhà thiếu tính thực tế.
Các phương án “hài hước” cho mùa giải 2013 không thể coi là sản phẩm của riêng VPF. Chúng ta phải hiểu “ông bố” vẫn là VFF. Nếu VPF không hoàn thành sứ mệnh, VFF và các CLB hoàn toàn có thể giải tán Công ty này.
Cả nền bóng đá đang bị khủng hoảng cái đầu thì khó mà thoát ra khỏi khủng hoảng, nhất là khi kinh tế khó khăn và niềm tin đang xuống thấp. Quả là một kết cục đau xót cho bao tiền bạc đổ vào, cho quãng thời gian 12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)