Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Từ Ngọc Hải tới Thanh Hào: VFF hãy mở to mắt ra!

Chủ Nhật 27/09/2015 14:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vụ Ngọc Hải vẫn chưa nguôi ngoai thì tới lượt 1 tuyển thủ Quốc gia khác là Thanh Hào làm gẫy chân Abass. Một minh chứng cho thấy cái án phạt dành cho cầu thủ xứ Nghệ cách đây vài ngày của VFF chẳng có chút tác dụng nào.

Phút 65 trận chung kết Cúp Quốc gia 2015 giữa Bình Dương và Hà Nội T&T, trong thời điểm tưởng như trận đấu đã an bài và chỉ chờ tiếng còi kết thúc thì đã có “biến lớn” xảy ra. Tiền đạo Abass Dieng trong sự hưng phấn khi đội nhà đã dẫn trước tới 3-1 lao lên như một cố máy về phía khung thành đội khách. Nhưng rồi một tiếng “rắc” cất lên, cái chân của cầu thủ người Senegal gẫy làm đôi sau pha vào bóng từ phía sau của Thanh Hào. Những phút sau đó tất cả CĐV và cầu thủ 2 đội sốc nặng vì chấn thương kinh hoàng của tiền đạo số 10. Abass nằm vật lộn đau đớn trên sân, xe cứu thương lập tức nổ máy sẵn sàng đưa anh vào bệnh viện. Còn Thanh Hào thì khóc nức nở vì hối hận với chấn thương mình gây ra. Sau đó, chẳng biết là trọng tài rút thẻ màu gì, cầu thủ gốc Bình Định cũng tự đi vào đường hầm vì chẳng thể thi đấu được nữa. Một pha bóng mà cả Abass và Thanh Hào đều không hề muốn xảy ra nhưng thực tế nó đã gây ra hậu quả khôn lường. Tiền đạo người Senegal chẳng biết mình còn có thể trở lại chơi bóng được không, còn tương lai Thanh Hào như sụp đổ với án phạt trước mắt của Ban kỷ luật và nhất là cánh cửa vào ĐTQG đã đóng lại khi vừa mới hé ra với anh.

Mổ băng: Liệu Thanh Hào có đáng bị phạt nặng?
(Bongda24h.vn) – Trung vệ Thanh Hào vừa có một tình huống tắc bóng từ phía sau khiến cho Abass bị gãy 2 xương mắt cá cũng như là trật khớp cổ chân, nhưng liệu...

Thanh Hào làm gẫy chân Abass là điều chẳng ai muốn xảy ra, và thực tế các cầu thủ đã rất thận trọng khi bước vào trận chung kết Cúp Quốc gia 2015 bởi án phạt của Ngọc Hải trước đó. Thế nhưng suy nghĩ là một chuyện còn bản năng lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Cựu trung vệ của Đồng Tháp vốn nổi tiếng là cầu thủ thật thà, hiền lành ở ngoài đời. Ở trên sân, thậm chí chưa bao giờ Thanh Hào phải nhận thẻ đỏ. Thế nhưng khi bước vào sân chơi đỉnh cao của bóng đá Việt Nam thì mọi thứ đã thay đổi. HLV, BHL bắt Thanh Hào phải đá quyết liệt để ngăn cản đối phương. Thế nhưng ở xứ ta thì ai ai cũng hô hào “phải đá máu lửa” nhưng ngược lại không ai dạy kỹ năng vào bóng nhanh nhưng không gây nguy hiểm, không phạm luật. Không ai dạy các cầu thủ trẻ về việc bảo vệ đôi chân của đối phương, từ đó cách đá “nhiệt tình” chuyển sang “bạo lực” lúc nào không hay.

Pha bong ghe ron cua Thanh Hao voi Abass
Pha bóng ghê rợn của Thanh Hào với Abass

Trước khi trách Thanh Hào làm gẫy chân Abass hay trách Ngọc Hải khiến Anh Khoa đứt 3 dây chằng thì phải trách HLV, BHL và lãnh đạo CLB. Họ là những người trực tiếp dạy dỗ, chỉ bảo các cầu thủ. Và khi V-League tràn lan bạo lực thì đó là những người phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nếu lãnh đạo, HLV chỉ bảo tận tình thì cầu thủ đâu có nhắm mắt, nhắm mũi lao vào bóng. Nếu họ không bất chấp tất cả để chạy theo thành tích thì cầu thủ cũng đâu có dại mạo hiểm lao vào những pha bóng có thể gây nguy hiểm đến cơ thể, thậm chí cả tính mạng bản thân đến thế. Thế nhưng việc các CLB “làm ngơ” với vấn đề bạo lực thì VFF phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Với cương vị là lãnh đạo của cả nền bóng đá thì đáng ra, Liên đoàn phải biết các quản lý, phối hợp với các đội bóng để khắc phục dần dần nạn “chặt chém” trên sân cỏ. Nhưng thử hỏi suốt bao năm qua, VFF có tổ chức họp bàn, tập huấn cùng các CLB để tìm ra giải pháp giảm bạo lực sân cỏ hay không? Vì thế việc những chấn thương ghê rợn ở sân cỏ bóng đá Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn là điều chẳng trách ai được.

Trước khi Thanh Hào làm gẫy chân Abass khoảng 1 tuần, Ngọc Hải đã bị Ban kỷ luật treo giò 6 tháng và chịu mọi phí tổn chữa trị cho Anh Khoa. Năm ngoái, Đình Đồng cũng bị cấm thi đấu tới 9 tháng và phải chi trả viện phí cho Anh Hùng. Những án phạt có thể nói là “có 1 không 2” trên thế giới mà chẳng có chút răn đe nào. Cấm vài tháng rồi lại trở lại, còn việc chịu chi phí chữa trị cho nạn nhân thì khiến Đình Đồng, Ngọc Hải và Thanh Hào trở thành… 1 nạn nhân khác. Họ phải long đong để tìm đủ vài trăm, thậm chí cả tỷ đồng để chữa trị cho các cầu thủ thuộc đội bóng khác. Điều mà đáng ra CLB chủ quản của 2 đội phải là những người chịu trách nhiệm chứ không phải là đổ lên đầu cầu thủ, những người lao động, làm thuê.

Pha bóng Thanh Hào phạm lỗi thô bạo với Abass

Những án phạt, những cách làm chẳng giống ai của VFF thì tất nhiên cũng không đem lại hiệu quả gì. Thử hỏi, nếu mang danh là “án phạt răn đe” thì sau vụ Đình Đồng đã không xuất hiện những pha bóng của Ngọc Hải hay Thanh Hào làm gẫy chân Abass. Nói cách khác, tất cả những gì được gọi là năng lực của VFF trong việc ngăn chặn bạo lực ở bóng đá Việt Nam chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Đã đến lúc Liên đoàn phải xắn tay một cách quyết liệt để loại bỏ lối đá “chặt chém”. Bằng không, bóng đá Việt Nam sẽ còn phải chứng kiến thêm nhiều những chấn thương ghê rợn như của Anh Hùng, Anh Khoa hay Abass nữa.

Doãn Công

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X