Những ngày qua, thông tin được người hâm mộ bóng đá châu Á quan tâm nhất, chính là tân binh của Liverpool – tiền đạo Takumi Minamino.
Từ đối thủ của Công Phượng, đến đồng đội của Salah
Bạn biết gì về tân binh 12,5 triệu euro của Liverpool? Anh ta là chân sút người Nhật Bản? Một cầu thủ điển trai? Đồng đội của Erling Haaland mục tiêu MU? Đều đúng, nhưng chắc chắn ấn tượng lớn nhất về Minamino – đó là cầu thủ này là đối thủ quen mặt với bóng đá Việt Nam ở các cấp độ.
Sinh năm 1995, cùng tuổi với thế hệ Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng – Takumi Minamino từng nhiều lần chạm mặt những cầu thủ trẻ của Việt Nam, từ U16 cho tới bây giờ. Từ những chiến thắng đậm ở cấp độ trẻ, tiền đạo điển trai này góp 1 kiến tạo giúp U23 Nhật hạ gục U23 Việt Nam (vòng loại U23 châu Á).
Mới đây nhất, anh và ĐT Nhật Bản hạ gục Việt Nam của Park Hang Seo tại tứ kết Asian Cup, giải đấu diễn ra tại UAE đầu năm 2019.
|
Đoàn Văn Hậu và Minamino từng đối đầu với nhau tại Asian Cup. Ảnh: Sport5 |
Và từ tư cách là đối thủ của những Công Phượng, Xuân Trường, giờ đây Minamino một bước lên mây với bản hợp đồng gia nhập Liverpool – sau khi trải qua cuộc hành trình từ CLB quê nhà Osaka, tới châu Âu khoác áo Salzburg. Nếu bạn là Công Phượng, chẳng hạn khi chứng kiến bước tiến lớn của đối thủ ngày nào, ắt hẳn cũng phải có cảm giác ghen tị.
Chân sút của Việt Nam hiện nay đang mắc kẹt tại Sint Truidense, mang cái mác “du học trời Âu” nhưng hiếm khi được đăng ký vào danh sách thi đấu. Nhìn rộng ra, đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam vs Nhật Bản lúc này, với hàng tá cái tên chinh chiến tại lục địa già, và gương mặt mới nhất còn khoác áo Liverpool – ĐKVĐ Champions League.
Và rồi ngay cả Đoàn Văn Hậu – cái tên chỉ được vào sân vỏn vẹn 4 phút, ăn 1 thẻ vàng đã khiến người hâm mộ nước nhà phải phát cuồng. Bản thân Văn Hậu cũng đã đối đầu trực tiếp với Minamino tại Asian Cup, nhưng rõ ràng cả 2 lúc này có sự chênh lệch không nhỏ về đẳng cấp.
|
Minamino, đối thủ quen mặt của Công Phượng giờ đang khoác áo Liverpool. Ảnh: Sport5 |
Đoàn Văn Hậu – Phía trước là bầu trời
Trông người mà nghĩ đến ta, thực tại đó không phải để người hâm mộ, những người làm bóng đá hay bản thân mỗi cầu thủ nhìn vào và ao ước, than thân trách phận. Đó chính là tấm gương, là hình mẫu để những Công Phượng hay Đoàn Văn Hậu – xa hơn là các thế hệ cầu thủ trẻ của Việt Nam hướng đến.
Năm 1982, Nhật Bản xuất hiện một cầu thủ trẻ mới 15 tuổi, bị gia đình ép theo học kỹ sư và từ bỏ bóng đá. Nhưng rồi, cậu quyết định theo đuổi ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, một thân một mình tới Brazil mà chẳng hề có sự chuẩn bị gì. Đó là King Kazu (tức Miura Kazuyoshi) – niềm cảm hứng cho bộ truyện tranh nổi tiếng Tsubasa.
|
King Kazu được xem như tài sản của cả Nhật Bản, là niềm cảm hứng cho những thế hệ sau này của Nhật ra nước ngoài thi đấu và theo đuổi đam mê |
Kazu đã kinh qua quãng thời gian đào tạo ở Brazil, sau đó trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên thi đấu tại Italia (khoác áo Genoa), rồi Dinamo Zagreb. Bây giờ ở tuổi 52, anh… vẫn đang thi đấu trong màu áo CLB Yokohama với bản hợp đồng năm một.
Suốt cả sự nghiệp, Kazuyoshi chưa hề nhận danh hiệu hay cúp gì, nhưng anh vẫn được Nhật Bản ưu ái gọi bằng cái tên King Kazu. Vì cho dù có thể thất bại ở trời Âu (chơi 1 năm là chuyển CLB), nhưng anh là niềm cảm hứng bất tận cho cả nền bóng đá xứ mặt trời mọc. Bộ truyện tranh Tsubasa lấy cảm hứng từ Kazu, ngược lại trở thành động lực mới cho nhiều cầu thủ sau này, từ các tài năng trẻ của Nhật, cho tới cả những siêu sao như Iniesta.
Có thể nói, Kazu là người tạo ra con đường chưa ai đi của Nhật Bản, để rồi sau này những Takumi Minamino tiếp nối với bản hợp đồng gia nhập Liverpool.
|
Takumi Minamino được thừa hưởng rất nhiều từ thế hệ đi trước như King Kazu |
Quay lại với nền bóng đá Việt Nam, khi người hâm mộ bắt đầu trở lại từ triều đại của HLV Park Hang Seo. Những thành công liên tiếp ập đến, và Công Phượng – Đoàn Văn Hậu trở thành những thế hệ cầu thủ đầu tiên sang châu Âu chơi bóng. Vì vậy đừng so với Minamino – đối thủ đồng niên đã hưởng lợi từ những thế hệ đàn anh đi trước, Phượng hay Hậu chính là Kazu của nền bóng đá Việt.
Sau 4 phút góp mặt lần đầu trong màu áo Heerenveen, Đoàn Văn Hậu bảo “cả đời không quên” khoảnh khắc ấy. Chuyên môn cũng được, hay hợp đồng thương mại cũng chẳng sao. Cứ được ra sân là ổn.
|
Đoàn Văn Hậu ra mắt Heerenveen tại cúp Quốc gia Hà Lan |
Cả 2 có thể thành công, ra sân thường xuyên, giành những danh hiệu – hoặc không, thất bại và trở về. Chẳng sao cả. Quan trọng là con đường này của Việt Nam đã được soi chiếu với những người đầu tiên. Sau này sẽ còn nhiều cầu thủ nữa bước ra thế giới.
Bởi vì hành trình vạn dặm nào cũng bắt đầu từ bước đi đầu tiên.
Nguyệt Anh