Khi cú đạp gãy chân đối phương của Đình Đồng đã gây bão trong dư luận thì những lãnh đạo VFF như Quyền chủ tịch Lê Hùng Dũng hay Trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường đã có những lời lẽ gay gắt dành cho cầu thủ, các HLV và cả các trọng tài là nguyên nhân chính khiến lối đá bạo lực bùng phát. Tuy nhiên, phải chăng vấn nạn bóng đá bạo lực chỉ xuất phát từ phía cầu thủ hay trọng tài, còn những nhà điều hành nền bóng đá thì vô can?
Trọng tài không sợ mới lạ
Giữ gìn kỷ cương cho 1 trận đấu là trọng tài, giữ gìn kỷ cương cho cả giải đấu là vai trò của VFF, và VPF chỉ thay mặt VFF để điều hành giải đấu mà thôi, còn những ban hoặc phòng chức năng quan trọng nhất như Ban kỷ luật, Ban trọng tài cho đến Phòng Pháp lý & Tư cách cầu thủ đều thuộc VFF đến 100%.
Trong 1 trận đấu, khoan bàn đến ý thức của cầu thủ, HLV mà hãy nói đến vai trò quyết định của trọng tài. Trọng tài bắt công tâm, cương quyết thì cầu thủ có thói quen đá bậy cỡ nào cũng phải kiêng dè. Nhiều cầu thủ khi đá ở V.League đá rất thô bạo nhưng lúc khoác áo ĐTQG hay đá AFC Cup, AFC Champions League lại tử tế là vậy.
Song trọng tài ở Việt Nam không dám bắt chặt tay vì họ không có được cảm giác an toàn, bị sức ép bủa vây tứ phía. Nghiêm trọng hơn, trọng tài VN không ít người bị cho là có vấn đề “tư tưởng”, đôi lúc bắt thiên vị đội này, ép đội kia. Cả 2 yếu tố này đều tạo điều kiện cho cầu thủ thả sức phạm lỗi thô bạo mà không sợ bị đuổi ra sân.
Việc trọng tài vì sợ hãi nên điều khiển trận theo kiểu dĩ hòa vi quý, lỗi đầu tiên do trọng tài bản lĩnh kém nhưng lỗi lớn hơn thuộc về những người điều hành nền bóng đá, bởi họ đã không tạo được cho các trọng tài một môi trường an toàn để làm nhiệm vụ. Trọng tài sợ hãi khi cả rừng khán giả bên ngoài chửi bởi, đe dọa hành hung là bình thường.
TT Võ Minh Trí từng bị các CĐV Hải Phòng đánh khi trên đường từ trở về từ sân Cao Lãnh ở mùa 2012 đến nỗi về sau trọng tài FIFA người TP.HCM rất hãi và có lần đã gọi điện năn nỉ người của Ban trọng tài xin không làm nhiệm vụ trận đấu có Hải Phòng ở cuối mùa giải đó.
Đặt hoàn cảnh và các trọng tài, bạn có sợ khi phải cầm còi ở những sân nóng như Lạch Tray, Vinh, Thanh Hóa không? Vừa rồi HLV Lê Huỳnh Đức (SHB.ĐN) tố cáo tổ trọng tài dung túng bạo lực ở sân Lạch Tray của Hải Phòng đã phản ánh phần nào tâm lý khiếp nhược của các “vua sân cỏ” ở VN.
Sự thao túng và những đường dây ngầm
Trọng tài sợ hãi vì bị sức ép dù sao đáng thông cảm hơn tư tưởng không trong sáng hay bị giật dây đằng sau. Nhắc lại chuyện cũ, ở mùa giải 2011, đội XM.Hải Phòng tung ra gói trụ hạng trị giá 10 tỷ đồng thì ngay lập tức, đội bóng đất Cảng nhận được tiếng còi thiên vị trắng trợn của trọng tài. XM.Hải Phòng trụ hạng nhưng bầu Long của Hòa Phát Hà Nội vì quá uất hận đã bỏ bóng đá.
VFF đem 2 trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết thiên vị cho XM.HP ở 2 vòng cuối ra trảm bằng cách treo còi vĩnh viễn. Rất ngạc nhiên, cả 2 trọng tài này đều im lặng chấp như thứ “luật ormeta”. Tất cả đều ngầm hiểu, có thể cả 2 trọng tài bị trảm chỉ là phần nổi của cả tảng băng chìm. Vậy gói 10 tỷ đồng (và có thể còn nhiều hơn nữa) của XM.HP dùng để làm gì, cho ai thì quá rõ ràng.
Một trường hợp khác rất cộm, được nhắc rất nhiều là Hà Nội T&T và cả SHB.Đà Nẵng ở những mùa giải trước. Trước đây, đội nào chịu thiệt về trọng tài thì thiệt chứ HN T&T của bầu Hiển là “không bao giờ”, SHB.ĐN thi thoảng lắm mới phàn nàn. Cho đến mùa bóng 2014, dường như đằng sau “gió đã đổi chiều” khi lần đầu tiên người ta thấy ngay tại sân nhà Hàng Đẫy, bầu Hiển đã phi xuống đường pitch để mắng trọng tài khi HN T&T thua V.Ninh Bình.
Khó chỉ đích danh nhưng đằng sau trọng tài là một thế giới phức tạp. Năm ngoái vụ 4 trọng tài Hà Nội bị tố nhận hối lộ 100 triệu đồng trận Thanh Hóa – HAGL phải đến 3 tháng sau mới bị vỡ lở mà nguyên nhân được cho là có sự ăn chia không đều dẫn đến xích mích. Vậy VFF có biết hay không hay khi vụ “bể” ra, đến tai báo chí thì VFF mới biết ?
Một vụ việc nghiêm trọng nhưng cách giải quyết VFF là “âm thầm xử lý”. Bốn trọng tài này bị đình chỉ nhiệm vụ, 2 Trưởng-Phó ban trọng tài Đoàn Phú Tấn và Dương Vũ Lâm vì “xử lý không khéo léo” (chủ yếu do để lộ ra cho báo chí khai thác) cũng bị kỷ luật. Kỷ luật là thế còn trên danh nghĩa chính thức chẳng ai có tội vì vụ việc không đủ căn cứ để xác minh. Vậy nếu vụ 100 triệu này không bị cho chìm xuống mà bị khui ra tới nơi, bóng đá VN liệu có tiếp vụ chấn động như hồi cuối năm 2005 không? Có thể lắm chứ, vậy mới nên cho… chìm xuồng (?!)
Bạo lực sân cỏ không phải là chuyện mới, năm nào cũng rùm beng rồi rút cuộc mọi thứ “vũ như cẩn”. Kiểu cách xử lý mang tính đối phó dư luận như kiểu “lấy cát vùi hầm than”, nhìn vào tưởng lửa tắt nhưng sức nóng âm ỉ rồi đến lúc nào đó lại bùng phát.
Người làm luật, nắm luật và điều hành luật nếu không trong sáng, không nghiêm minh thì làm sao cấp dưới nhất nhất tuân theo?
Theo Thể Thao Văn Hoá