Chỉ còn vài ngày nữa là mùa giải V-League 2017 chính thức khởi tranh, một mùa giải mà NHM đang thấy được những bước chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp của các đội bóng.
Dù mang tiếng chuyên nghiệp đã 17 năm nay nhưng quả thật chẳng ai dám nói V-League là sân chơi chuyên nghiệp, kể cả những người trong cuộc. Giải vô địch Quốc gia của chúng ta nhìn đâu cũng thấy vấn đề kéo dài từ năm này qua năm khác. Là lối đá bạo lực, là văn hóa ứng xử trên sân, là những cú phốt trọng tài, cao hơn một chút là nạn xin nhường điểm để về đích an toàn. Nói cho cùng BTC là những người quản lý chỉ có thể đưa ra những chế tài chung chung. Còn nếu muốn chuyên nghiệp thật sự thì phải xuất phát từ ý thức của các địa phương, CLB và nhất là cầu thủ. Đó mới là cái gốc để bắt đầu đi trên con đường chuyên nghiệp.
Lê Công Vinh đã giải nghệ mà để lại sau lưng một sự nghiệp lừng lẫy có lẽ không một chân sút nào của bóng đá Việt Nam trong quá khứ có thể sánh được. Nhưng bản...
Trước khi mùa giải 2017 diễn ra, NHM bắt đầu cảm nhận được mong muốn làm bóng đá chuyên nghiệp thật sự của các CLB. Đầu tiên là việc CLB SHB Đà Nẵng quyết định “chuyển nhà” từ sân Chi Lăng sang sân Hòa Xuân. Dù không còn được thi đấu tại trung tâm thành phố, tức là số khán giả có thể ít hơn nhưng đó là con đường phát triển lâu dài. Đội bóng bên bờ sông Hàn đã quyết định đi theo mô hình chuyên nghiệp từ cái khó nhất – cơ sở vật chất. Họ đã hoàn thành khu tổ hợp SVĐ, trung tâm luyện tập, khu ở cho các VĐV về cùng 1 chỗ tại Hòa Xuân. SVĐ chính là sân bóng thứ 2 tại Việt Nam dành riêng cho bóng đá. Đó là điểm tựa để SHB Đà Nẵng bắt đầu đi theo con đường chuyên nghiệp thật sự và lâu dài.
Mùa giải 2017 hứa hẹn nhiều nét mới |
Bên cạnh SHB Đà Nẵng thì CLB Hà Nội và Thanh Hóa là những đội đã được địa phương giao nhiệm vụ quản lý các SVĐ. Đặc biệt cả hai ông lớn của V-League 2017 đều đã có xây những SVĐ mới, có chất lượng để phục vụ những trận đấu chuyên nghiệp thật sự. Về mặt tổ chức thì Hà Nội và FLC Thanh Hóa đã quyết định chuyển sang hình hình cổ phần hóa để đội bóng thuộc về CĐV. Đặc biệt là đại diện thủ đô đã chính thức bỏ tên tài trợ T&T để hướng đến cách làm lâu dài. Họ hiểu rằng đội bóng là phải thuộc sở hữu của khán giả, của toàn xã hội, còn nếu dựa mãi vào một “bầu sữa” như những năm qua thì trước sau cũng có kết cục như Ninh Bình, Hòa Phát, Xuân Thành... trước đây.
Cách đây ít ngày, CLB tân binh TP HCM đã có quyết định gây sốc là bổ nhiệm cựu tiền đạo Công Vinh lên điều hành đội bóng dưới chức danh Phó chủ tịch CLB. Chẳng mất bao lâu, CV9 đã dạy cho cả nền bóng đá về cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp. Đó là việc trang bị tốt nhất cho cầu thủ những điều kiện tối thiểu như ăn, ở, sinh hoạt hàng ngày. Đưa đội bóng từ khu nhà ở lụp xụp tại sân Thống Nhất về khách sạn. “Chiêu mộ” bác sĩ và chuyên gia hậu cần ở đội tuyển để chăm sóc tận răng cho các cầu thủ. Đương nhiên bên cạnh đó là những luật lệ mới rất khác biệt, đó là hướng tới lối đá sạch, không thô bạo. Bất cứ cầu thủ nào chơi xấu đều có chế tài trừ thẳng vào lương, thưởng, thậm chí là tiền lót tay để quán triệt vấn nạn của nền bóng đá.
Hà Nội là đội bóng thay đổi nhiều nhất |
Cuối cùng, không thể không kể đến phong trào xu thế sử dụng những cầu thủ trẻ của các đội bóng. Từ những đội bóng có tham vọng vô địch như Hà Nội, Than Quảng Ninh, Bình Dương, Thanh Hóa, SHB Đà Nẵng đến những đội chỉ mong trụ hạng như SLNA, HAGL, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh rất mạnh tay trong việc trẻ hóa đội hình. Thậm chí rất nhiều đội bóng trong số các cái tên kể trên đều sẽ có nòng cốt là những nhân tốt trẻ. Điều này là tín hiệu tốt cho nền bóng đá, hy vọng về những thế hệ cầu thủ mới, vừa tốt về chuyên môn lại được uốn nắn về đạo đức ngay từ đầu.
Tóm lại, bóng đá Việt Nam mới chỉ đang đi trên những con đường đầu tiên của sự chuyên nghiệp. Phải tới lúc này thì những cách làm chuyên nghiệp, những tiêu chuẩn của một CLB chuyên nghiệp mới bắt đầu được được áp dụng ở vài đội bóng. Tất nhiên, chúng ta phải cần một quá trình rất dài nữa mới đạt đến tầm chuyên nghiệp thật sự. Nhưng ít nhất NHM đã nhìn thấy hướng đi, thay vì dậm chân tại chỗ như nhiều năm trước đây.