Trọng tài không phải là nỗi ám ảnh của các đội như nhiều mùa giải trước. Tuy nhiên, không phải tất cả trọng tài đều tránh được điều tiếng này nọ xung quanh những tiếng còi. Sự cố vẫn cứ xảy ra và đã có ít nhất 2 trọng tài bị “treo” vô thời hạn…
So với các mùa bóng trước, trọng tài chưa trở thành nỗi ám ảnh cho các đội bóng, nhất là trong giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc đua giành quyền trụ hạng vừa rồi. Mặc dù vậy, cái được này một phần xuất phát từ yếu tố khó khăn chung của nền kinh tế.
Trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm tỏ ra thẳng thắn: “Ngoài chuyện chúng tôi siết các trọng tài, thì việc ít có tiêu cực trong giới cũng xuất phát từ chỗ các ông bầu giờ nhiều người gần như cạn tiền chi cho bóng đá”.Trọng tài Nguyễn Văn Đông, một trong hai Vua sân cỏ không được tin dùng ở giai đoạn cuối mùa giải
“Các ông bầu hết tiền, nên chuyện đội bóng của họ trụ hạng hay không trụ hạng không còn là nỗi ám ảnh đối với họ nữa. Có khi với nhiều CLB, trụ hạng thì tốt mà không trụ hạng thì đỡ tốn. Thành ra, các đội bóng cũng ít tiếp xúc với các trọng tài hơn, tiêu cực giai đoạn này cũng giảm đi!” - Ông Lâm nói thêm.
Về phía các trọng tài, dù đã có sự tăng đột biến trong mức thu nhập: 8 triệu đồng cho một trận bắt chính đối với một trọng tài tại V-League, 5 triệu đồng cho một trợ lý. Con số này ở giải hạng Nhất lần lượt là 5 triệu đồng cho trọng tài chính và 3 triệu đồng cho trợ lý/trận. Tuy nhiên, việc tăng thu nhập chưa thể làm trong sạch hóa đội ngũ trọng tài.
Không ít trọng tài vẫn gắn với các điều tiếng, cụ thể có 2 người đã bị “treo” vô thời hạn, mà theo giải thích của BTC và Ban trọng tài là: “Họ chưa thể hiện được sự công minh trong công tác!”.
“Có thể sự cố này không phải trong mùa này mà là các mùa trước. Tôi được BTC thông báo là không mời các trọng tài ấy nữa, điều này nên hiểu là Ban trọng tài thôi hợp tác với những người bị nêu tên” – lời trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm.
Bên cạnh đó, các sự cố trọng tài xảy ra không phải là ít, nhất là ở giai đoạn đầu của mùa giải. Mọi thứ chỉ được chấn chỉnh từ sau VCK Euro 2012, ở giai đoạn cuối của mùa giải, nhất từ sau thời điểm 2 trọng tài Nguyễn Phi Long và Nguyễn Văn Đông bị nêu đích danh, không được mời hợp tác.
Người trong giới tạm hiểu hành động trên ngoài chuyện tránh tiêu cực, còn là động thái răn đe giới “vua sân cỏ”, rằng các trọng tài khác hãy lấy đó làm gương để nắn lại đường đi của mình cho đúng. Chi tiết ấy cũng phần nào phản ánh rằng, không phải trọng tài nào cũng đang đi theo đường ngay ngắn.
Trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm tâm sự rất thật: “Tôi từng nói với anh em trọng tài rằng anh em từng mang tiếng xấu từ dư luận vì dư âm của các mùa trước. Thế nên, điều quan trọng nhất với anh em là phải làm tốt, phải thay đổi hình ảnh và cách nhìn về phía mình từ người hâm mộ”.
“Tôi hiểu khó khăn của anh em, nhưng vai trò của tôi như một vị HLV, anh em nào tốt, cho thấy nỗ lực thì được sử dụng nhiều. Tôi không chấp nhận và cũng không quan tâm đến dây này dây kia trong giới. Tôi dẫu không có nghiệp trọng tài nhưng có nghề bóng đá, được đào tạo bài bản và đã theo nghề mấy chục năm rồi, nên cũng không thể gọi là dân tay ngang” – ông Lâm nói thêm.
Cũng theo ông Dương Vũ Lâm thì trong thời gian tới, công tác kiểm tra cho trọng tài sẽ được cải thiện. Một bộ thiết bị cổng từ dùng để kiểm tra các bài chạy (tương tự như thiết bị của môn điền kinh) được FIFA tài trợ sẽ được nhập về TPHCM.
Ông Lâm hy vọng rằng thiết bị này sẽ tránh được tình trạng kiểm tra theo kiểu du di như khi sử dụng đồng hồ bấm tay: “Tôi cho rằng sự việc các trọng tài Việt Nam thi trược kỳ kiểm tra phong cấp FIFA tại nước ngoài là nỗi đau cho người trong giới. Lâu nay, với các bài kiểm tra thể lực, chúng ta sử dụng đồng hồ bấm tay, nhiều khi trọng tài chưa chạy tới đích thì đồng hồ đã bấm dừng thời gian. Làm vậy vô tình làm hại nhau, đến khi ra nước ngoài kiểm tra thì lòi ra hết. Hy vọng rằng bộ cổng từ này sẽ cải thiện chuyện đó”.
Có thể việc du di trong kiểm tra thể lực cũng là xuất phát điểm của tình trạng một số trọng tài không đủ khả năng bao quát các trận đấu, không theo kịp diễn biến trên sân, dù khi kiểm tra thì họ được cho qua.
(Theo Dân Trí)