Từ vòng 16, giới còi cờ ở V-League sẽ được trang bị bộ đàm loại hiện đại, có thể dễ dàng liên lạc với nhau trong trận đấu để tránh các sai sót - vốn là vấn đề nổi cộm của mùa bóng 2012.
Từ đầu mùa, các trọng tài, trợ lý ở V-League đã được trang bị bộ đàm nhưng số lượng ít và chất lượng không cao. Ban tổ chức chỉ có 4 bộ thiết bị trong khi giới còi cờ V-League, hạng Nhất cần ít nhất 14 bộ cho mỗi vòng đấu. 4 bộ thiết bị liên lạc giữa trọng tài chính, trợ lý này, theo tiết lộ từ Ban trọng tài, do mối quan hệ cá nhân của Ủy viên Ban, ông Bùi Như Đức đem lại. Chất lượng không cao, hiệu quả của 4 bộ thiết bị này vì thế không được như kỳ vọng.
Trọng tài (áo đen) luôn là nhân tố gây nhiều tranh cãi ở sân chơi V-League
Mới đây, ông “bầu” Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, đã bỏ tiền túi mua 16 bộ bộ đàm cho các trọng tài làm việc ở V-League và hạng Nhất. Với 16 bộ thiết bị thuộc loại hiện đại, các trọng tài Việt Nam sẽ được trang bị chẳng kém các đồng nghiệp ở châu Âu. Giá của mỗi bộ bộ đàm này là 81 triệu đồng.
Có nhiệm vụ tổ chức V-League, hạng Nhất nhưng VPF phải dựa nhiều vào VFF. Lực lượng giám sát tới trọng tài và cả phương án phân công trọng tài trong mỗi vòng đấu đều do VFF đảm nhiệm. Đã có ý kiến cho rằng, việc phụ thuộc này khiến VPF thụ động, không có tiếng nói trong việc điều hành, kiểm soát giới còi cờ. Thẳng thắn thừa nhận công tác trọng tài còn yếu kém, VPF cho biết, nếu phát hiện các trọng tài có vấn đề, họ sẽ đề nghị VFF không sử dụng. Việc phân công trọng tài ở mỗi vòng đấu, nếu thấy chưa hợp lý, VPF sẽ lên tiếng để điều chỉnh.
V-League 2012 đánh dấu bước nhảy vọt về thu nhập của giới còi cờ. Mỗi trọng tài bắt chính nhận được 8 triệu đồng chưa kể phí di chuyển, ăn ở. Thu nhập cao nhưng sai sót nhiều. Tính trung bình, cứ mỗi vòng đấu, các trọng tài mắc một lỗi nghiêm trọng.
Ở vòng đấu thứ 3, sau trận thua CLB Hà Nội 1-4, HLV Hoàng Anh Tuấn của Khánh Hòa phản ứng dữ dội với cách điều khiển của trọng tài Thông. Ông Tuấn sau đó tố ông Thông từng bị cấm tham gia bóng đá vì vi phạm hồi còn là cầu thủ. VFF sau đó đã vào cuộc xác minh sự thật và kết quả là trọng tài Thông bị loại khỏi giải. Vòng 7 trên sân Lạch Tray của Hải Phòng, trợ lý Đỗ Mạnh Hà không công nhận bàn thắng hoàn toàn hợp lệ của Sông Lam Nghệ An. Cũng vòng 7, Hà Nội T&T bị trọng tài Nguyễn Văn Đông phạt quả phạt đền “tưởng tượng” vì pha phạm lỗi của hậu vệ Quốc Long diễn ra bên ngoài vòng cấm…
Bẵng đi vài vòng đấu, tới vòng 15, Sông Lam Nghệ An và Khánh Hòa tiếp tục kêu trời vì trọng tài. Sau trận thua Thanh Hóa 0-2, HLV Nguyễn Hữu Thắng của Sông Lam cho rằng trọng tài Đào Văn Cường đã tước của đội mình ba quả phạt đền mười mươi. HLV Hoàng Anh Tuấn của Khánh Hòa khẳng định, trọng tài cấp FIFA Phùng Đình Dũng đã khiến đội ông thua oan bởi quả phạt đền tưởng tượng. Theo HLV Hoàng Anh Tuấn, pha phạm lỗi của thủ môn Võ Văn Hạnh ở phút 81 diễn ra ở ngoài khu cấm địa nhưng trọng tài Dũng lại chỉ tay vào chấm phạt đền đồng thời rút thẻ đỏ cho thủ môn Hạnh. Đội Khánh Hòa cho biết sẽ khiếu kiện lên Ban tổ chức về tình huống này.
16 bộ thiết bị hiện đại có giá 81 triệu đồng mỗi bộ do “bầu” Đức tài trợ sẽ đến tay các trọng tài từ vòng 16. “Lượt đi chúng tôi đã trang bị bộ đàm cho các trọng tài. Đồ không còn mới, chất lượng vì thế cũng không được như ý. Với bộ đàm mới, các trọng tài sẽ yên tâm, xử lý quyết đoán hơn. Trang bị hiện đại, các trọng tài sẽ làm việc tốt hơn”. Ông Dương Vũ Lâm, Trưởng Ban trọng tài VFF đánh giá.
(Theo Vnexpress)