Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Trọng tài bóng đá: Làm không nổi thì phải mời người ngoài

Thứ Năm 29/05/2014 06:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không ai dám khẳng định là trọng tài ngoại sẽ không mắc sai lầm. Nhưng sai cũng có nhiều kiểu sai, điều mà người ta sợ nhất nơi trọng tài nội là sai về tư tưởng. Vả lại, một khi trọng tài nội đã điều hành quá tệ thì cần phải thay đổi…

Thay đổi là cần thiết

Đã làm trọng tài thì chắc chắn là có sai sót, đã còn đá bóng là còn tranh cãi về trọng tài. Đấy là điều tất yếu. Nhưng sai sót ở mức độ nào và người ta đứng dậy, sửa lỗi sau mỗi lần sai như thế nào mới thành chuyện? Sửa lỗi như kiểu trọng tài Trần Trung Hiếu, lặp lại sai lầm từ mùa này đến mùa khác, mà toàn dạng sai lầm theo kiểu có thể cứu thoát một đội bóng khỏi nguy cơ rớt hạng (Quảng Nam), hoặc cản bước một đội khác trên đường đến ngôi vô địch một cách có hệ thống (XM Xuân Thành Sài Gòn năm 2012) thì không phải là cách khắc phục khuyết điểm.

Một số trọng tài Việt Nam không có khái niệm sửa sai
Một số trọng tài Việt Nam không có khái niệm sửa sai

Trường hợp tương tự như trọng tài Trần Trung Hiếu không phải là trường hợp duy nhất. Lâu nay người ta ngại trọng tài Việt Nam không phải là ngại cái sai về mặt chuyên môn. Người ta ngại nhất nơi đội ngũ “vua sân cỏ” ở nước ta chính là vấn đề tư tưởng. Trọng tài ngoại có thể giúp cho các đội bóng đỡ lo hơn về mặt này. Trọng tài ngoại, kể cả từ Nhật hay từ Australia đều có thể sai, thậm chí sai không nhỏ. Nhưng chắc chắn họ sẽ không chịu ảnh hưởng, cũng chẳng cần quan tâm đến những mối quan hệ của các đội bóng với các quan chức có thể chi phối đến lực lượng trọng tài, nên có khi dễ làm việc hơn.

Các trọng tài ngoại đến V-League sẽ độc lập hơn với các trọng tài nội ở chỗ, họ đơn giản lãnh thù lao để điều khiển các trận đấu. Làm không được VFF và VPF không mời tiếp, chứ họ không dính gì đến các giám sát, không dính gì đến các địa phương, cũng không cần phải lấy lòng một số quan chức có quyền chi phối việc phân công trọng tài, nên tiếng còi có thể ít bị lệch lạc. Lỗi của trọng tài ngoại trong các trận đấu tới đây có thể vẫn sẽ xuất hiện, nhưng chí ít người phản ứng họ đỡ đau đầu về vấn đề tư tưởng, ít nhất là thoải mái hơn trong cái nhìn về trọng tài.

Không làm tốt thì phải thay

Mời trọng tài ngoại chắc chắn là tốn kém (thù lao cho trọng tài Nhật là 100 USD/ngày, trong khoảng từ 5 – 7 ngày/người). Nhưng đấy là xu thế gần như tất yếu khi nhìn vào hoàn cảnh của V-League bây giờ. Hơn chục năm V-League được đặt dưới sự điều khiển của các trọng tài nội, không năm nào không có chuyện lớn (xin nhấn mạnh là chuyện lớn của giới trọng tài, thậm chí không ít sự cố tày đình khiến nhiều trọng tài bị loại khỏi đời sống bóng đá).

Trọng tài nội rõ ràng là làm không tốt, nếu không muốn nói là một số ít người còn “mượn gió bẻ măng” làm sai lệch kết quả của giải đấu. Chắc chắn không thể để tình trạng này kéo dãi mãi được. Một khi họ đã làm không tốt thì dĩ nhiên cần có sự thay đổi - đấy là quy luật tất yếu trong mọi lĩnh vực, không riêng gì trong giới trọng tài. Một khi giới trọng tài ngày càng thiếu tính cạnh tranh vì quanh quẩn chỉ có vài cái tên cũ, thì đã đến lúc cần tạo tính cạnh tranh cho giới này.

Còn chuyện các trọng tài có thể bị giảm thu nhập vì ít việc đi khi xuất hiện trọng tài ngoại, họ phải trách chính họ. Nếu trọng tài nội làm tốt, làm công tâm nhiệm vụ của mình ngay từ đầu, dĩ nhiên không ai dại gì bỏ tiền mời trọng tài ngoại. Trọng tài ngoại đến V-League bắt thay trọng tài nội, đấy là nỗi đau không chỉ với giới trọng tài, mà còn với bóng đá nội, rằng chúng ta thực sự bất lực trong việc chấn chỉnh công tác trọng tài trong nước, rằng giới trọng tài của chúng ta đáng báo động về năng lực cũng như về tư tưởng.

Nhưng càng không thể vì đau mà không làm, càng không thể nhìn thấy cái sai một ngày một trầm trọng mà không chấn chỉnh. Một khi giới trọng tài không biết cách sửa cái sai của chính họ, thì bắt buộc cơ quan điều hành nền bóng đá phải có biện pháp chấn chỉnh từ trên xuống, mà việc mời trọng tài ngoại là một trong những phương thức mà VFF và VPF khởi động cho chiến dịch làm trong sạch hóa bộ máy trọng tài.

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X