Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Tranh chấp trong bóng đá nội: Cầu thủ nắm đằng… lưỡi

Thứ Sáu 14/02/2014 07:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chỉ trong vòng vài tháng, liên tiếp 3-4 vụ kiện tụng phát sinh giữa cầu thủ và đội bóng. Điều đáng nói là trong các vụ tranh chấp kiểu này, cầu thủ rất khó thắng, đồng thời vai trò của cơ quan quản lý là VFF cực kỳ mờ nhạt…

Khi mà VFF còn chưa giải quyết xong vụ 7 cầu thủ K.Kiên Giang đòi nợ đội bóng cũ (nay đã giải tán), vụ việc cầu thủ Đức Thiện chưa được khoác áo Đồng Nai ở mùa bóng 2014 do đội bóng cũ Bình Định khiếu nại, thì đến lượt rắc rối hợp đồng giữa cầu thủ và CLB Than Quảng Ninh đã nẩy sinh.

Khi có tranh chấp, cầu thủ thường khó thắng CLB
Khi có tranh chấp, cầu thủ thường khó thắng CLB

Cầu thủ dọa đình công vì không nhận được tiền lót tay như mong muốn, đúng với thời gian quy định. Đặc biệt, có trường hợp cầu thủ Bật Hiếu tiết lộ anh phải vay tiền ngân hàng để lấy tiền đền bù hợp đồng cho CLB cũ Thanh Hóa, đồng thời phải dùng tiền lương hàng tháng trả lãi ngân hàng, trong bối cảnh anh chưa nhận tiền lót tay như anh từng được hứa.

Để tránh tình trạng đình công của cầu thủ, Than Quảng Ninh làm việc với họ, đồng ý ký hợp đồng, đồng ý trả tiền lót tay, nhưng chỉ là hợp đồng có thời hạn 1 năm (thay vì 2 năm như các cầu thủ Than Quảng Ninh cho biết họ từng được hứa), cùng khoản tiền lót tay giảm một nửa cũng so với lời hứa.

Có thể hầu hết các cầu thủ mới đến Than Quảng Ninh không hài lòng với phương án vừa được đưa ra của đội bóng vùng mỏ, đặc biệt là trường hợp của Bật Hiếu. Nhưng vấn đề là dường như chính các cầu thủ đang nắm đằng… lưỡi.

Thỏa thuận giữa các cầu thủ, trong đó có Bật Hiếu, với CLB Than Quảng Ninh về thời hạn cũng như về khoản lót tay ra sao là điều mà người ngoài không được rõ, bởi hiện giờ chưa có ai trình ra bất cứ một văn bản nào thể hiện thỏa thuận vừa nêu.

Cho dù về tình, sẽ có người trách lãnh đạo đội bóng vùng mỏ là người lớn nhưng nói lời không giữ lấy lời. Thế nhưng, về lý nếu CLB Than Quảng Ninh yêu cầu các cầu thủ của mình ký lại hợp đồng với thời hạn 1 năm, cùng số tiền lót tay giảm đi một nửa, thì đấy là quyền của họ (còn chịu ký hay không là quyền của cầu thủ). Không có văn bản thể hiện sự ràng buộc, không có văn bản chứng minh thỏa thuận trước đó, cầu thủ muốn kiện CLB Than Quảng Ninh cũng khó.

Đấy là tình cảnh chung của những vụ tranh chấp giữa cầu thủ và đội bóng chủ quản diễn ra trong thời gian gần đây, khi các thủ tục về mặt pháp lý trong bóng đá Việt Nam không phải thủ tục nào cũng rạch ròi, nhất là các khoản lót tay.

Thậm chí, ngay khi ký hợp đồng chuyên nghiệp với giấy trắng mực đen rành rành, bản thân cầu thủ cũng khó đòi tiền CLB, như sự việc từng xảy ra ở đội K.Kiên Giang vài tháng trước. Đầu mùa này, CLB K.Kiên Giang giải tán vì hết tiền, coi như cũng chính thức “xù” nợ.

Ngoài chuyện hành xử thiếu chuyên nghiệp của những người tham gia các hoạt động bóng đá, cũng phải nói thêm rằng vai trò của cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam là VFF trong các vụ tranh chấp dạng này là quá mờ nhạt. Thường thì VFF để cho cầu thủ và CLB “tự xử” với nhau, như kiểu họ từng khuyến cáo B.Bình Dương và Chí Công, Đình Đức giải quyết nội bộ, chứ ít khi đứng ra can thiệp. Trường hợp khác, cho đến giờ, VFF vẫn chưa có kết luận vụ tranh chấp hợp đồng giữa cầu thủ Đức Thiện (hiện đang tập luyện tại Đồng Nai) và đội bóng cũ SQC Bình Định.

SQC Bình Định hiện giờ cũng gần như đã giải tán, không dự giải hạng Nhất 2014, nhưng vẫn khẳng định Đức Thiện còn hợp đồng với họ. Về phía Đức Thiện, cầu thủ này cho biết họ đã thực hiện xong nghĩa vụ hợp đồng, có quyền chuyển đến đội bóng mới. Chưa thấy VFF có ý kiến gì, còn bên chịu thiệt thòi là Đức Thiện, bởi anh chưa được thi đấu và cũng không biết bị “treo” như vậy đến bao giờ.

Lần duy nhất VFF lên tiếng trong các vụ tranh chấp gần đây là khi họ yêu cầu K.Kiên Giang trả tiền cho nhóm 7 cầu thủ có đơn khiếu nại, đồng thời phạt đội bóng miền Tây Nam bộ 5 triệu đồng vì chậm thực hiện nghĩa vụ.

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X