Thất bại của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012 đã khiến dư luận sục sôi suốt nhiều ngày vừa qua, và cả giới chuyên môn cũng như dư luận đều đã mổ xẻ mọi vấn đề liên quan đến ĐT Việt Nam ở nhiều khía cạnh khác nhau. Có một thực tế mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, đấy là việc các ĐTQG đã có dấu hiệu sa sút ở sân chơi khu vực suốt mấy năm trở lại đây, kể cả ĐT U23 Việt Nam cũng như ĐT Việt Nam, nhưng điều đáng ngạc nhiên là dù thành tích của ĐTQG đang đi xuống như thế song không thấy ai đặt vấn đề về vai trò của phòng Các ĐTQG và Đào tạo VFF.
Trong hoàn cảnh bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn chưa có chức danh GĐKT do VFF bổ nhiệm thì vai trò của phòng Các ĐTQG và Đào tạo là rất quan trọng, bởi có thể coi đây là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo VFF nói riêng và HLV trưởng các ĐTQG nói chung về đường hướng phát triển của các ĐTQG.
Trước đây từng có một thời gian rất dài chức danh trưởng phòng Các ĐTQG được giao cho ông Nguyễn Sỹ Hiển, đương kim Chủ tịch Hội đồng HLV QG bây giờ, và đấy được coi là một sự lựa chọn hợp lý, bởi ông Hiển từng là cầu thủ nổi tiếng, lại có kinh nghiệm làm HLV cũng như làm quản lý bóng đá, nên không có vấn đề gì với việc ngồi vào chiếc ghế trưởng phòng Các ĐTQG.
Trong nhiệm kỳ ông Trương Hải Tùng làm trưởng phòng Các ĐTQG, ĐT U23 Việt Nam và ĐT Việt Nam liên tiếp thất bại ở 2 kỳ SEA Games (2009&2011) và 2 kỳ AFF Cup (2010&2012) gần nhất
Tuy nhiên, sau khi ông Hiển rút khỏi bộ máy điều hành VFF sau Đại hội khoá V của VFF thì phòng Các ĐTQG lần lượt được đặt dưới quyền lãnh đạo của các ông Phạm Quang (khoá V) và ông Trương Hải Tùng (khoá VI), và không hiểu có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên không, khi bắt đầu từ lúc ông Trương Hải Tùng lên làm trưởng phòng Các ĐTQG sau Đại hội VFF khoá VI thì cũng là lúc các ĐTQG liên tiếp phải nhận kết quả ngoài mong đợi ở đấu trường khu vực.
Năm 2009, ĐT U23 Việt Nam thất bại trong trận chung kết SEA Games 25 trước ĐT U23 Malaysia, dấu hiệu mở đầu cho sự đi xuống về thành tích của bóng đá Việt Nam ở sân chơi quốc tế. 2 năm sau, đến SEA Games 26, ĐT U23 Việt Nam thậm chí chỉ xếp hạng tư sau thất bại tủi hổ trước ĐT U23 Myanmar ở trận tranh HCĐ, và điểm chung từ thất bại của cả 2 kỳ SEA Games này là chất lượng cầu thủ của ĐT U23 Việt Nam không được như yêu cầu.
Năm 2012, ĐT U22 Việt Nam thất bại thảm hại ở vòng loại U22 châu Á 2013 diễn ra tại Myanmar, và ngay trước khi ĐT Việt Nam tham dự AFF Cup 2012 thì ĐT U19 Việt Nam cũng thua tan tác ở VCK U19 châu Á. Bên cạnh đó, nhân sự trên vị trí HLV trưởng các ĐT trẻ QG cũng thiếu sự ổn định, và có những người tuy năng lực chuyên môn không được đánh giá cao nhưng vẫn được bổ nhiệm chỉ vì một lợi thế duy nhất là đang… rảnh rỗi vì không vướng bận với bất cứ đội bóng nào, hoặc nói thẳng ra là đang thất nghiệp.
Tương tự như thế là ĐT Việt Nam, khi trong 2 thất bại liên tiếp ở 2 kỳ AFF Cup gần đây là 2010 và 2012, gần như không ai nhận thấy vai trò định hướng của phòng Các ĐTQG, dù đây là bộ phận trực thuộc bộ máy điều hành VFF.
Sự xuất hiện của trưởng phòng Các ĐTQG trong các đợt tập trung huấn luyện của ĐT Việt Nam để chuẩn bị cho AFF Cup 2012 chỉ mang ý nghĩa thực hiện công tác hậu cần là chính, và ngay cả nhiệm vụ này thì phòng Các ĐTQG cũng không thể coi là đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi thầy trò HLV Phan Thanh Hùng không thể tập luyện lâu dài ở TP.HCM vì điều kiện sân bãi không bảo đảm.
Trong cuộc họp mổ xẻ rút kinh nghiệm thất bại của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012 do VFF tổ chức vào ngày 5/12/2012 vừa qua cũng không thấy ai đề cập tới vai trò của phòng Các ĐTQG, cho dù trước đó 2 ngày, ở cuộc trao đổi với TT&VH, Uỷ viên Hội đồng HLV QG Lê Thế Thọ đã lên tiếng rất quyết liệt: “Phải làm tổng thể, rà soát lại công tác tuyển chọn lực lượng, lãnh đạo ĐT, những người làm công tác chuyên môn của VFF, ĐT có nên ngồi ở đấy không. ĐT thất bát như thế sao trưởng phòng Các ĐTQG vẫn còn ngồi đấy. Anh chẳng đá bóng ngày nào cả, giờ ra đây thích lấy ai làm HLV ĐT trẻ thì lấy, như thế làm sao phải phát triển được”.
Trước khi lên làm trưởng phòng Các ĐTQG ở VFF khoá VI, ông Trương Hải Tùng nguyên là trưởng phòng phát triển nguồn lực, bóng đá nữ, bóng đá phong trào và futsal ở VFF khoá V. Bên cạnh đó, người ta còn thấy nhiều lần ông Tùng xuất hiện ở các sân cỏ V-League trong vai trò giám sát trận đấu hoặc giám sát trọng tài.
Thế rồi, từ vị trí lãnh đạo một phòng bóng đá thuộc dạng “phong trào” như thế mà ông Tùng trở thành trưởng phòng Các ĐTQG, phòng chức năng có vai trò quan trọng được xem là bậc nhất trong bộ máy điều hành VFF, và ngay cả một cựu tuyển thủ QG lừng lẫy là ông Nguyễn Trọng Giáp cũng phải làm phó cho ông Tùng.
Được biết, ông Tùng nguyên là sinh viên ở trường Đại học TDTT TƯ 2 ở TP.HCM. Tốt nghiệp Đại học, ông Tùng được giữ lại trường để giảng dạy vài năm, rồi sau đó ông Tùng được biệt phái ra Hà Nội làm việc ở VFF.
Như thế, nếu xét về xuất thân thì có thể thấy ông Tùng rất hạn chế về kinh nghiệm bóng đá đỉnh cao, nếu không nói là gần như không có gì, bởi ông Tùng không thi đấu chuyên nghiệp và cũng chưa từng trải qua cương vị HLV cũng như làm quản lý bóng đá. Thế mà ông Tùng lại được đặt vào vị trí tương đương với chức danh GĐKT của cả nền bóng đá suốt mấy năm nay, và phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sa sút về thành tích của các ĐTQG ở giải khu vực trong thời gian vừa qua?!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)