Tâm sự với báo giới, HLV Lê Thụy Hải cho rằng không nên giao ĐTQG cho một người đi “thực tập” như Miura. Nhưng có mấy ai “thực tập” lại được như chiến lược gia đến từ Nhật Bản?
“Thực tập sinh” già dặn
Trong phát biểu của mình, HLV Lê Thụy Hải nói về công việc của Miura: “Suy cho cùng đây cũng là việc ông Miura thực tập thôi nhưng sao mình lại giao đội tuyển quốc gia cho người ta thực tập? “Tôi không biết quan hệ giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Liên đoàn bóng đá Nhật Bản như thế nào nhưng giao như vậy thì không được”.
Thực tế, nếu xét về kinh nghiệm cầm quân, HLV Miura không hề thua kém Lê Thụy Hải. Năm 1997, chiến lược gia người Nhật bắt đầu sự nghiệp với CLB Brummel Sendai. Ông Hải “lơ” cũng chỉ xuất phát sớm hơn một chút, từ năm 1995.
Tính cho đến khi rời CLB Venforet Kofu, HLV Miura đã trải qua nhiều năm liền làm việc tại J-League và J-League 2. Bản thân chiến lược gia này cũng tỏ ra tự hào về quãng thời gian này: “Tôi rất tự tin vào chính mình, bởi ở Nhật Bản, chỉ có khoảng 10 HLV cầm quân trên 400 trận, và trong đó có tôi”.
Nếu có ai đó dựa vào việc HLV Miura chỉ làm việc ở J-League 2 để đánh giá thấp tầm của ông, hãy nhìn vào ví dụ Công Vinh. Tiền đạo xứ Nghệ giữ kỷ lục cầu thủ ghi nhiều bàn thắng trong lịch sử V-League. Tuy nhiên anh gặp khá nhiều khó khăn khi khoác áo Consadole Sapporo, một đội bóng tầm trung tại J-League 2
Nói thế để thấy chiến lược gia đến từ Nhật Bản hoàn toàn đủ kinh nghiệm dẫn dắt ĐTQG Việt Nam. Đem so với một người đã từng làm việc lâu năm cùng VFF như Aflred Riedl, Miura thậm chí còn có phần dày dặn trận mạc hơn.
“Cháy hết mình” với bóng đá Việt
Khởi đầu giữa những nghi ngờ, Miura chinh phục trái tim CĐV bằng chính lòng nhiệt tình với công việc của mình. Không chỉ dựa vào danh sách do VFF cung cấp, ông sẵn sàng lặn lội đến các SVĐ để theo dõi, tìm kiếm tài năng cho U23 cũng như ĐT Việt Nam.
Từ đó, nhiều cái tên “lạ” đã bước ra ánh sáng, trở thành niềm hi vọng của bóng đá nước nhà. Điển hình là trường hợp của Huy Hùng tại AFF Cup 2014. Nếu chăm chăm vào thành tích, HLV Miura sẽ không cần phải vất vả như thế. Nhưng thay vì “hớt ngọn”, ông rất tích cực “ươm mầm”, tạo nền tảng cho bóng đá Việt Nam.
Trong những buổi tập nặng, HLV Miura sẵn sàng “đua sức” cùng các học trò, vừa để tạo động lực vừa khích lệ họ quyết tâm hơn. Nhờ phương pháp của ông, các chàng trai áo đỏ đã có được nền tảng thể lực dồi dào, không ngại ngần khi gặp những đối thủ cơ bắp.
Ngày ĐT Việt Nam thất bại trước Malaysia, HLV Miura lập tức nhận lỗi về mình, chẳng hề chỉ trích các học trò. Có một sự thật là hiếm ĐTQG nào thay HLV nhiều như Việt Nam. Chỉ cần một thất bại, nhà cầm quân đang được tin tưởng có thể “ra đường” vào sáng hôm sau.
Nếu chỉ tính toán cho cá nhân, HLV Miura đâu có “dại” nhận trọng trách dẫn dắt ĐT Việt Nam Nhất là khi ở thời điểm nhà cầm quân này lên nắm quyền, lòng tin của các CĐV đang xuống cực kỳ thấp sau hàng loạt vụ tiêu cực tại giải VĐQG.
Nếu coi quãng thời gian làm việc cùng ĐT Việt Nam của HLV Miura là thực tập, hãy để cho ông đi trọn con đường, đừng tạo ra những trở ngại không cần thiết.
Theo Soha