U22 Việt Nam rơi vào bảng đấu khó
Chủ nhà Campuchia đã công bố các nhóm hạt giống tại môn bóng đá nam SEA Games 32. Theo đó, U22 Campuchia cùng Việt Nam nằm ở nhóm hạt giống 1. U22 Thái Lan và Indonesia thuộc nhóm hạt giống 2.
Lá thăm may rủi đưa U22 Việt Nam chạm trán U22 Thái Lan ở vòng bảng. Đội bóng xứ Chùa vàng sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp tấm vé vào bán kết của U22 Việt Nam. Những đối thủ còn lại của U22 Việt Nam ở bảng B là U22 Malaysia, U22 Lào và U22 Singapore.
Đây là bảng đấu được đánh giá là không hề dễ với U22 Việt Nam. Nếu không tính U22 Thái Lan tương đương về trình độ, những đối thủ còn lại đều ít nhiều mang lại thử thách cho thầy trò HLV Troussier. Lẽ đó, U22 Việt Nam sẽ không được phép chủ quan.
Bốc thăm bóng đá nam SEA Games 32 |
U22 Việt Nam đá SEA Games khi nào, ở đâu?
Việt Nam nằm ở bảng B tại SEA Games 32, nên sẽ thi đấu trên SVĐ Prince cách trung tâm thủ đô Phnom Penh 15km và có chất lượng mặt cỏ tốt. Đây là sân nhà của CLB Visakha có sức chứa 15 nghìn chỗ. Bảng A của chủ nhà Campuchia diễn ra trên SVĐ Olympic (có sức chứa 70 nghìn chỗ ngồi). Tại kỳ SEA Games này, các SVĐ của Campuchia đều được thay mặt cỏ tự nhiên.
Môn bóng đá nam tại SEA Games 32 sẽ khởi tranh từ ngày 29/4. Trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày 14/5.
Lịch thi đấu của ĐT U22 Việt Nam
30/4: U22 Việt Nam vs U22 Lào
3/5: U22 Việt Nam vs U22 Singapore
8/5: U22 Việt Nam vs U22 Malaysia
11/05: U22 Việt Nam vs U22 Thái Lan
Thách thức đón chờ HLV Philippe Troussier
SEA Games 32 là giải đấu chính thức đầu tiên của HLV Troussier kể từ khi nhận ghế nóng tại ĐTQG và U23 Việt Nam. Phía Tổng cục TDTT ra chỉ tiêu lọt vào chung kết cho U22 Việt Nam, lẽ đó, áp lực đè lên vai HLV người Pháp cùng học trò là không hề nhỏ.
Mọi chuyện càng phức tạp khi đối thủ tại bảng B của U22 Việt Nam không có nhiều sự chênh lệch về trình độ. Ngoại trừ U22 Lào bị đánh giá thấp hơn hẳn, những đối thủ còn lại của U22 Việt Nam như Thái Lan, Malaysia hay Singapore đều không hề dễ chơi.
U22 Việt Nam sẽ gặp ít nhiều khó khăn từ vòng bảng SEA Games năm nay |
Chưa kể, việc phải thi đấu ở mật độ 3 ngày/trận cũng đặt ra vấn đề về việc tính toán điểm rơi phong độ cũng như duy trì thể lực của cầu thủ. Tại U23 Doha Cup vừa qua, không khó để nhận ra điểm yếu về thể lực của U23 Việt Nam. Chính HLV Troussier cũng từng thừa nhận thiếu sót này và ông sẽ phải cải thiện nền tảng thể lực của học trò trước khi lên đường sang Campuchia.
Đối thủ lớn nhất của U22 Việt Nam tại vòng bảng tất nhiên là Thái Lan. Sau màn trình diễn ấn tượng ở U23 Doha Cup, U22 Thái Lan của HLV Sritaro được đánh giá cao. Thậm chí, HLV Srimaka, người từng khiến U23 Việt Nam "ôm hận" ở SEA Games 29, thẳng thắn coi Thái Lan là đội bóng số 1 Đông Nam Á lúc này.
Tuy nhiên với U22 Việt Nam, việc phải chung bảng với U22 Thái Lan rất có thể sẽ mang lại "điềm lành" cho thầy trò Troussier. Trong lịch sử các kỳ SEA Games, mỗi khi Việt Nam và Thái Lan chung bảng, U22 (hoặc U23) Việt Nam đều có thành tích tốt.
Các đội trẻ của bóng đá Việt Nam thường có kết quả tốt khi chung bảng Thái Lan tại SEA Games |
Cụ thể, tính từ kỳ đại hội năm 1995, đã có 7 lần Việt Nam và Thái Lan chung bảng môn bóng đá nam (vào các năm 1995, 1999, 2003, 2009, 2015, 2017 và 2019). Trong 7 lần đó, các đại diện của Việt Nam vào chung kết 5 lần (1995, 1999, 2003, 2009 và 2019).
Khó khăn sẽ còn xuất phát từ nội tại U22 Việt Nam lúc này. Các cầu thủ trẻ sẽ phải làm quen với một triết lý mới, lối chơi mới từ một HLV mới. Lẽ đó, không dễ để đòi hỏi U22 Việt Nam có màn trình diễn thuyết phục, phối hợp nhuần nhuyễn chỉ trong thời gian ngắn. Chưa kể, thành tích của hai kỳ đại hội gần nhất cũng tạo nên thứ áp lực vô hình dành cho thầy trò HLV Troussier.
Có thể thấy, U22 Việt Nam sẽ phải đối diện không ít khó khăn tại SEA Games 32. Nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực, kỳ đại hội năm nay sẽ là bước khởi đầu "vừa sức" với HLV Troussier và học trò. Nói cách khác, SEA Games 32 đóng vai trò bước đệm để HLV Troussier truyền đạt và áp dụng triết lý của mình tới thế hệ tương lai của bóng đá Việt Nam, trước khi nghĩ tới những mục tiêu dài hạn.