Chỉ có “sao”, hoặc ít ra là những hình bóng của “sao” thì mới có thể giải tỏa được cơn “khát” của chúng ta.
Nếu thời Riedl tập Một (1998 – 2000) trong ĐT có cả một chùm sao, mà điển hình là Huỳnh Đức và Hồng Sơn, nếu thời Riedl tập Hai (2003) có “cậu bé vàng” họ Phạm thì bây giờ, trong đoạn giai đoạn hoàng hôn của Riedl tập Ba, buồn thay lại chẳng có nổi một sao nào.
Cái đội bóng mà Riedl đang sở hữu là một tập thể đều đều, nơi mà 11 con người biết đá vì nhau, biết chừa “đất” cho nhau nhưng lại không biết cách thay nhau gây đột biến.
Cầu thủ được đánh giá có khả năng đột biến nhất là Thạch Bảo Khanh cũng chưa chứng tỏ được mình. Đã thế, anh lại đang bị chấn thương, khả năng chơi bóng với 100% phong độ là khó.
Ở chính diện hàng tiền vệ, từ Minh Phương, Hồng Minh đến Minh Chuyên, tất tần tật chỉ có thể thi đấu ở mức tròn vai. Hàng tiền đạo có khá hơn khi mà Anh Đức chợt nổi lên với một lối chơi bóng xông xáo và một cái đầu luôn biết “mọc” đúng chỗ “cần phải mọc”.
Thế nhưng nếu chỉ có vậy thì quá ít!
Vẫn biết bóng đá là trò chơi của một tập thể, nhưng nếu thiếu đi những cá nhân biết gây đột biến, thiếu một linh hồn biết thổi lửa vào các đôi chân thì e là khó có thể đi tới thành công.
Vậy nên cái thực trạng mà chúng ta đang đối diện đã buộc ông Riedl và cả những người bỏ tiền ra thuê ông Riedl phải vạch ngay ra một kế hoạch tìm “sao”.
Nghe đâu hàng loạt cầu thủ trẻ (sinh từ năm 1985 trở lại) sắp được triệu tập, một mặt để chuẩn bị cho vòng loại Olympic, một mặt để bổ sung nhân sự cho ĐTQG.
Mừng, vì sau những lời kêu ca của dư luận, rốt cuộc những người có trách nhiệm đã ít nhiều chuyển biến. Nhưng mừng rồi thì lo, vì chẳng biết trong cái tập hợp được triệu tập vội vàng ấy, liệu chăng có được một gương mặt nào khả ái.
Tìm “sao” trong mùa “khát”, nhưng e là càng tìm thì càng “khát”…
Theo Dân Trí