Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Tìm HLV trưởng cho ĐTQG: “An toàn”

Thứ Tư 23/05/2012 19:43(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nhìn lại hành trình lên ĐTQG của HLV Henrique Calisto năm 2008 với con đường đưa HLV Phan Thanh Hùng ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG năm 2012 sao mà có quá nhiều nét tương đồng, cho dù HLV Thanh Hùng chỉ là HLV tạm thời chứ chưa được VFF ký kết chính thức.

Điểm chung đầu tiên và lớn nhất là việc cả HLV Calisto lẫn HLV Thanh Hùng đều được Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ công khai ủng hộ để ngồi vào chiếc ghế nóng ở ĐTQG, dù rằng HLV Calisto không hề có tên trong danh sách ứng viên do Hội đồng HLV QG lựa chọn hồi năm 2008, còn HLV Thanh Hùng tuy đáp ứng đầy đủ tiêu chí chuyên môn do VFF đưa ra nhưng lại “kẹt” yêu cầu “phải là HLV chuyên trách” của Tổng cục TDTT.

Cách đây 4 năm, nếu không có sự lên tiếng của báo chí thì chưa chắc HLV Calisto đã có cơ hội trở lại ĐTQG, bởi lúc ấy Hội đồng HLV QG, cơ quan chịu trách nhiệm tư vấn về chuyên môn cho VFF, có xu hướng ngả về ứng viên Peter Withe và một số ông thầy ngoại khác. Thế nhưng, cuối cùng HLV Calisto đã trở thành người chiến thắng, mà nguyên nhân được người trong cuộc giải thích rằng do HLV Calisto được xem là “phương án an toàn”.

Nếu không có Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ “bảo lãnh” thì chưa chắc HLV Calisto đã có cơ hội quay lại ĐTQG vào năm 2008
Nếu không có Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ “bảo lãnh” thì chưa chắc HLV Calisto đã có cơ hội quay lại ĐTQG vào năm 2008

“An toàn” là bởi khi ấy bóng đá VN vừa trải qua kỳ SEA Games năm 2007 thảm bại khiến chiếc ghế của một số lãnh đạo VFF khoá V lao đao, và AFF Cup 2008 được coi là cơ hội cuối cùng để VFF khoá V “lấy công chuộc tội”, nên việc tuyển lựa HLV trưởng ĐTQG cho giải đấu này là nhiệm vụ vô cùng nhạy cảm và quan trọng. “An toàn” là bởi chọn HLV Calisto đồng nghĩa thì với việc VFF đứng về phía nguyện vọng của đa số người hâm mộ, vì sau những gì HLV Calisto đã làm được với ĐTQG ở Tiger Cup 2002 và CLB ĐT.LA thì rõ ràng đây là một ứng viên cực kỳ thích hợp cho ĐTQG.

Trường hợp HLV Phan Thanh Hùng bây giờ cũng có nhiều nét từa tựa như thế. Sau ngót 2 thập kỷ dùng thầy ngoại cho ĐTQG, VFF quyết định quay sang giải pháp dùng thầy nội, nhưng sự chuyển hướng này chưa chắc đã có nghĩa là VFF đã hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của các HLV VN, mà có thể còn do một nguyên nhân quan trọng là công việc tuyển chọn HLV ngoại cho ĐTQG quá rủi ro và tốn kém, nên tốt nhất cứ chọn lấy một HLV nội, vừa được tiếng “ta về ta tắm ao ta”, mà trong trường hợp ĐTQG thất bại thì dư luận cũng dễ bề thông cảm.

Tuy nhiên, người ta dường như lại quên mất một điều rằng việc một mình đứng mũi chịu sào ở ĐTQG với chuyện làm HLV tạm quyền khi HLV trưởng người nước ngoài vắng mặt là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau. Khả năng chịu sức ép lâu nay vẫn bị xem là nhược điểm của các ông thầy nội, và cho tới thời điểm hiện tại, ở V-League cũng chưa có đội bóng nào sở hữu phong cách lì lợm, càng về cuối giải càng hay như ĐT.LA thời kỳ đỉnh cao của HLV Calisto.

Trước khi chinh phục ngôi vương cùng ĐTQG và ĐT.LA, HLV Calisto từng có nhiều phen “bầm dập” vì đội bóng do ông dẫn dắt “khởi động” quá đỗi chậm chạp, và thử hỏi trong các ông thầy được VFF đưa lên ĐTQG và ĐT U22 QG làm việc trong đợt tập trung sắp tới, có mấy người từng thành công vượt qua những thử thách khắc nghiệt cỡ như HLV Calisto? E rằng câu trả lời là không, và chẳng ai dám chắc những ông thầy nội này có còn là chính mình khi ĐTQG rơi vào trạng thái khó khăn muôn trùng.

Thế nhưng, trong hoàn cảnh hiện nay, có “các vàng” thì VFF cũng chẳng dám tổ chức thêm một cuộc tìm kiếm và tuyển chọn thầy ngoại nữa cho ĐTQG, và vì thế phương án thầy nội bỗng nhiên trở thành sự lựa chọn hàng đầu nếu xét theo tiêu chí “an toàn”. Thậm chí, VFF còn sẵn sàng bỏ qua nguyên tắc của chính mình và cũng là tiêu chí được Tổng cục TDTT khuyến cáo là “phải là HLV chuyên trách” để chọn lấy một ông thầy “kiêm nhiệm” cho ĐTQG, cho dù ai cũng biết rõ mặt trái của cách làm này và trên thế giới cũng không có nền bóng đá nào xuất hiện tình trạng như vậy.

Nhưng giữa sự “an toàn” của một vài chiếc ghế với tương lai lâu dài của cả nền bóng đá thì cái nào quan trọng hơn cái nào? Hỏi có lẽ cũng đã là trả lời!

(Theo Thể Thao Văn Hoá) 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X