Bóng đá chuyên nghiệp đang như quả bong bóng đá bị vỡ. Muốn khâu lại quả bong bóng chung đó, ngoài vai trò của VFF, nỗ lực tự thân của các CLB với nhà tài trợ của họ, dứt khoát các CLB phải ngồi lại với nhau mới hòng tìm ra một đường sống…
Mỗi người chèo mỗi hướng
Năm 2005, ông bầu Nguyễn Anh Tuân của Mitsustar Haier Hải Phòng đã đề ra ý tưởng: các CLB ký một hiệp ước chống tiêu cực. Cái ý tưởng đó nhanh chóng bị phá sản bởi đa số các CLB đều không ủng hộ. Hoặc, cũng có thể hiểu những thành phần đang tham dự V-League lúc đó hiểu rằng ý tưởng đó là không thể khả thi.
Nói thế, bởi với sân cỏ nội thời điểm đó, và cả hiện thời, chống tiêu cực vẫn là nhiệm vụ bất khả thi. Nói tiêu cực đã giảm hơn là có, nhưng bảo rằng không có tiêu cực thì giả dối! Thậm chí, một thực tế khá đau lòng, nếu CLB đá sạch quá, họ sẽ bị coi như “người ngoài hành tinh”, sẽ phải thiệt thòi trong bối cảnh những trận cầu tiêu cực chưa được kiểm soát.7 năm qua, CLB BĐHN chỉ trình làng được một tài năng trẻ là Thành Lương
Bầu Đức từng trải lòng, ông Võ Quốc Thắng có lần tâm sự ruột gan rằng phải đến lúc “anh em chúng mình làm bóng đá tử tế”. Thời gian trôi đi, cũng có thể tin 2 ông bầu này đã nghiêm túc chơi thứ bóng đá đàng hoàng. Mùa giải 2012, ĐT.LA đã lên hạng quá thuyết phục với vô số kỷ lục, để không ai có thể “ác miệng” bảo rằng nhờ ông là sếp của VPF. Tương tự, ông Đức cũng đả đổ cả núi tiền vào làm bóng đá trẻ.
Thật là nghịch lý, lẽ ra công tác đào tạo trẻ ở các CLB chuyên nghiệp, nhất là những gương mặt được coi là đại gia, phải được chú trọng như ông Đức. Chúng ta cũng nhớ rằng đã không ít lần, đề xuất cầu thủ đội A vi phạm kỷ luật, phá vỡ hợp đồng để đầu quân cho CLB B, C, D thì những đội bóng này không được phép tiếp nhận.
Đấy cũng là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng phá giá cầu thủ, làm nhiễu loạn sự ổn định về mặt tổ chức các CLB. Tiếc rằng, đề xuất đó như câu chuyện lúc trà dư tửu hậu. Và đầu mùa giải năm nay, VPF đã đề ra quy định cấm một đội bóng thưởng quá 500 triệu đồng. Ai cũng biết là quy định đó không tồi, trong bối cảnh cuộc chạy đua tiền thưởng đang phá vỡ rất nhiều giá trị tốt đẹp.
Nguy hiểm nhất là cái tiền lệ phải treo thưởng cầu thủ mới đá, đồng nghĩa với việc muốn có thành tích phải chi tiền thưởng nhiều. Vậy mà, rất nhanh chóng, giải chỉ mới lăn dăm vòng thông tin bầu Hiển, bầu Trường, bầu Thụy… vung thưởng tiền tỷ, chẳng khác gì một sự chế diễu cái quy định mức thưởng kia…
Đắm thuyền là tất yếu
Có thể ví bóng đá chuyên nghiệp là con thuyền, các CLB là những người ngồi chung thuyền nhưng ai cũng cố chèo một hướng, thành ra con thuyền đó chấp chới, hiện đang đứng trước nguy cơ bị đắm là dễ hiểu. Những câu chuyện kể trên, chỉ là vô vàn trong các hiện tượng mà bản thân những người đang tham gia chơi bóng nhận thức được hữu ích, nhưng họ đã không hành động, hoặc không thể hành động.
Ai cũng biết rằng, để nền bóng đá chuyên nghiệp phát triển đúng như nguyện vọng, ngoài trình độ của LĐBĐ QG, các thành viên thuộc BTC giải, vai trò của các CLB là quyết định, bởi họ mới là những người chèo thuyền. Vậy thì, lúc này nếu không chịu ngồi lại với nhau để tháo gỡ, thì không thể tái cấu trúc nền bóng đá chuyên nghiệp đang đối diện với nguy cơ vỡ bung bét. Ngồi với nhau không chỉ một ngày, mà có thể nhiều ngày, thậm chí hoãn giải.
Chừng nào tất cả đồng thuận, đưa ra được những quy tắc ứng xử chung, có những ràng buộc mang tính pháp lệnh để các CLB hành động không thể lệch chuẩn, lúc đó mới hy vọng xoay chuyển được tình hình. Chứ nếu chỉ ngồi lại một ngày để nghe lãnh đạo VFF phát biểu mang tính nghị sự, những bản báo cáo màu hồng, còn các đại biểu “ngậm kẹo” hay nghị gật như tiền lệ, kể cả lễ tổng kết giải hoặc Đại hội thường niên sắp tới, thì thà đừng tổ chức còn hơn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)