Thứ Hai, 30/12/2024Mới nhất
Zalo

Thị trường cầu thủ đầu mùa 2013 đóng băng

Thứ Hai 24/09/2012 07:14(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Số phận không ít đội bóng chưa biết đi tới đâu, rất nhiều ông bầu cũng lên tiếng bỏ bóng đá.

Thời điểm này mọi năm, nhu cầu mua sắm của các đội đã rất nhộn nhịp bởi ai cũng sợ “trâu chậm uống nước đục”. Tuy nhiên, thị trường chuyển nhượng trước mùa giải mới năm nay gần như đóng băng, khi mà số phận không ít đội bóng chưa biết đi tới đâu, rất nhiều ông bầu cũng lên tiếng bỏ bóng đá.

Thời điểm này mùa trước, Bình Dương, Sài Gòn Xuân Thành, Ninh Bình hay CLB Hà Nội là các đội mua sắm nhộn nhịp nhất. Những CLB nghèo hơn như SLNA, Thanh Hóa, Đồng Tháp... cũng không ngồi yên khi thậm chí còn ra cả nước ngoài tìm kiếm cầu thủ. Vậy mà năm nay, những đại gia của V-League đang án binh bất động. Đó là chưa kể đang có những kế hoạch thanh lý cầu thủ rầm rộ ở các đội, cũng như sự thờ ơ của các nhà tài trợ, các ông bầu.

Chơi bùng nổ ở mùa giải vừa qua nhưng Huỳnh Kesley chưa thể yên tâm về tương lai của mình
Chơi bùng nổ ở mùa giải vừa qua nhưng Huỳnh Kesley chưa thể yên tâm về tương lai của mình

Ở Sài Gòn Xuân Thành, bầu Thụy đưa một loạt cầu thủ vào danh sách phải ra đi mùa này, nhưng ông bầu này chưa cần ngắm tới những người thay thế. Ở Navibank SG, thậm chí có một số nguồn tin còn cho rằng đội bóng này bán cả suất V-League. Những ông lớn như Bình Dương, HAGL, Đồng Tâm... đều đang thu mình chờ đợi. Trong bối cảnh nền kinh tế không có gì sáng sủa, việc những đội bóng này thờ ơ với chuyện mua sắm cho mùa giải mới gần như sẽ xảy ra.

Ngược ra phía Bắc, SLNA còn đang đau đầu trước thông tin nhà tài trợ xin rút lui. Hải Phòng còn đang rắc rối với chuyện mua suất V-League từ bầu Hiển. Ninh Bình thậm chí còn đang chưa thanh toán hết lương, thưởng mùa trước cho các cầu thủ. Phải đến tuần sau, đội bóng cố đô Hoa Lư mới họp để giải quyết dứt điểm những chuyện của mùa giải 2012, trước khi bàn tính kế hoạch cho mùa giải mới. Bi đát nhất có lẽ là đội bóng của bầu Kiên. Hiện tại, các cầu thủ Hà Nội chưa biết tương lai của mình sẽ đi đến đâu bởi vẫn chưa có bất cứ thông tin gì từ bầu Kiên. Trong trường hợp bầu Kiên bị bắt giữ trong thời gian dài, nguy cơ CLB giải thể là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu không bị giải thể, nguồn đầu tư vào đội bóng chắc chắn sẽ giảm sút.

"Lượng cầu" cầu thủ là các CLB đóng băng còn "nguồn cung" rất thừa thãi. Những cầu thủ có số má như Kesley hay Timothy trở thành cầu thủ tự do, đang “chào hàng” cật lực nhưng cũng chưa có ai chịu mua vì mức lương và tiền lót tay quá cao.

Bóng đá Việt Nam phát triển quá nhanh và giờ là lúc quả bong bóng bắt đầu vỡ. Rất nhiều doanh nghiệp cũng không còn đầu tư mạnh như trước đây và đang để ngỏ khả năng bỏ bóng đá. Thị trường chuyển nhượng phát triển hợp lý và cầu thủ trở về giá trị đích thực, là điều mà VFF đang hy vọng, nhưng nếu các doanh nghiệp đồng loạt bỏ bóng đá sẽ gây ra cú sốc với V-League.

Mới đây, bầu Hiển tuyên bố sẽ rút lui khỏi bóng đá. Chưa biết ông bầu này nói thật hay chỉ dọa, nhưng nếu bầu Hiển bỏ thật, ít nhất 2 đội bóng Hà Nội T&T và Đà Nẵng sẽ có nhiều biến động.

Trong một phát biểu mới đây trên báo chí, Phó chủ tịch VFF, kiêm Phó chủ tịch HĐQT VPF Lê Hùng Dũng thừa nhận: “Khả năng sang mùa giải tới, một số đội sẽ rút”.

Lý do lớn nhất, ông Dũng cho rằng chính là đầu tư cho bóng đá hiện nay quá tốn kém, nhưng hiệu quả đem lại thì chẳng được là mấy. Bình Dương bỏ cả trăm tỷ mua sắm cầu thủ, cuối cùng chẳng lọt được vào top 3. Bầu Thụy vung tiền không kém, cũng mất chức vô địch trong tức tưởi. Hàng loạt ông bầu khác cũng thừa nhận, đầu tư vào bóng đá chỉ có lỗ, không có lãi. Cùng lắm là “gỡ gạc” được chút tên tuổi, thương hiệu, nhưng giờ thì cũng chẳng ai quan tâm tới điều này.

Lời cảnh báo của ông Dũng, đang là một thực tế hiện lên ngày càng rõ. Rất nhiều đội bóng đang nợ lương cầu thủ, còn cầu thủ cũng chẳng biết tương lai của mình về đâu. Trong trường hợp xấu xảy ra, tức là có một hay vài đội bóng cùng nhau bỏ cuộc chơi, khả năng V-League bị hoãn ngày khởi tranh là điều có thể xảy ra.

Hơn chục năm lên chuyên, có lẽ những người làm quản lý bóng đá nước nhà chưa bao giờ nghĩ tới cảnh V-League bị tạm dừng, nên dĩ nhiên họ khó có thể đưa ra giải pháp nào để giải quyết ngay lúc này. Một cựu quan chức VFF thừa nhận, nếu có chuyện một vài đội bỏ cuộc, rất dễ sinh ra phản ứng dây chuyền, dẫn đến sự sụp đổ của cả một hệ thống.

Tương lai xám xịt đó lý giải cho một thị trường chuyển nhượng đang đóng băng hiện tại. Một viễn cảnh xấu đang chờ bóng đá Việt Nam ở phía trước, nhưng với nhiều người, họ lại không thấy buồn vì như thế bóng đá Việt Nam mới trở về giá trị thực, chứ không quá ảo như những năm qua.

(Theo Vnexpress)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X