HLV Phan Thanh Hùng cho biết sẽ không bỏ Hà Nội T&T, nếu vị trí HLV tuyển quốc gia không được kiêm nhiệm. Trao đổi trên sân Hàng Đẫy chiều 19/4, HLV Phan Thanh Hùng cho biết chắc chắn ông không lên tuyển nếu phải lựa chọn giữa Hà Nội T&T và đội tuyển quốc gia.
Ông Phan Thanh Hùng được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí HLV tuyển bóng đá quốc gia. Ông là một trong số 3 LV giỏi nghề của Việt Nam được VFF liên hệ. Có bề dày kinh nghiệm cả ở cấp CLB lẫn đội tuyển, ông đã nhiều năm phục vụ các đội tuyển quốc gia ở vai trò trợ lý chuyên môn cho các HLV ngoại như Calisto, Falko Goetz. Nhiều chuyên gia bóng đá trong nước và cả HLV Calisto đều đánh giá ông Hùng là người xứng đáng nhất cho vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.
Đã 16 năm nay, vị trí HLV đội tuyển quốc gia được giao cho các HLV ngoại. SEA Games - sân chơi quốc tế chính của bóng đá Việt Nam - ban đầu dành cho đội tuyển quốc gia, sau đó ưu tiên cho các đội U23 theo đúng tinh thần Olympic. VFF đã làm một con tính tiết kiệm: Giao toàn bộ hai đội tuyển quốc gia và U23 cho một HLV ngoại với một lương chung. Thậm chí trong tính toán của các nhà làm bóng đá, phương án tối ưu là tuyển một giám đốc kỹ thuật ngoại giỏi chăm lo toàn bộ phần xây dựng lực lượng các đội tuyển cho bóng đá Việt Nam. Đó là lý do lương trả cho HLV Calisto lại được tăng cao sau AFF Cup 2008.
HLV Phan Thanh Hùng của CLB Hà Nội T&T |
Những việc lùm xùm sau vụ sa thải HLV Falko Goetz đã khiến VFF quyết định bỏ mô hình phát triển lực lượng dựa vào chuyên gia ngoại, và quay về mời thầy nội. Nhưng lời từ chối của ông Phan Thanh Hùng chạm đến một thực tế: Ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia không phải là một vị trí hấp dẫn.
VFF đã đưa ra một mức lương có tính đột phá dành cho HLV nội (200 triệu đồng mỗi tháng), tháo gỡ nhiều rào cản, giảm áp lực thành tích. Dù mức lương mới gần 10.000 USD/tháng (bằng một nửa so với HLV ngoại) nhưng HLV nội chỉ phải đảm trách đội tuyển quốc gia. Vướng mắc mấu chốt nhất là chuyện kiêm nhiệm hay chuyên trách, bởi nó ảnh hưởng đến tương lai vị HLV.
VFF không chọn các HLV có tính thời vụ vào danh sách ứng cử viên. Ngược lại, cả 3 HLV được nhắm tới là Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức đều là những người đang rất vững vàng ở CLB của mình. Sông Lam Nghệ An, Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng không chỉ là các CLB mạnh mà còn có hệ thống đào tạo trẻ phát triển căn bản, trong đó Sông Lam Nghệ An là nôi đào tạo tài năng bóng đá lớn và có bề dày nhất Việt Nam.
Ở lại CLB, các HLV có công việc ổn định, hoạt động trong một bộ máy đã vận hành trơn tru với ê-kíp quen thuộc. Lên tuyển, HLV đứng trước tương lai bấp bênh. Các đội tuyển quốc gia và U23 đều là đội trụ cột, chịu áp lực lớn trong mỗi chiến dịch SEA Games và AFF Cup. Dù hứa hẹn không đặt áp lực thành tích nặng, nhưng khả năng VFF "đảo người" để phục vụ lợi ích chung là khá dễ dàng.
Ngoài vấn đề danh dự, các HLV nội còn có một câu hỏi lớn: Sau hai năm, rời đội tuyển trở về, liệu họ có cầm chắc lại cái cương đang ổn định ở CLB hiện tại ? VFF không thể trả lời được câu hỏi này. Về phía các CLB, "nhả" HLV lên tuyển, đội bóng bị vỡ hệ thống ổn định được gây dựng nhiều năm. Chưa ai quên tấm gương tày liếp: CLB Đồng Tâm Long An đã tan tác và phải xuống hạng Nhất sau khi nhường HLV Calisto cho đội tuyển quốc gia.
(Theo Vnexpress)