Thứ Hai, 16/09/2024Mới nhất

Thể thao Việt Nam và bài toán định hướng phát triển

13/8

Lần thứ ba không giành được huy chương và cũng là lần thứ hai liên tiếp 'trắng danh hiệu' ở đấu trường Olympic, đã đến lúc những người làm thể thao Việt Nam cần ngồi lại với nhau để mổ xẻ vấn đề và tìm hướng khắc phục.

Báo động đỏ sau sự sa sút

Với hai lần liên tiếp đứng trên đỉnh cao thể thao khu vực khi giành tới 205 huy chương vàng (HCV) tại SEA Games 31 và 136 HCV ở SEA Games 32, thể thao Việt Nam rõ ràng đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự vươn lên ở đấu trường thể thao cấp khu vực.

Đó được xem là một thành tích đáng để tự hào, trong bối cảnh đất nước mới chỉ bước vào thời kỳ đổi mới bắt đầu từ năm 1986. Sau gần 4 thập kỷ tiến hành các chính sách cải cách, mở cửa, bên cạnh sự đi lên về kinh tế, thể thao nước nhà cũng đã có những bước tiến... nhảy vọt.

doan The thao Viet Nam xuat quan tham du Olympic Paris 2024
Đoàn Thể thao Việt Nam không hoàn thành mục tiêu huy chương tại Olympic Paris 2024

Từ chỗ chỉ giành được 3 HCV, 11 HCB và 5 HCĐ trong lần đầu tham dự SEA Games vào năm 1989; xếp thứ 7 toàn đoàn kém quốc gia dẫn đầu là Indonesia tới 99 bộ HCV, thể thao Việt Nam đã tạo ra kì tích bằng sự chuyển mình mạnh mẽ qua từng kỳ đại hội. Và sau nhiều năm, lúc này đây chúng ta đã thống trị ở nhiều môn thể thao, đồng thời cũng có những nội dung tiệm cận trình độ ASIAD và Olympic.

Tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam với 205 HCV giành được thậm chí đã phá vỡ kỷ lục về số huy chương vàng ở 1 kỳ SEA Games (kỷ lục cũ là 194 tấm huy chương vàng của Indonesia tại kỳ SEA Games 19). Điều này cũng là minh chứng cho sự 'nhảy vọt' của thể thao nước nhà. Tuy nhiên nó cũng vô tình tạo sự tương phản rất lớn khi thể thao Việt Nam không có được thành công khi ra đấu trường lớn Olympic.

Không giành nổi huy chương Olypic 2024 tại Pháp và trước đó là ở Tokyo năm 2021, thể thao Việt Nam rõ ràng đã cho thấy khoảng cách trình độ so với thế giới. Thật khó để chấp nhận khi các quốc gia khu vực xếp sau chúng ta ở SEA Games vẫn giành được những tấm HCV, bạc, đồng. Nhưng nếu nhìn kĩ lại thì đây không phải điều quá bất ngờ khi mà chúng ta đang thiếu những môn thể thao thế mạnh, có thể tự tin so tài với thế giới.

Có một nghịch lý là mặc dù thể thao Việt Nam đang sở hữu nhiều môn thể thao thế mạnh tại Đông Nam Á, nhưng so với mặt bằng châu lục và thế giới thì các VĐV của chúng ta lại đang bị lép vế. Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á lại khá tập trung đầu tư vào những nội dung được xem là 'mỏ vàng' của họ và thành công với hướng đi này.

Không khó nhận ra là các nội dung thi đấu truyền thống, phù hợp với sức vóc, sự nhanh nhẹn của người ĐNÁ luôn mang về những tấm huy chương cho thể thao khu vực. Với Thái Lan đó là cử tạ, boxing và taekwondo ở các hạng cân nhỏ. Indonesia có hai môn thi đấu mũi nhọn tại Olympic là cử tạ và cầu lông. Malaysia có thể mạnh ở cầu lông còn Philippines lại thường xuyên có giải ở các nội dung thi đấu boxing.

Trong khi thể thao Việt Nam lại không có một bộ môn thi đấu nào thực sự được xem là thế mạnh để mang ra 'thi thố' với thế giới. Và đó cũng là nguyên nhân chính khiến cho chúng ta thường tỏ ra lép vế về thành tích thi đấu, trước những người 'hàng xóm' trong khu vực ở mỗi lần được bước ra thế giới.

Thể thao Việt Nam và bài toán định hướng phát triển 1
Các nội dung đã có huy chương của thể thao Đông Nam Á tại các kỳ Olympic. (Nguồn: Football Facts)

 

Nan giải bài toán định hướng thể thao nước nhà

Cho tới thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam mới chỉ giành được 5 tấm huy chương trong lịch sử tham dự đấu trường Olympic, kể từ lần đầu tham dự vào năm 1980. Ba môn thể thao giúp đoàn thể thao Việt Nam có được điều đó là bắn súng, cử tạ và taekwondo.

Song đáng tiếc là vào lúc này, ở những môn thể thao được xem là mũi nhọn đó của Việt Nam thì chúng ta đều không có những VĐV thực sự xuất sắc, có đủ khả năng để giật giải khi ra đấu trường tầm Olympic.

Sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh bước qua thời kì đỉnh cao với tấm HCV 10m súng ngắn tại Olympic Rio 2016, bắn súng Việt Nam vẫn chưa sản sinh ra một nam xạ thủ đủ sức tranh tài ở đấu trường Olympic. Đối với nữ, chúng ta hiện có Trịnh Thu Vinh, nhưng rõ ràng cô vẫn cần trau dồi thêm thực lực, bản lĩnh để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ.

Thể thao Việt Nam và bài toán định hướng phát triển 2
Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh cần được đầu tư trọng điểm cho mục tiêu vàng Olympic

Tương tự ở môn cử tạ, HCB của Hoàng Anh Tuấn (năm 2008), rồi HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn (2012) đã khẳng định hạng cân nhỏ nhất trong cuộc thi đấu ở Olympic (56kg). Nhưng cho đến nay, với việc hạng cân này bị xóa bỏ ở Olympic (thay thế bằng hạng 61kg) thì cử tạ nước nhà cũng không xuất hiện những đô cử đủ năng lực cạnh tranh huy chương.

Tệ hơn, với Taekwondo - môn thi đấu mang về tấm huy chương đầu tiên cho Thể thao Việt Nam ở Olympic giờ đây lại sa sút trầm trọng. Từ vị thế của môn võ được kỳ vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam, taekwondo Việt Nam đã có sự giật lùi về thành tích theo thời gian.

Để rồi thật đau lòng khi Olympic Paris đã trở thành kỳ thế vận hội thứ hai vắng bóng các võ sĩ taekwondo đến từ Việt Nam, sau kỳ thế vận hội tại Rio năm 2016.

Và nguyên nhân đằng sau chuyện này hẳn là không thể không có sự liên quan của những nhà quản lý. Trong một cuộc chia sẻ gần đây với báo Tuổi Trẻ, ông Trương Ngọc Để - chủ tịch Liên đoàn taekwondo Việt Nam (VTF) than thở:

"Taekwondo Việt Nam tiếp tục vắng mặt ở Olympic là một nỗi buồn. Đau ở chỗ không phải do chúng ta kém mà do nhận định sai từ ban đầu của những người có trách nhiệm.

Cái sai đầu tiên là chuyển nhóm môn, đưa taekwondo ra khỏi nhóm 1 đầu tư trọng điểm sau Olympic London 2012. Cái sai thứ hai là đưa taekwondo ra Hà Nội tập trung. Họ phải hiểu, thế mạnh của taekwondo là ở TP.HCM. Nên ngay thời điểm đó đã là bước thụt lùi rồi".

Thể thao Việt Nam và bài toán định hướng phát triển 3
Taekwondo Việt Nam sa sút một phần vì sai lầm trong cách định hướng phát triển.

Trong quá khứ, TP.HCM từng được xem là "cái nôi" của taekwondo cả nước khi có nhiều VĐV đem về huy chương châu Á và Olympic cho thể thao Việt Nam. Tại Asiad 1994, võ sĩ Trần Quang Hạ lần đầu tiên đem về HCV. Bốn năm sau, đến lượt Hồ Nhất Thống giành HCV ở Asiad 1998. Và tới năm 2000, nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân đã tạo nên lịch sử với tấm HCB ở Olympic Sydney.

Song đáng tiếc do thiếu định hướng phát triển cùng những chính sách sai lầm của nhà quản lý, taekwondo Việt Nam cũng vì vậy đã không còn tạo ra được những thành công vang dội như trước.

Sự đi xuống của bộ môn taekwondo chỉ là một ví dụ nhỏ trong bức tranh tổng thể của thể thao Việt Nam hiện tại. Có thể nói ở nhiều bộ môn, chúng ta cũng đang chưa thực sự có những sự đầu tư đúng mức hay có hướng đi phù hợp với thế giới. Và khi bài toán định hướng thể thao nước nhà vẫn còn khá nan giải thì không bất ngờ khi thành tích của chúng ta ở sân chơi thế giới vẫn rất khiêm tốn.

 

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền

Chứng kiến thành tích 'nghèo nàn' của Việt Nam tại đấu trường Olympic, tờ New.QQ của Trung Quốc đã không ngại nhận xét: "Thể thao Việt Nam vừa trải qua kỳ Thế vận hội thứ 2 liên tiếp không giành huy chương.

Philippines, Thái Lan, Indonesia ở những môn thể thao trọng điểm đều có HCV. Chỉ có Việt Nam, đoàn vốn được coi là cường quốc ở Đông Nam Á lại thất bại. Mục đích chính của hầu hết các VĐV của Việt Nam lần này khi dự Olympic dường như chỉ để tích lũy kinh nghiệm. Kết quả ở Olympic 2024 rõ ràng đã phơi bày thực tế đau lòng của TTVN".

Rõ ràng tờ báo Trung cũng đã nhận ra bất cập của TTVN đó là thiếu các môn thể thao trọng điểm, có thế mạnh. Và sự trắng tay ở kỳ Olympic thứ hai liên tiếp sau Tokyo 2020 một lần nữa đã cho thấy Việt Nam đang gặp khó trong việc phát triển các môn thể thao mũi nhọn như các quốc gia khu vực.

Đào tạo nguồn lực vận động viên không khó, nhưng để tạo ra một VĐV giỏi, có đẳng cấp thế giới thì đây chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều yếu tố liên quan, từ tố chất, bản lĩnh, sự nỗ lực của từng cá nhân VĐV cho tới sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ban ngành liên quan, mà ở đây chính là khả năng đầu tư phát triển thể thao.

Thế nhưng khi mà chúng ta vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn trong nhiệm vụ này, thì thật khó để thể thao Việt Nam có thể tạo ra sự thay đổi trong ngắn hạn. Đây cũng là điều mà Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt từng trăn trở trước báo giới:

Thể thao Việt Nam và bài toán định hướng phát triển 4
Trưởng đoàn Đặng Hà Việt

"Thể thao Việt Nam còn nhiều hạn chế, như hệ thống thi đấu trong nước thiếu các giải đỉnh cao; các môn thể thao trọng điểm chưa có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học và phong trào tập luyện chưa phát triển rộng khắp; hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu; thiếu lực lượng HLV trình độ cao, được đào tạo bài bản, đủ khả năng huấn luyện các VĐV tầm cỡ khu vực.

Chưa kể đến việc khó thuê chuyên gia đẳng cấp thế giới do hạn chế về tiền lương; thiếu các loại thực phẩm chức năng chuyên sâu đảm bảo dinh dưỡng cho VĐV; chế độ đãi ngộ còn thiếu so với các nước trong khu vực và thế giới; thiếu nguồn lực để ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến".

Chia sẻ của lãnh đạo ngành cũng là minh chứng cho thấy ở trong bối cảnh hiện tại, thật khó để chúng ta có thể mơ tưởng đến kỳ tích Olympic xuất hiện thêm một lần nữa sau Rio 2016. Thay đổi đòi hỏi thời gian. Và ngay lúc này, những người làm thể thao Việt Nam sẽ cần phải ngồi lại với nhau để mổ xẻ vấn đề, đồng thời tìm phương hướng khắc phục. Chỉ có sự thay đổi tư duy trong thể thao thì chúng ta mới có thể mơ tới thành công trong tương lai.

Cùng chuyên mục

top-arrow
X