5 năm sau ngày làm nên chiến tích lịch sử vô địch AFF Cup 2008, thế hệ những cầu thủ “vàng” của bóng đá Việt Nam đối diện với nhiều ngã rẽ khác nhau. Trong số ấy, có không ít người đang vất vả tìm đội bóng để khoác áo.
Việc Quang Thanh, Vũ Phong bị B.Bình Dương gạt khỏi danh sách tham dự V-League 2014 được đánh giá là rất bất ngờ, bởi các cầu thủ này vẫn còn khá sung sức, cũng như tràn đầy kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Vũ Phong năm nay mới 28 tuổi, lứa tuổi được đánh giá là đẹp nhất của đời cầu thủ, dù vậy, hiện tại thì Vũ Phong đang… thất nghiệp. Có tin cầu thủ gốc Vĩnh Long được SHB Đà Nẵng chú ý, nhưng đấy là chuyện của tương lai, còn hiện tại thì Vũ Phong vẫn chưa có đội nhận.
Mà tình cảnh phải… ra đường không phải là tình cảnh của riêng Vũ Phong hay Quang Thanh, nó còn xảy ra với hàng loạt cầu thủ khác, từng vô địch AFF Cup 2008. Xét về mặt tài năng, đấy có thể xem là thế hệ giỏi nhất của bóng đá Việt Nam hơn chục năm nay, từ sau thế hệ của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Đỗ Khải, Công Minh, Hữu Đang… Dù vậy, cơn bão tài chính quét qua bóng đá nội thì không chừa một ai, khiến những chính những cầu thủ tài năng ấy vẫn phải vất vả đi tìm bến đỗ.
Việt Cường mới 28 tuổi nhưng đã ở xa lắc thời đỉnh cao
Ở độ tuổi trên dưới 30, chưa thể nói những Phước Tứ, Như Thành là già, nhất là khi họ đá ở vị trí trung vệ, vốn có tuổi nghề dài hơn các vị trí khác trên hàng tấn công. Tuy nhiên, điểm chung của cặp trung vệ thép ngày nào là cùng thất nghiệp. Phước Tứ sau ngày XM Xuân Thành Sài Gòn giải thể vẫn chưa chính thức thi đấu cho ai, dù trước đó có tin anh sẽ đầu quân cho đội bóng quê hương Quảng Nam, vốn là tân binh của V-League.
Như Thành còn tệ hơn, cựu danh thủ của B.Bình Dương, V.Ninh Bình và V.Hải Phòng hiện chưa biết về đâu. Về mặt chuyên môn, Như Thành có thể vẫn đá tốt, nhưng điều người ta ngại nhất nơi cầu thủ này chính là sự thiếu chuyên nghiệp trong sinh hoạt bên ngoài sân bóng.
Trẻ hơn 2 người trên, Việt Cường dù mới 28 tuổi nhưng cũng đã trở thành hàng dạt của bóng đá nội. Và cũng giống như Như Thành, Việt Cường ít được săn đón bởi người ta cũng sợ điều tiếng trong cách sống ngoài sân cỏ của cầu thủ gốc Đồng Tháp.
Thấy rõ là 5 năm sau ngày đưa bóng đá Việt Nam lên đỉnh cao nhất Đông Nam Á, giá trị của hàng loạt cầu thủ trong thế hệ vô địch AFF Cup 2008 đã đi xuống. Ngoài chuyện khó khăn về kinh tế của các đội bóng như đã nêu ở trên, một nguyên nhân khác không thể không tính đến đấy là nhiều cầu thủ thuộc “thế hệ vàng” ngày nào thỏa mãn quá nhanh.
Sau ánh hào quang, nhiều người trong số này say với những bản hợp đồng tiền tỷ, quay cuồng với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, khiến cho thể lực và phong độ sút giảm nghiêm trọng. Chính điều đó khiến cho tuổi nghề của những Việt Cường, Như Thành giảm đáng kể, dù họ đã từng là cầu thủ giỏi hàng đầu ở các vị trí mà họ đảm nhiệm mới vài năm trước, và dù chưa thể gọi họ là già.
Trong số những cầu thủ từng vô địch AFF Cup 2008, không có nhiều người vẫn còn chơi hay đến tận thời điểm hiện tại như Công Vinh (đang đá bóng tại Nhật) hay Minh Phương (SHB Đà Nẵng), và cũng không còn nhiều người vẫn còn được săn đón, được khoác áo các đội bóng lớn như họ.
Đấy là sự bền bỉ không phải tự nhiên mà có, Công Vinh hay Minh Phương trước giờ vẫn nổi tiếng là các cầu thủ chăm chỉ trên sân tập, nghiêm túc với nghề của mình và có ý chí cầu tiến. Số khác, dù chưa đến mức thất nghiệp, nhưng có lẽ khó có thể quay trở lại giai đoạn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp như Quang Hải (V.Hải Phòng), Việt Thắng (ĐT Long An), Tấn Trường (B.Bình Dương)…
Hơi tiếc cho họ khi tài năng như họ nhưng vẫn không thể thoát khỏi vòng xoáy khó khăn kinh tế đang bủa vây các đội bóng. Nhưng ngoài yếu tố khách quan, cũng không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan rằng chuyện một số người trong “thế hệ vàng” khó kiếm việc còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, từ chính tác phong của mỗi người. Và càng tiếc hơn khi nhận ra rằng sở dĩ tuổi nghề của họ, khả năng duy trì phong độ đỉnh cao của họ không thể kéo dài cũng vì chính bản thân các cầu thủ thỏa mãn quá sớm.
(Theo Dân Trí)