HLV người nước ngoài cho ĐT Việt Nam là phương án đã được lãnh đạo VFF khóa VII thông qua ngay tại Đại hội BCH diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, bởi sau 2 năm liên tiếp bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG thất bại với các ông thầy nội, việc trở lại sử dụng HLV ngoại đã trở thành lựa chọn bắt buộc.
Tuy nhiên, khác với thông lệ của các đời HLV ngoại trước, khi những ông thầy nước ngoài đều có quốc tịch châu Âu hoặc Nam Mỹ, lần này ĐT Việt Nam rất có thể sẽ được đặt dưới sự dẫn dắt của một HLV châu Á, chính xác hơn là HLV người Nhật Bản.Bóng đá Nhật Bản xứng đáng để bóng đá Việt Nam học hỏi
Tại sao là thầy Nhật?
Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội BCH, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã khẳng định: “Trong tình hình bóng đá chúng ta còn nhiều khiếm khuyết như hiện nay, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc việc chuyển từ thuê chuyên gia đơn lẻ, mùa vụ thành định hướng hợp tác, nhận hỗ trợ toàn diện, chiến lược của một nền bóng đá tiên tiến, hàng đầu châu lục trong một giai đoạn từ 5 đến 10 năm tới nhằm thực hiện giai đoạn đầu của Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020.
Nếu Đại hội đồng ý và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo đi theo định hướng này, chúng tôi đề xuất chọn Nhật Bản làm đối tác vì Nhật Bản hiện là nền bóng đá tiên tiến nhất trong khu vực”.
Ông Dũng cũng nói thêm: “Hiện nay đã có hợp tác giữa VPF và Công ty bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản, và VPF đã có một trưởng giải người Nhật, VFF đề nghị LĐBĐ Nhật Bản giới thiệu một HLV có chất lượng người Nhật làm HLV trưởng ĐTQG để chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup cuối năm nay”.
Với khẳng định như vậy của người đứng đầu VFF, có thể tin rằng gần như chắc chắn HLV trưởng mới của ĐT Việt Nam sẽ là một ông thầy tới từ Nhật Bản chứ chẳng phải các HLV có quốc tịch châu Âu hay Nam Mỹ như trước đây.
Trong chuyến sang thăm và làm việc với LĐBĐ Nhật Bản (JFA) của Phó Chủ tịch chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn và Tổng thư ký Lê Hoài Anh vào đầu tháng 4 vừa qua, lãnh đạo VFF đã được JFA giới thiệu hồ sơ của 3 HLV Nhật Bản. Đây là những nhà cầm quân đều đã chứng minh được năng lực trong quá trình làm việc tại J-League, và họ cũng sẵn sàng chấp nhận thử thách cùng ĐT Việt Nam.
Chỉ có một vấn đề là trong số 3 HLV Nhật Bản được giới thiệu này không có ai từng làm việc ở ĐTQG mà họ chỉ dẫn dắt các CLB ở giải VĐQG hoặc giải hạng Nhất Nhật Bản, nên cũng có ý kiến lo ngại rằng hạn chế về kinh nghiệm huấn luyện ĐTQG sẽ là điểm trừ của các ông thầy tới từ Nhật Bản.
HLV Nhật Bản cho ĐT Việt Nam chỉ là sự khởi đầu?
Tuy nhiên, dường như đây không phải là vấn đề khiến VFF phải suy nghĩ quá nhiều, bởi như đã nói ở trên, việc mời HLV Nhật Bản dẫn dắt ĐT Việt Nam không đơn thuần chỉ là mời về một HLV nước ngoài, mà đây còn là nội dung của chương trình hợp tác mang tính chiến lược giữa VFF với JFA. Vì thế, nếu bổ nhiệm HLV người Nhật Bản cho ĐT Việt Nam, có thể VFF sẽ nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ từ JFA.
Nói một cách khác, chuyện thuê HLV trưởng và bổ nhiệm trưởng giải người Nhật Bản cho ĐT Việt Nam và V-League được xem là một phần trong gói hỗ trợ mà VFF mong muốn nhận được từ JFA, và nhiều khả năng đây sẽ chỉ là sự khởi đầu cho một quá trình hợp tác rộng lớn và lâu dài.
Cũng cần phải nói rằng ĐT Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều nhà tài trợ là các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, và đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác thương quyền của các ĐTQG Việt Nam cũng là một doanh nghiệp Nhật Bản. Vì thế, có thể nhận định việc ĐT Việt Nam sắp sửa chào đón HLV trưởng người Nhật Bản đơn giản chỉ là điều phải đến đã đến mà thôi.
Hẳn rất nhiều người đều biết hồi đầu mùa bóng năm nay CLB Consadole Sapporo đã chào mời Công Vinh nhiệt tình như thế nào để hy vọng cầu thủ này sẽ tiếp tục khoác áo Sapporo thi đấu ở J-League 2, cho dù Công Vinh không phải là trụ cột không thể thay thế của Sapporo trong 5 tháng tiền đạo này khoác áo đội bóng Nhật Bản thi đấu ở J-League 2 tại mùa giải 2013.
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, nguyên nhân của sự nhiệt tình này không hoàn toàn xuất phát từ lý do chuyên môn, bởi với chỉ 5 tháng khoác áo Consadole Sapporo, Công Vinh đã giúp CLB này giành được rất nhiều hợp đồng béo bở, mà phần lớn đều là các doanh nghiệp có tham gia hoạt động ở Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp thuộc “hàng khủng”.
Vì thế, có thể tưởng tượng được ĐT Việt Nam sẽ trở thành cái tên hấp dẫn như thế nào với các doanh nghiệp Nhật Bản nếu như đội bóng chúng ta được đặt dưới sự dẫn dắt của một HLV đến từ xứ sở mặt trời mọc, và đây là cơ hội không thể tốt hơn để các doanh nghiệp Nhật Bản quảng bá thương hiệu của mình thông qua cầu nối bóng đá.
Đến đây hẳn chúng ta cũng sẽ không khó để hiểu được rằng việc VFF ký hợp đồng với HLV người Nhật Bản cũng tương tự việc CLB Consadole Sapporo tha thiết mời chào Công Vinh, bởi mức độ của những sự hợp tác này không chỉ giới hạn trong phạm vi bóng đá đơn thuần, và nó lại đem lại lợi ích to lớn cho những bên liên quan.
Cơ hội mong manh cho các ông thầy không phải Nhật Bản
Trong khi đó, chúng ta cũng biết các HLV danh tiếng ở châu Âu hoặc Nam Mỹ nếu chấp nhận tới Việt Nam làm việc thì hoặc là năng lực cầm quân chưa được kiểm nghiệm (kiểu như cựu tuyển thủ Pháp Marcel Desailly) hoặc là không phải những ông thầy thực sự xuất sắc, và nếu có ứng viên nào hội đủ cả 2 điều kiện nói trên thì lại nảy sinh vấn đề là VFF không đủ tiền để trả lương cho họ.
Còn phương án HLV K.Rajagopal của Malaysia có lẽ chỉ là phương án để nói cho vui, bởi sở dĩ HLV Rajagopal đạt được thành công như ở SEA Games 2009 và AFF Cup 2012 là bởi ông này từng làm việc với lứa cầu thủ Malaysia đã giúp ông mang về 2 chức vô địch khu vực từ khi họ còn là những tuyển thủ trẻ, và khi năng lực của số cầu thủ này chạm trần thì cũng là lúc “phù thủy” Rajagopal hết phép và bị LĐBĐ Malaysia từ chối gia hạn hợp đồng.
Hơn nữa, đứng ở góc độ tự tôn nghề nghiệp, hẳn không ai mong muốn ĐT Việt Nam phải nhờ tới sự giúp sức của một HLV tới từ Malaysia, nền bóng đá chưa phải là số một Đông Nam Á và nếu so với bóng đá Việt Nam thì cũng chỉ là một chín một mười. Sau tất cả những lý do đã nêu ở trên, thật khó tin rằng HLV trưởng sắp tới của ĐT Việt Nam lại không phải là một ông thầy có quốc tịch Nhật Bản.
Theo Thể Thao Văn Hoá