Bàn thắng thứ nhất của Thanh Tùng là pha lập công trong cuộc đối đầu với U19 Nhật Bản. Nó đến trong hoàn cảnh U19 Việt Nam vừa thua đậm U19 Hàn Quốc 0-6, còn Thanh Tùng thì lâu lắm rồi mới lại có tên trong đội hình xuất phát của U19 Việt Nam vì chấn thương.
Màn thể hiện ấn tượng của cầu thủ gốc Thanh Hóa trong trận đấu với U19 Nhật Bản khiến HLV Graechen không ngần ngại tiếp tục điền tên anh vào đội hình chính đá với U19 Trung Quốc. Không phụ công chờ đợi, Thanh Tùng tiếp tục “nổ súng” và suýt khiến U19 Trung Quốc chia tay Vòng chung kết U19 châu Á.
Đó chắc chắn là 2 trong số khá ít những dấu ấn nổi bật mà U19 Việt Nam đã để lại ở giải đấu. Thế nhưng, với cá nhân Thanh Tùng, đây là giải đấu thành công lớn. Vì thật khó đòi hỏi nhiều hơn thế ở một cầu thủ mất gần một năm qua vật lộn với chấn thương.
Cái tên Thanh Tùng không phải bây giờ mới được nhắc đến. Hai năm trước, trong chuyến tập huấn của Học viện HAGL Arsenal JMG tại châu Âu, Thanh Tùng chính là cầu thủ đã ghi bàn duy nhất ấn định chiến thắng 1-0 trước U17 Arsenal. Điều đáng nói, tiền vệ sinh năm 1996 này là cầu thủ thuộc khóa thứ 2 chứ không phải khóa 1 như Công Phượng hay Xuân Trường.
Ở giải U19 ĐNA diễn ra tại Mỹ Đình hồi tháng 9, tuy chỉ xuất hiện trên sân trong một vài thời điểm từ ghế dự bị nhưng Thanh Tùng vẫn nhận được những lời khen ngợi từ HLV Graechen: “Cậu ta rất nhanh và khéo léo. Với Thanh Tùng, tôi đang có trong tay 2 Công Phượng”.
Sinh ra ở vùng đất nghèo xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Thanh Tùng khi mới lên 2 tuổi đã theo bố mẹ chuyển xuống khu tập thể nhà hát nhân dân thành phố Thanh Hóa để sinh sống. Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào mấy đồng lương ít ỏi của bố Hoàng Văn Tuấn là diễn viên nhà hát chèo Thanh Hóa và mẹ Lê Thị Hoa, một người làm công may vá cho các cửa hiệu.
Đam mê bóng đá từ nhỏ và sớm phát lộ tài năng nhưng con đường để theo đuổi nghiệp quần đùi áo số của Thanh Tùng cũng khá gian truân. Nếu Công Phượng từng bị lò SLNA từ chối thì Thanh Tùng cũng từng phải nếm trải cảm giác đó khi bị CLB Thanh Hóa trả về lúc mới 13 tuổi. Lý do cả Công Phượng và Thanh Tùng bị loại dạo ấy cũng rất giống nhau: thể hình quá nhỏ so với chúng bạn.
Đấy đều là những cú sốc đầu đời với cả Công Phượng lẫn Thanh Tùng. Tiền vệ gốc Thanh Hóa từng chia sẻ anh đi đá bóng từ cấp trường, cấp phường rồi cấp thành phố (đoạt danh hiệu Vua phá lưới với 13 bàn thắng) và cấp toàn quốc (tham dự giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng Yamaha)… thế mà lại bị CLB Thanh Hóa loại nên dạo đó rất mặc cảm, ngại tiếp xúc với bạn bè và láng giềng xung quanh.
Nhưng cũng giống như Công Phượng, cậu bé 13 tuổi Thanh Tùng có thể non nớt về cuộc sống song không thiếu nghị lực để tiếp tục dấn thân theo niềm đam mê sân cỏ. Không nản chí, Thanh Tùng lại lao vào luyện tập và chờ đợi cơ hội.
Thế rồi nó cũng đến như một cách đền đáp của số phận dành cho những nỗ lực của cậu bé có biệt danh Tùng “cóc”. Năm 2009, khi Học viện HAGL Arsenal JMG tuyển sinh lứa cầu thủ khóa 2 tại Thanh Hóa, Thanh Tùng là một trong số 4 người lọt vào vòng chung kết trên tổng số 700 thí sinh so tài.
Cơ hội đến và Thanh Tùng cũng cho thấy anh nắm bắt nó rất nhanh. Từ một học viên khóa 2, chỉ mất vài năm ăn tập, tiền vệ gốc Thanh Hóa đã kịp có tên trong chuyến tập huấn châu Âu của lứa cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG, tương ứng là một vị trí chính thức trong màu áo tuyển U19 Việt Nam.
Đà tiến bộ của Thanh Tùng chỉ bị ngắt quãng vì chấn thương ở giải giao hữu Nutifood diễn ra tại TP.HCM hồi đầu năm. Nhưng màn thể hiện của anh tại Vòng chung kết U19 châu Á là dấu hiệu cho thấy Thanh Tùng đang trở lại đầy mạnh mẽ.
Thế nên, khi Công Phượng đã nói lời chia tay U19 Việt Nam vì quá tuổi, HLV Graechen và người hâm mộ sẽ vẫn còn hy vọng được thấy một Công Phượng nữa từ những bước chạy của chàng tiền vệ sinh năm 1996 này.
Theo Zing