Ở phố núi, chẳng ai gọi ông bằng cái tên cúng cơm Đoàn Nguyên Đức, vì cái tên Ba Đức đã trở nên gần gũi với mọi người. Từ 2001 đến nay, cái tên Ba Đức càng nổi hơn sau những sự kiện và cả sự cố.
Ông Tổng Giám đốc doanh nghiệp kiêm luôn vị trí Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá năm trước còn nổi đình nổi đám với vụ “lì xì” trọng tài và bị “mời lên, mời xuống” thì nay lại tính đến chuyện trồng người và “xuất khẩu” cầu thủ Việt Nam sang chơi ở các lò châu Âu cỡ Arsenal…
Tôi ngồi với ông và ra điều kiện không giấu giếm điều gì kể cả những vấn đề tế nhị nhất.
Tôi không giận bóng đá, nhưng giận con người làm bóng đá
· Đã bao giờ ông chán và muốn bỏ bóng đá, hay muốn dẹp đội bóng thực thụ?
- Giận thì nói thế chứ bỏ sao được. Nó là máu thịt của mình rồi. Tôi không giận bóng đá, nhưng giận con người làm bóng đá. Nhiều lúc nó chính là lực cản rất lớn cho bóng đá Việt Nam phát triển.
Một người luôn theo sát các cầu thủ |
· Ý ông muốn nói vụ mời ông làm Trưởng đoàn rồi rút lại?
- Không, tôi chẳng bao giờ để ý những vụ nhỏ nhặt ấy đâu. Ba Đức có làm Trưởng đoàn hay không thì cũng vẫn là Ba Đức. Nói thật, chưa hẳn tôi đã nhận lời bởi còn tùy thuộc cái cách mời và thiện chí của người mời. Hồi tôi chưa đến với bóng đá, có những lúc tôi thích và sướng thì cho, thì thưởng chứ có bao giờ nghĩ cho để làm gì và đòi lại cái gì đâu. Nhưng thôi, chuyện cũ qua rồi.
· Còn một chuyện cũ mà chẳng bao giờ cũ. Chuyện lì xì khiến Ba Đức mệt mỏi khi giải trình với C14?
- Có gì mà mệt. Cứ có sao thì mình khai vậy. Cái gì cho nói cho, cái gì lì xì nói lì xì. Mà đâu phải chỉ có trọng tài. Cái anh gác cửa sân bóng cũng có mà. Mình làm ăn được thì anh em mỗi người một tí gọi là tình nghĩa…
· Có bao giờ ông mang cái “tình” ấy để được cái gì trong bóng đá. Chẳng hạn để lấy cảm tình hay để mọi cái dễ dàng hơn?
- Dùng tình để thu phục và cảm hóa lòng người thì tôi là số 1, nhưng bẻ cái tình sang ý đồ để phục vụ cho ý đồ xấu thì làm sao qua mặt được thiên hạ. Dân bóng đá tinh và truyền miệng nhau nhanh lắm. Cái này tôi nói không có thể anh không tin. Thôi thì cứ để dân bóng đá nhận xét về Ba Đức.
Bóng đá việt nam sau này sẽ nhớ đến Ba Đức
· Đến giờ dân Đà Nẵng vẫn kể nhau giai thoại tỷ phú Đoàn Nguyên Đức đi “đấu giá” đất ở Đà Nẵng giá trị trên 20 tỷ đồng mà lại ngồi xe ôm và ăn mặc bụi bặm khiến bị nghi ngờ?
- Cái đó thì đúng. Hôm ấy tôi vội quá, trễ máy bay mà đón taxi hoặc đi xe đưa đón thì không kịp, thế là leo xe ôm cho tiện. Hôm ấy, ông Chủ tịch tỉnh Gia Lai còn phải nhận cuộc điện thoại từ Đà Nẵng lên hỏi ở Pleiku có tay nào là Đoàn Nguyên Đức và khả năng tài chính thế nào.
Tạo nên một cú sốc đối với cả Việt Nam bằng việc hợp tác với Arsenal |
· Giờ thì ông làm bóng đá cũng với kiểu ấy. Đi Anh rồi chơi với Arsenal và làm cái chuyện tày trời?
Tại sao tôi hợp tác với Arsenal? Tôi ngồi nói chuyện với ông Wenger và bị thuyết phục bởi công nghệ đào tạo của |
- Nói thật nhé! Không có gì là tày trời cả đâu. Đơn giản chỉ là chuyện làm ăn thôi. Mà cái dự án làm với Arsenal thì thấm vào đâu so với các dự án vài chục triệu đô.
· Nhiều người nói ông bị Arsenal dụ?
- (Cười lớn) Làm ăn thì chẳng ai dụ ai cả. Chỉ có điều tôi thấy khả thi và có lợi về nhiều mặt nên quyết định luôn.
· Lợi?
- Lợi chứ! Siêu lợi nhuận là khác.
· 7 năm, mỗi bên 2 triệu USD và sau đó thì bán cầu thủ lấy lời chia đôi. Ông tính bằng phép tính nào?
- Một cầu thủ trưởng thành từ học viện của Arsenal giá bán thấp nhất là 5.000 USD và cao nhất là 10 triệu USD. Bình quân cứ 2 triệu USD/cầu thủ khi ra trường và đầu ra là các CLB châu Âu, mà Arsenal đã có mối lái cho việc đào tạo và chuyển nhượng khép kín. Nhắm mắt cũng thấy lời. Siêu lời nữa là khác.
· Và ông thú với con tính ấy?
- Không! Tôi thú nhất vẫn là các cầu thủ ấy là người Việt Nam và đương nhiên, họ sẽ chơi cho đội tuyển quốc gia với cái tầm không còn là tầm ở Đông Nam Á nữa. Hay sau này khi mở tivi xem Premier League mà thấy có cầu thủ Việt Nam của mình thi đấu ai mà chẳng thích, chẳng hạnh phúc.
· Và ông sẽ được cả hai, vừa có tiền vừa có tiếng?
- Tôi cần tiếng để làm gì nữa. Có điều, tôi nghĩ sau này bóng đá Việt Nam sẽ nhớ đến Ba Đức này…
· Một “gã thợ rừng” làm bóng đá và đi trước nhiều cái đầu được xem là chuyên gia bóng đá?
- Thực sự có nhiều cái tôi vẫn còn đang học. Tuy nhiên, tôi biết cái nào thì nên học và cái nào là điều tối kỵ. Thậm chí, tôi biết tại sao nhiều người đi học bóng đá chuyên nghiệp nhưng vẫn điều hành theo kiểu nghiệp dư.
Có những cái tiền không mua được
· Từ ngày ký kết với Arsenal làm Học viện đến giờ, đội bóng HAGL tuột dốc quá. Ông lo chăm đứa nhỏ mà bỏ bê đứa lớn?
- Lo đứa nhỏ là lo cho chính tương lai của đứa lớn. Sau khi HAGL 2 lần lên ngôi vô địch, tôi bắt đầu nghĩ xa hơn là phải kiếm nguồn, kiếm đầu vào trong điều kiện bóng đá Việt Nam đang cạn nguồn.
Hoàng Anh Gia Lai là CLB có cơ sở vật chất tốt nhất Việt Nam hiện nay |
· Ông vừa cho phá 3-5 hecta rừng cao su đang ăn nên làm ra với doanh thu hàng năm vài chục tỷ đồng để làm cái Học viện?
Thương gia không…đại học Bước ngoặt quyết định cho bầu Đức trở thành thương gia khi ông mới 22 tuổi, vào lần thi đại học thứ 4 ở Đà Nẵng sau… 3 lần thi trượt. Đau ở chỗ ông làm bài trơn tru, nhưng thương người mới cho quay cóp nên bị giám thị đánh dấu bài. Bực và giận, cậu học sinh Đoàn Nguyên Đức chụp ngay ông bạn bất cẩn đánh giữa lớp rồi bỏ trường thi chấp nhận đi buôn bán chứ không mơ màng gì chuyện học hành nữa. |
- “Phá rừng” để “trồng người” thì dại gì không phá. Mà việc “trồng người” này thì đâu có lâu gì cho cam. Chỉ có 7 năm là lại gặt một vụ mùa. Nhanh lắm, quay đi quay lại đến liền à! Hoàng Anh Gia Lai làm bóng đá chuyên nghiệp thoáng qua đã 6 năm rồi đấy.
· Hình như ông vẫn còn quan niệm: có tiền là có tất cả?
- Không dám đâu. Tôi hiểu có những cái tiền không mua được. Quãng đời nghèo khổ của tôi mà đến giờ vẫn còn chiếc 67 đóng khung treo trên tường là một minh chứng. Là một doanh nghiệp thì làm gì tôi cũng phải tính, thậm chí là tính chi li. Có điều, trời cho tôi sự nhạy bén nên mọi cái tôi quyết nhanh lắm.
· Nghe nói ông đã tính mua Romario?
- Tính rồi và đã làm việc xong hết rồi, chỉ còn ngồi lại ký với nhau thôi. Giá cũng không cao lắm. Nói thật, chỉ một cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 94 Romario đá V-League thôi là cái giải chuyên nghiệp của mình nổi đình nổi đám liền. Lời ở chỗ ấy đấy, và tiền lại đẻ ra tiền.
· Ông làm bóng đá theo kiểu thích thì làm chứ chẳng cần phải tham khảo các quan chức VFF?
- Trước đây, tôi hay bàn với các vị ấy lắm nhưng dần dần, tôi thấy mình có thiện ý, mình bàn mà họ không thiết tha thì có bàn mấy cũng bằng thừa. Đấy là lý do sau này tôi cứ làm theo cách riêng của mình. Tôi còn nhớ, trước ngày được mời làm Trưởng đoàn BĐVN, tôi từng ngồi với những nhà làm kinh tế ở Liên đoàn và đưa ra những con tính theo cái cách suy nghĩ của mình. Tôi từng nói: “LĐBĐVN nắm trong tay tài sản vô giá là đội tuyển quốc gia mà bao giờ các anh cũng than thiếu tiền là sao?”.
Tôi từng sang Thái Lan xem đội tuyển nước họ thi đấu với CLB Real Madrid, giá vé cả trăm đô la trở lên mà khán giả vẫn đông nghẹt. Từ đó, tôi nảy sinh câu hỏi: “Người Thái làm được sao mình làm không được?”. Bây giờ, nếu giao việc ấy cho tôi, tôi cam đoan chỉ cần thêm 2 người giúp việc nữa là chúng tôi tổ chức được như người Thái hoặc hơn nữa cho mà xem. Trả cho một CLB danh tiếng thế giới chỉ từ 1-1,5 triệu USD người ta thấy nhiều, nhưng thực chất tôi sẽ thu lại gấp 5 lần thế. Bài tính dễ lắm: Khán đài sân Mỹ Đình 40.000 chỗ là hốt bao nhiêu tiền rồi. Đấy là chưa kể mình sẽ tận thu từ các dịch vụ khác ăn theo bóng đá nữa…
· Một câu hỏi cuối nhé! Bảy năm sau, lứa cầu thủ đầu tiên ra trường mọi người có được thấy lại “gã thợ rừng” đeo cà-vạt?
-Nghe hỏi thôi mà tôi đã thấy ngứa ngáy cái cổ lắm rồi. Nói thật, tại tôi bị ông Giám đốc điều hành Arsenal “triệt buộc” nên ngày động thổ mới phải đeo. Tôi quen áo sơ-mi quần jeans rồi, ai nói sao thì nói chứ khác đi khó chịu lắm. Nhưng 7 năm nữa chắc chắn sẽ là một ngày trọng đại của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal, ngày ra trường của lứa cầu thủ đầu tiên, ngày “đứa con tinh thần” của tôi ra đời. Nếu nó cũng quan trọng như ngày cưới thì chắc lại phải mang cà-vạt thôi (cười).
· Xin cảm ơn ông và hy vọng sẽ lại thấy Ba Đức đeo cà-vạt nhiều nhiều lần nữa.
(Theo SGGP)