Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Tiền đạo giỏi, không tự nhiên mà đến

Thứ Năm 30/03/2017 16:00(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

ĐT Việt Nam nói riêng và nền bóng đá nói chung đang rất thiếu những tiền đạo săn bàn. CLB thì có thể mua chân sút ngoại được còn ĐTQG thì đành ngậm ngùi lãnh hậu quả của việc không chịu đầu tư cho tương lai.

Trong 2 trận gần nhất của ĐT Việt Nam, ngoài kết quả trùng hợp hòa 1-1 thì điều bất cứ ai cũng có thể nhận ra là khả năng hạn chế của các chân sút. Đặc biệt ở trận đấu với Đài Loan tại Hàng Đẫy, chúng ta có cả tá cơ hội đối mặt nhưng các tiền đạo đã thi đấu quá tệ. Chỉ nhờ cú đá đập lưng hậu vệ đội bạn thì đội bóng áo đỏ mới thoát khỏi một thất bại. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà vấn đề thiếu người ghi bàn đang trở nên bức thiết như thế. Đây chính là 2 trận đầu tiên của Golden Star kể từ sau khi Lê Công Vinh giải nghệ. Sau lưng chân sút xứ Nghệ là một khoảng trống mênh mông, vô tận…

Việc ĐT Việt Nam đói khát tiền đạo được cảnh báo từ khi chúng ta bắt đầu đi lên chuyên nghiệp. Các CLB đổ dồn vào việc mua chân sút ngoại và bỏ luôn các tiền đạo nội. Nhưng trong suốt những năm qua, chúng ta chưa thật sự nhìn nhận rõ vấn đề này khi có Lê Huỳnh Đức (những năm đầu tiên), rồi Việt Thắng, Thanh Bình, Anh Đức, Văn Quyến và Công Vinh sau này. Giờ đây nhìn cách lão tướng Anh Đức đang dẫn đầu danh sách làm bàn tại V-League 2017 mới thấy các thế hệ về sau thua kém như thế nào. Mặt khác, đội trưởng của Bình Dương đã chứng minh rằng các chân sút nội chẳng hề kém cạnh các ngoại binh.

Tien dao gioi, khong tu nhien ma den hinh anh
Tiền đạo đang là vấn đề lớn của ĐT Việt Nam

Huỳnh Đức, Việt Thắng, Anh Đức, rồi Công Vinh là những tiền đạo đích thực. Điểm chung của họ là có ý chí phấn đấu, tự nỗ lực trong các buổi tập. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ vẫn đủ khả năng cạnh tranh với các tiền đạo ngoại. Còn hiện nay, gần như công việc ghi bàn không còn được giao cho các cầu thủ nội. Đến đây phải nhắc đến vai trò của người lớn. Những HLV, lãnh đội không đủ kiên nhẫn để trao niềm tin vào các tiền đạo nội. Rồi dần dần các ĐTQG phải lãnh hậu quả.

“Công Phượng kém hơn lúc 18 tuổi”
HLV kỳ cựu Lê Thụy Hải cho rằng Công Phượng vẫn chưa thể hiện được gì nhiều dù là người ghi bàn thắng duy nhất cho ĐT Việt Nam mới đây.

Trong đợt tập trung vừa qua của ĐT Việt Nam, có 4 tiền đạo là Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thắng và Tuấn Tài. Không ai trong số họ là cây săn bàn thực sự ở CLB mà đều phải đá lùi hoặc hộ công. Vì thế việc các chân sút tỏ ra vô duyên là hệ quả tất yếu phải đến. Trách các CLB thì cũng không thể bỏ qua vai trò của HLV trưởng. Hữu Thắng đã bỏ qua những cầu thủ nội giống “số 9” nhất như Hà Minh Tuấn, Hồng Quân, Đức Chinh, Duy Long. Nếu chiến lược gia xứ Nghệ trao cơ hội cho họ rồi rèn giũa thêm các bài tấn công sẽ có hiệu quả hơn là cố “nhét” những cầu thủ có thiên hướng đá lùi như Công Phượng, Văn Toàn hay Văn Thắng.

Tien dao gioi, khong tu nhien ma den hinh anh 2
BĐVN gần như không còn mẫu tiền đạo như Việt Thắng và Công Vinh

Sự thiếu trách nhiệm của người lớn là nguyên nhân đầu tiên nhưng cũng phải nhắc đến chính vai trò của các cầu thủ. Bản thân các tiền đạo trong nước cũng thiếu đi sự nỗ lực, đó mới là cốt lõi vấn đề. Đừng vội đổ thừa cho thể hình hạn chế và sự lấn át của các tiền đạo ngoại. Nếu những Công Vinh, Anh Đức, trước đó là Văn Quyến, Việt Thắng, Huỳnh Đức có thể cạnh tranh suất đá chính thì tại sao lứa cầu thủ hiện nay không thể? Công Vinh chỉ cao 1m74 nhưng khả năng đánh đầu thuộc dạng tốt nhất của bóng đá Việt Nam từ trước đến giờ. Số bàn thắng kỷ lục của CV9 cũng tương đương với số giờ tập luyện của anh, vượt trội với phần còn lại.

Tiền đạo Công Phượng: Hãy nhìn các đồng đội mà lớn
Tiền đạo Công Phượng đã có bàn thắng thứ 2 cho ĐT Việt Nam. Một pha lập công đầy may mắn khi bóng đập người hậu vệ Đài Loan đổi hướng. Tiền đạo 22 tuổi phải cố...

Một ví dụ khác để các tiền đạo nội học tập là Okazaki của đội tuyển Nhật Bản và CLB Leicester. Tiền đạo 31 tuổi kinh qua rất nhiều giải đấu đỉnh cao ở Đức, Anh và luôn có được suất đá chính. Anh là một bậc thầy về săn bàn, nhất là khả năng đánh đầu dù cũng chỉ cao 1m74. Đó là thể hình chẳng có gì vượt trội so với cầu thủ Việt nhưng tại sao chúng ta không thể sản sinh ra những cây làm bàn như vậy? Đương nhiên, giáo án chỉ là một phần, điểm cốt lõi là sự nỗ lực luyện tập hàng ngày của Okazaki mà nên.

Tien dao gioi, khong tu nhien ma den hinh anh 3
Okazaki là sát thủ đánh đầu dù chỉ cao 1m74

Còn chúng ta, hãy nhìn Công Phượng, Tuấn Tài, họ kém hơn khi còn khoác áo U19 rất nhiều. Cả tốc độ, kỹ năng xử lý, khả năng dứt điểm đều bị bào mòn. Đành rằng, họ đã bước lên sân chơi cao hơn, riêng Tuấn Tài phải dự bị nhiều hơn. Nhưng nếu họ chăm chỉ luyện tập hoàn thiện bản thân thì sẽ khác. Nếu Công Phượng chịu khó rèn tốc độ, tập đá đơn giản thì anh sẽ còn hay hơn rất nhiều chứ chẳng phải hình ảnh phập phù như hiện nay.

Thành công không tự nhiên mà đến, và hình ảnh trên sân sẽ phản ánh số giờ luyện tập hàng ngày. Đừng vội trách các địa phương thích sử dụng các tiền đạo ngoại. Trước tiên các chân sút nội hãy tự hỏi chính mình đã thật sự nỗ lực để hoàn thiện bản thân hay chưa?

Doãn Công (Theo Thể Thao Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X