Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Sự khác biệt giữa ĐTQG và CLB

Thứ Tư 03/09/2014 06:19(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Nhiều ca chấn thương xuất hiện ở đội tuyển trong thời gian gần đây xuất phát từ sự quá tải của các cầu thủ. Tuy nhiên, vấn đề có khi chưa hẳn nằm ở phương pháp của HLV Miura, mà nằm ở thói quen của bóng đá nội.

Khác biệt giữa ngoại và nội

Một số ca chấn thương trong tập luyện ở đội tuyển hiện nay khiến nhiều người thấy sót, sót vì đấy là những chấn thương trên sân tập, điều mà người ta thường có thể tránh, chứ không phải là chấn thương do va chạm khi thi đấu. Cầu thủ đang có dấu hiệu quá tải mới dẫn đến chấn thương, nhưng lỗi có phải do người đưa ra những bài tập – cụ thể là của HLV Miura – hay không lại là chuyện khác?

ĐTVN đang được tập luyện với phương pháp mới cùng HLV Miura
ĐTVN đang được tập luyện với phương pháp mới cùng HLV Miura

Nhân đây cũng xin nhắc lại thông số mà trưởng BTC giải V-League Tanaka Koji đưa ra trong Hội nghị tổng kết mùa giải, đó là cầu thủ Việt Nam chỉ di chuyển trung bình chưa đến 6km/trận, tức chỉ bằng một nửa thông số trung bình của cầu thủ chuyên nghiệp thực thụ.

Di chuyển kém đồng nghĩa với nền tảng thể lực kém và khả năng chuẩn bị thể lực trong các buổi tập cũng không tốt. Nói nôm na, tập ra sao thì thi đấu như vậy. Ở đây, thấy rõ sự khác biệt trong tập luyện, nhất là tập luyện thể lực ở CLB so với ở đội tuyển. Ở CLB, chưa chắc các cầu thủ tập căng như khi lên tuyển. Văn Quyến là một ví dụ, cách nay mấy năm, cứ hễ lên đội tuyển là Văn Quyến không chịu nổi cường độ tập luyện rồi xin về. Vì khác biệt lớn là đội tuyển được huấn luyện bởi chuyên gia ngoại, trong khi các CLB lại được dẫn dắt bởi HLV nội, vốn mến tài của Quyến.

Riêng ở một số CLB, cũng không hiếm trường hợp hễ HLV bắt cầu thủ tập căng là gặp lời than phiền, thậm chí lên “tâu” với lãnh đạo đội bóng, trước khi áp lực của lãnh đạo CLB buộc HLV phải thay đổi. HLV Miura là một người Nhật, cũng không thể nói ông này không có kinh nghiệm huấn luyện bóng đá đỉnh cao, nên những bài tập của ông là những bài tập đã được kiểm chứng và được đáp ứng bởi các cầu thủ Nhật.

Nhưng áp dụng bài tập đấy với các cầu thủ Việt Nam thì cầu thủ nội lại chịu không nổi cường độ. Chưa có gì chứng minh rằng các bài tập của HLV Miura là không tốt, trong khi có khi phải xem ngược lại các cầu thủ Việt Nam, rằng họ đã thực sự tập tốt hay chưa, đã có đủ sự tích lũy từ cái nền CLB hay chưa, để khi phải đối diện với những bài tập chuyên nghiệp thực sự thì quá tải!

Không cải thiện được nền thể lực, khó làm nên chuyện

Cần nhắc lại thông số mỗi cầu thủ di chuyển trung bình trong mỗi trận đấu tại V-League chưa đến 6km (chính xác là 5,7km/người/trận). Thông số đấy quá thấp, muốn nâng chất, chúng ta cần phải nâng thông số ấy lên. Mà muốn nâng thông số kỹ thuật, giới cầu thủ nội cần phải có cái nhìn khác về việc chuẩn bị thể lực và chuẩn bị sức bền thông qua các buổi tập.

Không có cái nền thể lực tốt, khó đá đàng hoàng với các đội bóng quốc tế. Việc chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế cũng phải tuân theo chuẩn quốc tế. HLV Miura đang làm đúng phần việc mà người ta thuê ông làm: Nâng cái nền thể lực và nâng chất đội tuyển Việt Nam, chỉ tiếc là dường như các cầu thủ chưa chuyển động đồng bộ với ông.

Bây giờ thay đổi chất lượng các bài tập theo hướng nhẹ hơn có thể không khó, nhưng thay đổi chất lượng các bài tập có khi cũng là thay đổi theo hướng tiêu cực chất lượng của đội tuyển, mà điều này xem ra còn nguy hiểm hơn việc tập nghiêm túc.

Cầu thủ Việt Nam vốn trước giờ quen với việc tập qua loa, quen với sự du di của các HLV nội dành cho các công thần và các ngôi sao, trong khi người Nhật, phong cách Nhật của HLV Miura không cho phép sự du di đó.

Khoan hãy nhìn vào những ca chấn thương trong tập luyện của đội tuyển thời gian gần đây để nói rằng những bài tập đấy hợp hay không hợp. Cần nhìn vấn đề ở góc độ nếu không tập theo đúng phương pháp chuyên nghiệp thì đội tuyển Việt Nam tới đây sẽ không đá lại các đội bóng chuyên nghiệp thực sự ở các giải đấu quốc tế.

Chúng ta thuê thầy ngoại để thầy ngoại giúp cầu thủ nội đá bóng chuyên nghiệp hơn, chứ không phải thuê thầy ngoại rồi bắt thầy ngoại phải làm quen với kiểu làm việc nghiệp dư của cầu thủ nội!

Theo Dân Trí

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X