Khá nhiều cầu thủ thuộc đội U23 Việt Nam hiện nay vẫn còn ít người biết đến, hoặc chưa có vị trí chính thức tại V-League. Có thể SEA Games 27 sẽ là cơ hội để họ cải thiện điều đó, nếu như U23 Việt Nam thi đấu thành công tại giải này.
Tư thế “kèo dưới” không phải là không có lợi
So với các kỳ SEA Games trước, ở kỳ SEA Games 27, bóng đá Việt Nam không nhận được nhiều sự kỳ vọng bằng, chủ yếu là do đội tuyển của chúng ta hiện bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm ở các giải đấu lớn. Dàn cầu thủ hiện nay cũng không được đánh giá cao bằng thế hệ cầu thủ thuộc lứa đã dự SEA Games 2011, và nhất là không sánh bằng lứa từng dự SEA Games 2009.
Với U23 Việt Nam, thách thức cũng chính là cơ hội
Dù vậy, việc không được đặt quá nhiều kỳ vọng không phải không mang đến những mặt được cho U23 Việt Nam. Đáng kể nhất là các cầu thủ không phải chịu nhiều áp lực về mặt thành tích hơn các lần giải trước đây, các đối thủ cũng ít chú ý đến chúng ta hơn.
Không bị soi kỹ, U23 Việt Nam cũng không nhất thiết phải đá đôi công với mọi đối thủ mà đội đụng độ tại SEA Games 27, nhất là trước các đối thủ mạnh, nổi tiếng khó chịu cỡ Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay chủ nhà Myanmar.
Mà trong bóng đá, thường thì chơi phản công lúc nào cũng dễ hơn đá tấn công. Bởi, khi đá phản công, chúng ta không phải đối diện với hàng phòng ngự dày đặc được các đối thủ giăng ra. Tư thế của U23 Việt Nam giờ đã không bằng trước, nên chắc chắn người hâm mộ cũng không đòi hỏi các cầu thủ phải áp đặt được lối chơi trước các đối thủ mạnh, nên cầu thủ của chúng ta cũng không phải chịu dạng áp lực lúc nào cũng lao lên phía trước.
Thôi kêu ca để tập trung vào chuyên môn
Có một điều lạ là trước khi biết tin Philippines rút lui, bảng A vẫn còn 6 đội, U23 Việt Nam từng than phiền về chuyện chúng ta phải đá nhiều trận hơn các đội ở bảng bên kia. Sau đó, khi Philippines đã rút khỏi SEA Games, lại có ý kiến khác nói về chuyện tại sao chúng ta lại gặp Malaysia đầu tiên? Rồi tại sao phải đá dưới nắng nóng vào lúc 14h30? Tại sao đá với mật độ 2 ngày/trận?
Người viết cho rằng đây là những sự than phiền thiếu chuyên nghiệp, và chính những việc thường xuyên than phiền trong mọi hoàn cảnh này sẽ khiến chúng ta mất tập trung về mặt chuyên môn. Đừng quên khi chúng ta đá với mật độ 2 ngày/trận, thì chính các đội thủ cũng phải đá với mật độ ấy. Cũng đừng quên nếu chúng ta đá dưới thời tiết nắng nóng, chính các đối thủ của chúng ta cũng phải chịu điều kiện thời tiết tương tự.
Và cũng chẳng có gì đảm bảo rằng các cầu thủ Lào, hay đặc biệt là Singapore (vốn là đất nước có điều kiện sinh hoạt cực tốt) chịu nắng giỏi hơn các cầu thủ Việt Nam. Cũng đừng quên rằng trong thành phần của U23 Việt Nam có không ít cầu thủ xuất thân từ bóng đá Nghệ An hay Thanh Hóa (Nguyên Mạnh, Phi Sơn, Mạnh Hùng, Hoàng Thịnh, Lê Văn Thắng, Ngọc Hải…) vốn quen với sự khắc nghiệt của nắng nóng và gió Lào, nên chưa chắc cái nắng ở Myanmar kinh khủng hơn điều kiện thời tiết đã theo họ lớn lên từ nhỏ.
Có lẽ đã đến lúc những người làm chuyên môn và chính bản thân U23 Việt Nam cần hiểu rằng trong bất kỳ thách thức nào cũng có mang đến cơ hội. Để đến được đỉnh cao thì chẳng có con đường nào dễ dàng bằng phẳng. Thậm chí, đôi khi gian nan còn giúp cho các thành viên của đội bóng mạnh mẽ hơn.
Nếu đội tuyển U23 Việt Nam thành công trong bối cảnh không được đánh giá cao. Nếu chúng ta đạt được thành tích tốt trong bối cảnh đối diện với những thử thách ở Myanmar, chắc chắn làng cầu trong nước sẽ nhìn các cầu thủ hiện tại bằng ánh mắt khác. Khi đó, người ta sẽ nói nhiều hơn đến những Phi Sơn, Nguyên Mạnh, Quang Hùng, Mạnh Hùng, Thanh Hiền, Ngọc Đức... Những cầu thủ vốn trước giờ chưa nổi tiếng, thậm chí chưa có chỗ đá chính thức ở V-League.
Và khi được nói đến nhiều, chắc chắn giá trị trên thị trường chuyển nhượng của họ sẽ khác, vị trí của họ trong đội bóng của khác, trong tư cách những người vượt qua gian nan để lên đỉnh cao. Điều đó nói cho cùng sẽ tốt cho chính bàn thân các cầu thủ.
Theo Dân Trí