Do “bằng mặt chứ không bằng lòng” hoặc các lãnh đạo cao nhất của các CLB, những người có quyền định đoạt được số phận của đội bóng mình, không tham dự mà chỉ cử thuộc cấp của họ đi nên nhiều vấn đề vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo.
Tình hình này diễn ra tương tự như nhiều năm trước đó. Khi mùa bóng mới diễn ra, nhiều ông chủ CLB không biết vì sao đội bóng của mình bị BTC phạt căn cứ theo điều luật đã ban hành, nhưng cũng không rõ đó là luật gì, thông qua khi nào dù trước mùa giải dù CLB đó cử người đi dự Đại hội đã là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2012 mới đây, 2 CLB N.SG và V.HP đã không có đại diện đến dự giải. Ông bầu Nguyễn Vĩnh Thọ của N.SG thoáng thấy xuất hiện ở giữa giờ nghỉ giải lao của buổi lễ, trao đổi điều gì đó với Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng rồi nhanh chân ra về.
Một năm trước, người ta đã nhất trí cao để cho ra đời VPF.
Ngày đến với bóng đá, bầu Thọ rình rang bao nhiêu thì trong ngày giã từ nó, ông tuyệt đối im lặng bấy nhiêu. Có thể thông cảm cho N.SG quyết định giã từ bóng đá thì buổi họp không ý nghĩa gì nhưng còn V.HP, với động thái đó có vẻ người đất Cảng cũng chán ngấy môn thể thao vua rồi. Thế nên, có họp hay không cũng chẳng quan trọng.
Buổi lễ tổng kết hôm đó, dù tổng kết nhưng cũng chưa thật sự thấu đáo tất cả những tồn tại từ mùa giải trước. Trong đó, nổi bật là chuyện trọng tài. Việc loại bỏ 2 “vua áo đen” mùa này của VPF chỉ làm xoa dịu tình hình chứ những tiêu cực râm ran ở giai đoạn cuối mùa bóng thì VPF cũng bó tay và người của VPF chỉ ngắn gọn rằng, vì đời sống bóng đá hiện đại đa dạng và tiêu cực núp bóng rất tinh vi nên rất khó làm tận gốc rễ.
Như thế, dù đã cải thiện được hình ảnh của bóng đá Việt Nam trong mắt công chúng nhưng để đi đến tường tận sự việc, VPF hẹn sẽ phải đợi thêm nhiều thời gian nữa. Không phản bác lại chuyện trọng tài trong Hội nghị tổng kết nhưng hôm sau, trong Đại hội thường niên VFF, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã bày tỏ sự không hài lòng vì theo ông, bản chất công tác trọng tài giải năm nay dưới sự điều hành của VPF không khác gì VFF là mấy. Sau nhiều năm rút kinh nghiệm thì vấn đề này nóng vẫn hoàn nóng.
Trong 2 buổi họp vừa qua, người quan tâm chưa thấy nhiều quyết định tích cực ra đời mà điểm nhấn là cuộc tranh luận nên hay không tồn tại VPF, rồi một ông chủ 2 đội bóng. Các ông bầu sa đà vào chuyện chỉ trích nhau, rồi hờn dỗi, dọa nạt bỏ giải… đến khi nhìn lại thì vẫn chưa ra vấn đề gì ngoài việc khiến tương lai bóng đá Việt Nam đã rối tung nay còn u ám hơn.
Chính vì không chung tư tưởng nên những chuyện như chuẩn CLB chuyên nghiệp Việt Nam phải chấp hành quy định của AFC, từ cơ sở vật chất, các tuyến trẻ… cũng không được tất cả đồng nhất. Do cách làm bóng đá manh mún nên nhiều CLB không thể chắc chắn tương lai của mình có gắn với bóng đá không. Và nếu không thì chẳng dại gì mà vứt ra cả đống tiền trong thời buổi khó khăn như bây giờ để đi nuôi bóng đá lâu dài. CLB không ủng hộ đề xuất mà lãnh đạo VFF tâm sự đó là ý nghĩ tâm huyết của mình từ 2 năm qua, VFF chỉ biết hoãn cấp phép hoạt động cho CLB chứ không làm gì được. Sự thỏa hiệp đó khiến người ta chắc mẩm rằng, chuyện ổn định của các giải đấu ở Việt Nam là khái niệm xa xỉ trong tương lai gần.
Sau 2 buổi họp gần nhất tại TP.HCM, điều mà VFF làm được để dư luận tạm hài lòng đó là giới hạn được số tuổi cầu thủ trẻ cống hiến cho CLB đào tạo là 25 thay vì 23 như trước. Tổ chức này cũng tỏ ra cầu thị hơn trong việc chiều theo xu thế tất yếu của bóng đá hiện đại qua hành động kết nạp VPF vào ngôi nhà chung và sẵn sàng dân chủ với truyền thông. Còn những chuyện vĩ mô khác thì phải đợi nhiều cuộc họp khác nữa. Muốn bóng đá Việt Nam có duy trì ổn định hay không lại phải xem “mặt” và “lòng” của các ông bầu có bằng nhau hay không nữa.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)