Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

"Sao" đi học ...!

Thứ Hai 09/10/2006 15:08(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ngày 1-10 vừa qua, một số cựu tuyển thủ đã tham dự lớp HLV bằng C tại Pleiku do AFC giảng dạy kéo dài đến ngày 14-10. Họ đã học làm thầy như thế nào?


Vất vả chuyện “vào lớp nghe giảng”

Trước ngày khai giảng lớp học, tiền vệ cánh trái nổi tiếng một thời của tuyển VN Nguyễn Hữu Đang than thở: “Xa chuyện học hành gần 20 năm, nay đi học lại thật tình tôi cũng chẳng biết phải ứng phó thế nào với các bài giảng. Thà chạy chục cây số, hít đất cũng không ngán bằng... cảnh ngồi miệt mài nghe giảng bài trong lớp”. Tuy nhiên, thủ môn Nguyễn Quốc Tuấn (HAGL, vừa tốt nghiệp Đại học TDTT tại chức) đã động viên đồng đội: “Các lớp trước nhiều “ông lão” còn vượt qua được huống chi sức trẻ chúng mình”.

Dạn dày trên sân cỏ nhưng không ít tuyển thủ đã tỏ ra ngỡ ngàng với các khái niệm: phương pháp huấn luyện, tuyển chọn, yếu tố để tạo thành tích, tâm sinh lý cầu thủ trẻ trong thi đấu, phương pháp phát triển kỹ thuật và kỹ năng, chương trình dinh dưỡng... Lùng bùng lỗ tai với những thuật ngữ lạ lẫm, một cựu tuyển thủ quốc gia cho biết: “Cả đời ăn và tập đá bóng, mọi việc đều có ban huấn luyện và người khác lo liệu, nay đi học mới biết làm thầy quả là không đơn giản...”.

 

Nét rụt rè, bỡ ngỡ của các học viên sớm được giảng viên Bader (người Kuwait) xóa tan bằng những lời trêu đùa vui vẻ. Ông khơi gợi sự chủ động của học trò bằng những câu hỏi dí dỏm và buộc từng học viên lần lượt đứng lên nêu chính kiến của mình trong mỗi câu hỏi hoặc sau từng bài giảng.

Ông Bader nói: “Nghề HLV của bạn sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay. Vì vậy tôi khuyên các bạn hãy cố gắng học Anh ngữ ngay từ bây giờ để có thể giao tiếp và tiếp thu các bài giảng cho các lớp học lấy bằng B, bằng A mai sau. Dù bằng C là bằng cấp thấp nhất và dù các bạn từng là tuyển thủ quốc gia nhưng có thể các bạn sẽ không đủ tiêu chuẩn thi tốt nghiệp khóa này nếu thi rớt một trong ba bài tập thực hành trên sân cỏ”.

Minh họa lời ông Bader, ban tổ chức lớp học cho biết trong 14 khóa bằng C trước đây đã có 46/326 người không đạt vì không hoàn thành bài thi lý thuyết hoặc thực hành. Khác với các khóa trước là được phát bằng tốt nghiệp ngay sau khi thi, ở lớp này học viên chỉ được cấp giấy chứng nhận đã qua lớp học bằng C. Văn bằng chính thức của AFC chỉ được cấp sau khi mỗi học viên thực hiện xong 85 giờ hướng dẫn các cầu thủ trẻ, có ghi nhật ký huấn luyện và được sự xác nhận từ VFF.

Thời gian biểu của lớp học khá căng khi bắt đầu từ 8g30-21g (trừ thời gian ăn uống, nghỉ ngơi khoảng hai giờ đồng hồ). Trong đó, vào buổi tối, học viên được chia thành năm nhóm nhằm thảo luận bài học và làm bài tập để sáng hôm sau nộp lại cho giảng viên. Đã lâu không quen với việc viết lách, nhiều cựu danh thủ tự thú: “Chữ mình như cua bò vậy...”, có người còn “thê thảm” hơn khi hồn nhiên thừa nhận: “Do ghi chép liên tục nên nhiều lúc bị... vọp bẻ tay! Đau nhưng không dám ngưng viết vì sợ không đủ tư liệu thi cuối khóa”.

 

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

Với các tuyển thủ, thú vị nhất vẫn là giờ thực hành, dù phải đội mưa hay phơi mình dưới nắng suốt ba giờ liền. Các bài khống chế bóng, dẫn bóng bằng hai chân, chuyền xa bằng hai chân, sút má trong, má ngoài hay mu bàn chân... đều được học viên thể hiện một cách ngon lành, nhất là những người còn đang thi đấu. Chính vì vậy mà Huỳnh Đức, Hữu Đang, Minh Quang, Duy Quang, Văn Giàu, Quốc Tuấn luôn được gọi tên đầu tiên để làm mẫu. Đó là những học viên luôn nhận được lời khen “very good” từ giảng viên Bader.

Nhưng với những học viên xuất thân từ bóng đá phong trào, chuyện thực hiện các bài tập nói trên lại không đơn giản chút nào. Những cú chuyền dài của họ thường đi chệch mục tiêu khá xa, các động tác rê dắt bóng, khống chế bóng vụng về, lóng ngóng đến tội nghiệp. Với những học viên này, ông Bader luôn miệng động viên hoặc ra dấu hiệu dừng đột ngột để thị phạm lại động tác cho họ và cứ nhắc đi nhắc lại: “Trong đào tạo bóng đá trẻ, điều các bạn phải luôn chú ý là phát hiện sai sót của các em để uốn nắn ngay từ đầu. Nếu không làm tốt việc ấy, việc chỉnh sửa kỹ thuật về sau sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra, công tác đào tạo cầu thủ trẻ đòi hỏi các bạn tính nhẫn nại và lòng vị tha trước những sơ suất của các em”.

Với việc tham gia lớp học này, ngày mai của các cựu tuyển thủ đang bắt đầu từ hôm nay.

Giảng viên Bader

AFC hiện có bốn giảng viên chuyên nghiệp, ông Bader A. Jalil Shehab (Kuwait, sinh năm 1959) là một trong bốn người đó. Ông Bader từng khoác áo tuyển Kuwait từ năm 1979-1990  trong vai trò tiền vệ tấn công và từng có mặt tại VCK World Cup 1982 (dưới sự dẫn dắt của HLV nổi tiếng người Brazil Carlos Alberto Parreira). 

Do chấn thương khá nặng ở gối trái, ông phải bỏ ngang sự nghiệp cầu thủ để đi học các lớp HLV. Sau đó, ông trở thành HLV trưởng đội tuyển U-16, U-19 và tuyển Olympic Kuwait (1993-2000). Sau bốn năm giữ vai trò giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Kuwait (1998-2005), ông theo học các lớp nâng cao trình độ HLV chuyên nghiệp tại châu Âu do ông Houlier (Pháp) - cựu HLV trưởng CLB Liverpool  - giảng dạy để trở thành giảng viên bóng đá chuyên nghiệp của AFC từ năm 2003. 

Sang giảng dạy lần này, do đúng vào tháng chay Ramadan của người Hồi giáo nên ông Bader chỉ dùng một bữa ăn duy nhất sau lúc mặt trời đã... “đi ngủ”. Chính vì vậy mà học viên mệt một, thầy mệt gấp đôi do chỉ uống nước thay cho hai buổi ăn sáng và trưa trong ngày. Dù vậy ông vẫn thao thao bất tuyệt trong từng buổi học. 

Theo Tuổi Trẻ

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X