Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Sân cỏ Việt Nam và cầu thủ Việt kiều: Đời không là mơ

Thứ Năm 29/03/2012 22:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Từ Ludovic Casset (hay còn gọi dưới cái tên tiếng Việt là Mã Trí), Toni Lê Hoàng mở đầu cho trào lưu cầu thủ Việt kiều về V-League đá bóng.

Từ Patrick Lê Giang sang Đặng Văn Robert, đến Lee Nguyễn… chọn VN là điểm dừng chân. Điểm chung là sự trở về nào cũng ầm ĩ và tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Còn lúc ra đi, chỉ có cái lạnh lẽo tiễn bước người đi.

Không thể phủ nhận khát khao muốn đóng góp vì cái chung các cầu thủ Việt kiều cho nền bóng đá quê hương xứ sở. Cũng không thể tách một phần rất con người trong mỗi chuyến hồi hương của họ: hy vọng vào một cuộc đổi đời về vật chất lẫn danh tiếng sau khi chấp nhận đánh đổi cả sự nghiệp để về thi đấu ở vùng trũng của bóng đá thế giới.

Song hết lần này đến lần khác, lịch sử tuổi lên chuyên thứ 11 của bóng đá VN chưa hề ghi nhận một trường hợp thành danh nào của các cầu thủ Việt kiều trên quê hương thứ 2 của họ.

Bắt đầu với Ludovic Casset, cầu thủ mang 2 dòng máu Việt-Pháp đến từ nền bóng đá hàng đầu thế giới. Nhưng đến VN, trình độ chuyên môn của Mã Trí lại không xài được. Song sự sính ngoại của bóng đá VN lúc đó lại tạo cho cầu thủ này một hợp đồng hậu hĩnh ở Đà Nẵng. Để rồi, đội bóng này sau đó đã chua chát đền bù hợp đồng để tiễn Ludovic đi càng sớm càng tốt.

Thủ môn Patrick Lê Giang trả lời phỏng vấn báo chí khi về VN thử thách tay nghề cách đây hơn 3 năm hình ảnh
Thủ môn Patrick Lê Giang trả lời phỏng vấn báo chí khi về VN thử thách tay nghề cách đây hơn 3 năm

Cách đây 3 năm, cái tên Patrick Lê Giang trở thành đề tài nóng trên mặt báo khi về VN. 3 năm qua, tròn 20 tuổi, thủ thành đã từng bắt chính cho U17 Slovakia ở giải U17 VĐTG vẫn “bặt tăm” trên sân cỏ Việt. Cầu thủ gốc CH Czech Đặng Văn Robert đến Hải Phòng bắt đầu nghiệp quần đùi áo số ở VN. Hiện giờ, Robert đang đầu quân cho Sài Gòn FC.

Thể hình lý tưởng cùng vẻ điển trai của Robert từng hớp hồn bao nhiêu cô gái VN. Còn về khoản bóng banh, đất Sài Gòn không có đất diễn cho Robert nên mùa này, anh chỉ đánh bóng băng ghế dự bị. Nhìn vào chuyên môn như thế, tương lai của cầu thủ sinh năm 1985 này cũng không thấy chút gì sáng lạn.

Gần đây nhất, sự chia tay không kèn không trống nhưng cũng mang lại chút cảm giác nuối tiếc lẫn hụt hẫng cho làng bóng Việt là Lee Nguyễn. 3 mùa giải ở VN không phải là một nốt thăng trong sự nghiệp của cựu tuyển thủ Mỹ mà ngược lại, môi trường bóng đá đầy bạo lực ở mảnh đất hình chữ S chứng kiến những ca chấn thương dai dẳng, kéo theo đó là sự trượt dốc không phanh của Lee.

Sự chán nản của tuổi trẻ và đi kèm đó là khát khao tìm lại đẳng cấp thế giới mình từng đạt tới, Lee Nguyễn chọn cách quay lại nơi bắt đầu.

Mới đây, anh trai của thủ thành Patrick Lê Giang là Emil Lê Giang đã quyết định theo chân cậu em về thử sức ở một đội bóng của V-League (có thể là HN.T&T). Bản lý lịch của Emil không kém hoành tráng: từng chuyển đến CLB Nurnberg năm 2007 với giá một triệu euro, trụ cột các đội trẻ Slovakia. Song để trụ lại được đất Thủ đô, Emil sẽ phải cạnh tranh gắt gao với tiền đạo triệu đô khác là Samson và công thần Gonzalo. Khi mà quy chế bóng đá chuyên nghiệp chưa cho phép cầu thủ Việt kiều vào sân với tư cách cầu thủ nội (trường hợp của cầu thủ quốc tịch Pháp ở CLB BĐ Hà Nội là Johnny Nguyễn vẫn còn chờ), họ sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các ngoại binh để thể hiện mình.

11 năm lên chuyên, các đội bóng VN cũng đã thuộc làu bài học ứng xử với thời cuộc sau những tiền lệ thất bại với cầu thủ Việt kiều. Đất mẹ VN luôn mở rộng vòng tay với những người con xa xứ nhưng cũng chẳng phải là thiên đường để họ dễ dàng thành danh trên lĩnh vực khắc nghiệt như bóng banh.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X