Nếu không có tình huống xấu xí của V.HP gây ra sau “trận chung kết ngược” TĐCS.ĐT-V.HP Cao Lãnh, sân cỏ miền Nam đã có niềm vui trọn vẹn hơn sau vòng 17 vừa qua của V-League 2012.
3 SVĐ Cao Lãnh, Bình Dương và Thống Nhất đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cần có trong quá trình đi lên của bóng đá chuyên nghiệp VN. “Dấu ấn” của các “thượng đế” trên khán đài là đóng góp buộc phải có cho tiến trình đó.
1. Với nhân dân Đồng Tháp, cái tên Trần Công Minh chắc chắn là biểu tượng vô giá của bóng đá xứ bưng biền. Đi xa một chút, để một nền bóng đá phát triển thì 2 chữ “thần tượng” đóng vai trò tối quan trọng.
Lâu nay, bóng đá VN khan hiếm thần tượng đến mức đa số các cầu thủ nhí không chọn những ngôi sao nội làm lý tưởng phấn đấu. Vì sao như vậy và ảnh hưởng thế nào đến cái chung thì không phải bàn cãi nhiều.
Trở lại vấn đề với người Đồng Tháp, “hiệu ứng” Trần Công Minh đang cho thấy sức sống của biểu tượng này, dù Công Minh đã xa xứ từ rất lâu và không còn là cầu thủ nữa. Người Đồng Tháp nhìn thấy một sự thay đổi tích cực, họ vừa tò mò vừa hồ hởi kéo đến sân để xem cái tài của HLV Trần Công Minh ra sao.
Hình ảnh khán giả Kiên Giang đội mưa cổ vũ cho K.KG ở sân Thống Nhất cho thấy vẻ đẹp của bóng đá chân chính vẫn còn tồn tại
Con số gần 3 vạn người (số liệu chỉ có ở những mùa giải TĐCS.ĐT thăng hoa nhất dưới thời HLV Phạm Công Lộc) đến sân Cao Lãnh trong 2 trận gần nhất dưới thời HLV Công Minh đủ nói thay tất cả. Và “vô tình”, nhiệt huyết đó của CĐV đã là niềm cảm hứng bất tận cho các cầu thủ dưới sân.
Từ chỗ dân than chán, tinh thần toàn đội đã có lúc khủng hoảng thật sự vì đá đâu thua đó, TĐCS.ĐT từ chỗ “chết đi”, bỗng “sống lại” một cách thần kỳ. Họ chơi như lên đồng, có được 7 điểm sau 3 trận đấu, ghi thêm 7 bàn thắng “tặng” khán giả Cao Lãnh, đồng thời đút túi 1,350 triệu đồng tiền thưởng (chưa trừ thuế) cho chiến tích đó.
Người xứ này đang kỳ vọng vào việc HLV Công Minh sẽ vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng hơn cho bóng đá quê nhà.
2. Ở Bình Dương, những đôi chân của đội bóng đất Thủ đã thanh thoát trở lại sau khi nhà tài trợ đòi cắt hợp đồng với đội bóng. Một phần cũng vì những thanh âm chửi bới làm tăng sức ép cho các cầu thủ dưới sân gần như không còn.
BTC đã có biện pháp quyết liệt để hạn chế những phần tử quá khích trên khán đài và nó có hiệu quả rõ rệt. Ở trận đấu của B.BD với Thanh Hóa gần nhất, đã có đến 1,5 vạn khán giả đến sân đón xem.
Những cột sóng do các CĐV đội khách tạo ra trên khán đài cùng với sự cổ vũ rất công tâm và nhiệt tình của khán giả khiến trận cầu có sức hút hẳn. Dù thua trận nhưng ấn tượng của các CĐV xứ Thanh đọng lại hôm đó khiến những ai theo dõi bóng đá VN thường xuyên đều ao ước, giá mà mỗi trận đấu ở V-League đều được như thế.
Còn với CĐV đất Thủ, niềm tin của họ đã được bù đắp xứng đáng khi những đứa con tinh thần của mình “tặng quà” bằng một chiến thắng hoành tráng.
3. Chỉ có 4.000 CĐV có mặt ở Thống Nhất trong buổi chiều tối mưa dai dẳng như thách thức những ai “lỡ” nghiện môn thể thao vua ở Sài Gòn. Nhưng chắc hẳn nhiều CĐV Sài thành phải ngả mũ thán phục những CĐV nhiệt thành miền sông nước Kiên Giang.
Họ không quản mệt nhọc để mất 7 tiếng di chuyển bằng ôtô lên TP.HCM. Trời mưa buộc họ phải dầm mình đến 3 tiếng, nhưng chừng đó là không thấm thía gì để tất cả cùng cháy hết mình cho đội nhà.
Vài trăm CĐV K.KG hôm đó đủ để lấn át đôi ba chục CĐV Sài Gòn FC lác đác ở khán đài B. Và có lẽ, thời tiết như thế mới là thước đo kiểm tra tình yêu bóng đá của khán giả Sài thành dành cho đội bóng của bầu Thụy.
K.KG để thua trong một trận đấu phung phí rất nhiều cơ hội và nhiều cầu thủ không tránh khỏi cảm giác xấu hổ với CĐV nhà. Nhưng thay vì trách móc, họ vẫn nhận được những tràng pháo tay động viên khi ngước mặt lên khán đài. Niềm tin đó chắc chắn sẽ là động lực để K.KG bước qua chặng đường gian nan phía trước.
Bóng đá VN sẽ không thoái trào với những hình ảnh đẹp trên khán đài đáng được trân trọng như thế.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)