Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Sai lầm của thủ môn Việt Nam: Cần phải tra tận gốc vấn đề

Thứ Năm 21/09/2017 17:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Liên tiếp trong vòng 1 năm qua, hàng loạt đội tuyển Việt Nam ở nhiều cấp độ bị loại khỏi những giải đấu tham dự vì một vấn đề chung: Sai lầm nghiêm trọng của các thủ môn.


Y Eli Nie là “thủ phạm” mới nhất trong chuỗi những sai lầm trong khung gỗ của nền bóng đá Việt Nam, tính trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong một quả phạt góc vào cuối trận gặp chủ nhà U18 Myanmar tại vòng bảng giải vô địch U18 Đông Nam Á 2017 vừa rồi, cầu thủ người Đăk Lăk đã lưỡng lự trong việc bắt bóng hay đấm bóng, cuối cùng tạo điều kiện dễ dàng cho chân sút đối phương ghi bàn quyết định đem về chiến thắng. Thầy trò Hoàng Anh Tuấn đã phải ngậm ngùi về nước ngay sau vòng bảng.
 
Y Eli Nie suy sup sau sai lam khien U18 Viet Nam phai ve nuoc ngay sau vong bang giai U18 Dong Nam A 2017
Y Eli Nie suy sụp sau sai lầm khiến U18 Việt Nam dừng bước

Và đây không phải lần đầu tiên và sẽ chẳng thể là lần cuối cùng những thủ môn Việt Nam ném thành quả của toàn đội ra đường. Quay ngược trở lại thời điểm tháng 12/2016, thủ thành Trần Nguyên Mạnh cũng mắc sai lầm cực kỳ nghiêm trọng (đánh nguội cầu thủ Indonesia) tại bán kết AFF Cup 2016, khiến ĐT Việt Nam chỉ còn thi đấu với 10 người. Chung cuộc, thầy trò Hữu Thắng bị loại ngay trên SVĐ Mỹ Đình, trước sự cổ vũ của 4 vạn khán giả nhà.
 
Từ đó đến nay, bóng đá Việt Nam đã liên tiếp lặp lại sai lầm này ở 3 chiến dịch là vòng loại U23 châu Á (tháng 7/2017), SEA Games 29 (tháng 8/2017) và mới đây là U18 Đông Nam Á (tháng 9/2017). Đó là pha bắt bóng hụt của Bùi Tiến Dũng (thua U23 Hàn Quốc 1-2), pha lao lên lỗi của Phí Minh Long (thua U22 Thái Lan 0-3), và tình huống Trương Thái Hiếu đỡ trượt (thắng U18 Brunei 8-1) rồi sau đó đến lượt Y Eli Nie. Một năm mắc 5 lỗi lớn ở giải khu vực, đó chắc chắn không phải sơ suất cá nhân mà là sai lầm mang tính hệ thống của cả nền bóng đá.
 
Chia sẻ về điều này, cựu thủ môn Dương Hồng Sơn (người đã vô địch AFF Cup 2008 cùng ĐT Việt Nam) cho biết: “Sai lầm của các em xuất phát từ vấn đề tâm lý. Lúc vào sân, thủ môn là vị trí bất di bất dịch. Trận đánh càng lớn, tâm lý thủ môn càng phải ổn định. Muốn làm người mà cả đội tin tưởng, điều đầu tiên thủ môn cần là sự vững vàng.”
 
Rất dễ dàng để chỉ ra lỗi lầm của một cá nhân, hay cụ thể ở đây là vấn đề tâm lý. Đương nhiên, điều này cũng được nhìn ra từ lâu đối với các thủ môn Việt Nam, nhưng điều quan trọng nhất, vì sao mắc sai lầm và phải làm gì để hết sai lầm, thì những người làm bóng đá Việt Nam lại không làm được. 
 
Phi Minh Long mac sai lam nghiem trong o SEA Games 29
Trước đó, Phí Minh Long mắc sai lầm nghiêm trọng ở SEA Games 29

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến điều này?
 
Đầu tiên, chính là bản lĩnh của các cầu thủ. Đúng như Dương Hồng Sơn đã chỉ rõ, với vai trò người gác đền của toàn đội, các thủ môn cần phải trở thành người vững vàng nhất, trở thành chỗ dựa cho các đồng đội. Chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ: “Tôi không trách các cầu thủ trẻ, chỉ muốn nhấn mạnh chỗ bản lĩnh của các em không bằng đối phương. Vì thiếu bản lĩnh nên các cầu thủ mất bình tĩnh khi bị đối phương dồn ép mạnh ở những phút cuối. Mà bản lĩnh đến từ đâu? Bản lĩnh đến từ chính các giải trong nước, và hệ thống của các giải trong nước như thế nào khiến các cầu thủ không tích luỹ đủ bản lĩnh.
 
Đúng vậy, bản lĩnh của các cầu thủ phải được trui rèn từ thời trẻ. Điều đó có nghĩa muốn tạo ra một thế hệ có bản lĩnh, một giải đấu riêng dành cho các cầu thủ trẻ phải được ưu tiên hàng đầu. Nếu nhìn sang Thái Lan, nền bóng đá mạnh nhất khu vực, mới thấy trình độ của Việt Nam là thua kém đến mức nào. Xứ sở Chùa Vàng đã làm điều này từ lâu, nhưng nền bóng đá Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một giải đấu như vậy. Lấy ví dụ đơn giản, nhiều cầu thủ ở Việt Nam “bị” trở thành thủ môn, chỉ vì anh sở hữu thể hình tốt hơn các đồng đội. Bùi Tiến Dũng của U20 Việt Nam vốn xuất thân là trung vệ, nhưng rồi được rèn luyện để trở thành thủ môn. Và tại vòng loại U23 châu Á, thủ môn tay ngang này đã mắc sai lầm đáng trách ở trận thua Hàn Quốc 1-2.
 
HLV Hoang Anh Tuan khong luong truoc duoc sai so Y Eli Nie
HLV Hoàng Anh Tuấn không lường trước được "sai số" Y Eli Nie

Nguyên nhân thứ 2, đó là sức mạnh của tập thể. Đây là một lý giải rất dễ hiểu, nếu như các cầu thủ trên hàng công tận dụng được cơ hội, toàn đội (bao gồm thủ môn) sẽ không phải chịu sức ép tâm lý. Đơn cử, sai sót của thủ thành Phí Minh Long có thể giảm nhẹ đi rất nhiều, nếu Công Phượng cùng các vệ tinh xung quanh anh ghi bàn trước. Nhưng không, số 10 của U22 Việt Nam đã sút bóng lên trời ở quả phạt 11m và đáng buồn thay, người ta lại chỉ nhớ đến sai lầm của Minh Long.
 
Điều này nghe có vẻ hơi… ngược đời so với trên thế giới, nơi các thủ môn mới là những người giàu bản lĩnh nhất trên sân. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam vốn chẳng giống bất cứ nơi nào trên hành tinh, nên việc so sánh xét cho cùng quá khập khiễng. Thay vì những chỉ trích hướng đến thủ môn, dư luận nên tập trung sức ép vào toàn đội. Không một cá nhân nào có thể một mình mang về chiến thắng cho toàn đội, vì vậy khi đội thua cuộc, sai lầm cũng không nên tập trung vào thiểu số.
 
Lấy ví dụ đơn giản, chính bản thân thủ môn Dương Hồng Sơn, người vừa chỉ trích bản lĩnh yếu kém của đàn em, cũng mắc nhiều sai lầm trong quá khứ. Năm 2014, anh đỡ bóng trượt y như Trương Thái Hiếu tại U18 Việt Nam, khiến Hà Nội T&T chịu bàn thua trước SLNA. Năm 2008, chính thủ thành này mắc sai lầm giống đàn em Y Eli Nie tại vòng bảng AFF Cup, bắt trượt bóng khiến tiền đạo Thái Lan Suchao Nutnum ghi vào lưới Việt Nam ở vòng bảng (thua chung cuộc 0-2). Tuy nhiên, sai lầm này của Hồng Sơn sớm rơi vào quên lãng sau chức vô địch AFF 2008, vượt qua chính Thái Lan trong trận chung kết. Sau đó, Dương Hồng Sơn được bình chọn là cầu thủ hay nhất giải đấu.
 
Cuu thu mon Duong Hong Son
Dương Hồng Sơn cũng mắc sai lầm như những đàn em mà anh vừa chỉ trích

Sau này, anh có kể lại: “Sự thật là tôi đã mắc sai lầm trong bàn thua ở trận đấu vòng bảng với Thái Lan. Khi đó, tôi lưỡng lự giữa việc đấm bóng hay bắt ngay. Tôi đã phải chịu những sức ép rất lớn, nhưng may mắn rằng, tôi vẫn nhận được sự tin tưởng của HLV Calisto và trợ lý Trần Văn Khánh. Trên đất Thái khi ấy, thầy Tô nói với tôi rằng, tôi đã chơi tốt và đừng đánh mất niềm tin. Chính họ đã giúp tôi lấy lại thăng bằng và sự tập trung cần thiết. Vị trí thủ môn rất nhạy cảm và tôi hiểu rằng, nếu tôi chơi tốt, các vị trí còn lại sẽ rất dễ đá.”
 
Vì vậy, không nên quy chụp sai lầm cho thủ môn Y Eli Nie tại giải U18 Đông Nam Á. Thủ môn trẻ đã mắc lỗi, nhưng các đồng đội phía trên anh cũng không hoàn thành được nhiệm vụ giảm sự hưng phấn của chủ nhà từ trước. Với việc đặt mục tiêu giành chức vô địch (nhưng không qua được vòng bảng), đây là lỗi của toàn đội. Bởi nếu U18 Việt Nam tiến vào bán kết, việc có thể vô địch được hay không lại là vấn đề khác. Thầy trò Hoàng Anh Tuấn dừng bước, đơn giản bởi vì toàn đội không đủ mạnh để đi tiếp.
 
Nguyên nhân thứ 3 dẫn đến điều này, chính là một phần văn hóa Việt Nam. Đất nước có truyền thống lâu đời phải kính trên nhường dưới, thay vì tôn trọng bình đẳng, không phân biệt lớn - bé, cũ - mới như phương Tây. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến scandal mới nhất của thủ thành Đặng Văn Lâm của Hải Phòng. Anh bị đánh giá là “hỗn” khi chỉ trích đồng đội, những người nhiều tuổi hơn mình. Kết quả của sự việc này, Văn Lâm bị trợ lý Sỹ Mạnh đuổi đánh và bị chấn thương nặng.
 
So sánh với bóng đá quốc tế, một thủ môn luôn là người thủ lĩnh ở hàng phòng ngự. Họ có tầm nhìn tốt nhất và có quyền chỉ đạo các hậu vệ đứng đúng vị trí. David De Gea, trước khi trở thành một trong những thủ môn xuất sắc nhất thế giới như hiện nay, lúc còn trẻ từng được HLV Sir Alex Ferguson trao quyền chỉ đạo các đàn anh Vidic hay Ferdinand, những trung vệ lớn hơn nhiều tuổi. Đó là một thực tế ở phương Tây, nhưng tại Việt Nam, các thủ môn nếu “dám” lên tiếng trước đàn anh lại bị coi là hỗn láo.
 
Vì thế, sai lầm của thủ môn trẻ Y Eli Nie không phải lần đầu tiên, nhưng sẽ không phải lần cuối ở bóng đá Việt Nam. Trên thực tế, nền bóng đá nước nhà tồn tại quá nhiều vấn đề chứ không chỉ là mỗi chuyện thủ môn hay mắc sai lầm. Bây giờ, cứ đặt giả thuyết thủ môn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình song rồi sẽ lại có một cầu thủ ở vị trí khác mắc sai lầm, khiến thành tích chung bị ảnh hưởng. Bởi như đã nói, bóng đá là môn tập thể, và những sai lầm không nên bị quy kết cho bất kỳ cá nhân nào.
  
Duy Dung va U15 Viet Nam
Duy Dũng (trái) lên ngôi vô địch U15 Việt Nam

Dù sao, trong cơn bão chỉ trích hiện nay dành cho những người gác đền, vẫn có một tia hy vọng le lói cho nền bóng đá Việt Nam. Đừng quên, U15 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Vũ Hồng Việt đã giành chức vô địch U15 Đông Nam Á ngay trên đất Thái, với sự tỏa sáng của thủ thành Duy Dũng. Trong trận chung kết với chính Thái Lan, Duy Dũng hóa giải mọi pha dứt điểm của đối thủ trong 90 phút chính thức, trước khi cản phá thành công 2 quả phạt đền của đội chủ nhà trên chấm luân lưu.

Phát triển những tài năng trẻ như Duy Dũng, tạo ra nhiều giải đấu trẻ để rèn bản lĩnh cho các cầu thủ từ bé, đó là nhiệm vụ hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Vô địch một giải đấu không nói lên điều gì, nhưng những sai lầm liên tiếp trong những năm qua chính là dẫn chứng về lỗi hệ thống. Đó là một hiện trạng đáng buồn của Việt Nam, và để làm thế nào cải thiện những điều này, xin được dành câu trả lời cho những người làm bóng đá.
 
Xem lại trận cầu U15 Việt Nam giành chức vô địch

Tại sao thủ môn Việt Nam vẫn mãi là nỗi ám ảnh?
Sai lầm của Thái Hiếu tại giải U18 Đông Nam Á một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thủ môn. Tại sao bóng đá Việt Nam cứ mãi thiếu thủ môn đáng tin cậy?
Những tin bài khác về vấn đề thủ môn ở làng bóng đá Việt Nam
VFF tính thuê riêng HLV ngoại cho vị trí thủ môn
Theo chia sẻ từ Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, ông Trần Quốc Tuấn, trong tương lai Liên đoàn có thể sẽ mời một HLV thủ môn ngoại về làm việc, nhằm đảm...
Giới chuyên môn nói gì về sai lầm của các thủ môn Việt Nam?
Cựu thủ môn ĐTQG Dương Hồng Sơn lẫn cựu HLV Đoàn Minh Xương đều thừa nhận thủ môn trẻ Việt Nam thường mắc sai lầm bởi thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu.
Bóng đá Việt Nam: Mòn mỏi chờ... thủ môn giỏi
Thêm một lần nữa, những sai lầm của thủ môn đã khiến bóng đá Việt Nam cay đắng rời sân chơi khu vực, ở vào thời điểm mà các đội tuyển của chúng ta đang được kỳ...
U18 Việt Nam gục ngã ở U18 Đông Nam Á 2017: Chết vì bóng chết
Quá đáng tiếc cho thầy trò Hoàng Anh Tuấn. Mặc dù vươn lên dẫn trước từ ngay phút đầu tiên, nhưng sai lầm của thủ môn đã phá hỏng tất cả. Dưới đây là những...
Tại sao thủ môn Việt Nam vẫn mãi là nỗi ám ảnh?
Sai lầm của Thái Hiếu tại giải U18 Đông Nam Á một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thủ môn. Tại sao bóng đá Việt Nam cứ mãi thiếu thủ môn đáng tin cậy?
Thủ môn Bùi Tiến Dũng và bản lĩnh thép hiếm có
Nhìn khuôn mặt rắn rỏi và đầy tự tin của thủ môn Bùi Tiến Dũng, có cảm giác rằng anh sẽ không bao giờ chịu bỏ cuộc dễ dàng và sẽ là chốt chặn vững chãi của ĐT...


Nguyệt Anh – TTVN 
 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X