Khi HLV trưởng lại không phải là trưởng
Như đã biết, BLĐ đội bóng Thanh Hóa dưới sự ủy quyền của ông bầu Nguyễn Văn Đệ mới đây đã gửi một văn bản tới BHL Thanh Hóa mà đứng đầu là HLV trưởng Nguyễn Thành Công để thông báo về các phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ cho giai đoạn 2 của mùa giải.
Mọi chuyện sẽ không có gì đáng để nói nếu BLĐ Thanh Hóa chỉ đặt ra mục tiêu lọt vào tốp 8 đội dẫn đầu sau giai đoạn 1 cho thầy trò HLV Nguyễn Thành Công. Đằng này, đội bóng xứ Thanh lại yêu cầu HLV Nguyễn Thành Công bắt buộc phải sử dụng đủ 3 ngoại binh và cầu thủ nhập tịch Hoàng Vũ Samson, ngoại trừ các trường hợp chấn thương hay thẻ phạt.
Không những vậy, phía Thanh Hóa cũng đòi hỏi HLV Thành Công phải trao đổi với các thành viên ban huấn luyện về các quyết định thay người, chưa hết nhà cầm quân này cũng như phải nhận được quá bán sự đồng thuận của các thành viên mới có thể được phép thay cầu thủ.
HLV Nguyễn Thành Công đã quyết định ra đi sau khi bị can thiệp vào chuyện chuyên môn |
Mặc dù điều này được bầu Đệ lý giải là để các công việc được thực hiện một cách khách quan và chính xác hơn. Song chính những yêu cầu được đánh giá là tối kỵ trong giới HLV này cũng là nguyên nhân khiến ông Nguyễn Thành Công quyết định viết đơn xin từ chức khỏi vị trí HLV trưởng, dù mới chỉ dẫn dắt Thanh Hóa được 3 tháng.
3 tháng làm việc tại Thanh Hóa, có thể nói HLV Nguyễn Thành Công đã mang về không ít thành công cho đội bóng xứ Thanh. Từ vị trí bét bảng sau 3 trận thua liên tiếp, họ đã vươn lên đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng với thành tích thắng 4, hoà 2, thua 2. Và nếu không có biến cố vừa rồi, Thanh Hóa hoàn toàn có thể góp mặt trong tốp 8 nhờ vào tài cầm quân của vị cựu thuyền trưởng CLB Sài Gòn.
Sự ra đi của HLV Thành Công cũng là điều được tiên liệu với cách hành xử như muốn “ép người ta” từ đội bóng xứ Thanh. Đây không phải lần đầu bầu Đệ muốn can thiệp sâu vào chuyện chuyên môn tại CLB Thanh Hóa, và cũng chẳng phải lần đầu một nhà cầm quân rời Thanh Hóa khi không được toàn quyền quyết định các vấn đề chuyên môn.
Trước đó nhà cầm quân trẻ tài năng Nguyễn Đức Thắng cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi không được bầu Đệ cho phép quyền tự chủ trong nhiều quyết định.
Nhìn rộng hơn, trong làng bóng đá Việt Nam, không nhiều nhà cầm quân có cả uy danh lẫn cái gan để ép BLĐ đội bóng cho toàn quyền quyết định mọi việc ở đội bóng. Chỉ thiểu số là có được đặc ân đó mà điển hình là trường hợp của nhà cầm quân Lê Thụy Hải khi còn dẫn dắt CLB Becamex Bình Dương.
Bóng đá nước ngoài khác Việt Nam thế nào?
Khác với Việt Nam, các nhà cầm quân nước ngoài thường có toàn quyền quyết định mọi việc trong đội bóng mà trường hợp của những Pep, Mourinho, Wenger hay Zidane là các ví dụ. Rõ ràng nếu không chấp nhận yêu cầu này, các đội bóng sẽ chẳng thể thu hút các vị thuyền trưởng tài ba về với đội của mình.
Diễn ra gần như cùng thời điểm với câu chuyện HLV Thành Công tại Thanh Hóa, tuy nhiên câu chuyện của HLV Mikel Arteta tại Arsenal lại có diễn biến theo hướng trái ngược hoàn toàn khi ông lại được Pháo thủ trao toàn quyền quyết định công việc tại Emirates. Mới đây vị HLV trẻ này đã được thăng chức từ "huấn luyện viên trưởng - head coach" lên thành "người quản lý đội một - manager". Đây là chức vụ ngang bằng với HLV Arsene Wenger trước đây.
Sự thay đổi này cho thấy nhà cầm quân người Tây Ban Nha sẽ có nhiều tiếng nói hơn thay vì chỉ quyết định công tác chuyên môn, chiến thuật. Những kế hoạch phát triển chung từ thượng tầng CLB cũng sẽ phải thông qua ý kiến của Arteta. Ngoài ra nhà cầm quân sinh năm 1982 cũng được toàn quyền quyết định việc mua bán cầu thủ tại Arsenal, thay vì chỉ được tham gia góp ý vào công việc chuyển nhượng của đội bóng với tư cách một HLV.
Mikel Arteta giờ đây đã được toàn quyền quyết định mọi việc ở Arsenal |
Chuyện Arteta được thăng chức rõ ràng đã thể hiện niềm tin của ban lãnh đạo "Pháo thủ" với vị tướng trẻ mới gia nhập đội bóng vào cuối năm 2019. Cần biết rằng trước Arteta, HLV Unai Emery cũng chỉ là head coach thay vì là một manager.
Có thể thấy tại phương Tây, mọi công việc đều được phân công rõ ràng bằng văn bản và không hề có sự can thiệp của ban lãnh đạo vào công tác chuyên môn của các HLV nếu không được chính chủ cho phép. Tuy nhiên tại Việt Nam, đó dường như lại là một điều xa xỉ.
Đến cả một CLB vốn được xem là hình mẫu của sự chuyên nghiệp như TP.HCM FC cũng từng gặp phải chuyện này khi HLV Chung Hae Soung từng yêu cầu phải được toàn quyền dẫn dắt đội bóng.
Nhà cầm quân Hàn Quốc nói: "Tôi muốn chia sẻ quan điểm rằng các lãnh đạo CLB ở Việt Nam nên tin tưởng và trao quyền quyết định mọi việc cho HLV trưởng. Vì khi đội bóng đạt kết quả không tốt hay có bất cứ vấn đề gì, trách nhiệm luôn thuộc về HLV trưởng.
HLV mà không được quyết định hết, phải nghe người này người kia thì không phải là HLV nữa. Hãy cứ tin tưởng HLV trưởng, để chúng tôi được làm việc hết sức của mình. Nếu kết quả không đạt yêu cầu, hai bên chia tay cũng không có vấn đề hay mâu thuẫn gì hết".
Để HLV toàn quyền quyết định vấn đề nhân sự, một việc nghe tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất phức tạp tại Việt Nam. Và khi các đội bóng chưa thể có cách hành xử chuyên nghiệp ngay từ chuyện của các HLV, bóng đá Việt sẽ rất khó tiến lên chuyên nghiệp như tham vọng.
Vị chủ tịch đội bóng Thanh Hóa mới đây đã tiếp tục đưa ra quan điểm của mình sau thông tin HLV Nguyễn Thành Công xin từ chức.
Dù gửi văn bản chỉ đạo tới BHL Thanh Hóa, chủ tịch Nguyễn Văn Đệ phủ nhận chuyện can thiệp vào chuyên môn của HLV trưởng Nguyễn Thành Công.
Mới đây Ban lãnh đạo CLB Thanh Hóa mới đây đã có văn bản chỉ đạo liên quan đến chuyên môn cho HLV Nguyễn Thành Công gây xôn xao dư luận.
Minh Long