Ghế trưởng đoàn bóng đá nam qua nhiều đời, đầy đoạn trường, hoặc có thể nói thấm đẫm “nước mắt” cũng không quá lời. Cả nhiệm kỳ VI đặt tất cả niềm tin vào AFF Cup 2012, có lẽ TTK VFF kiêm trưởng đoàn ĐTQG Ngô Lê Bằng cảm nhận được sức ép ghê gớm cái ghế của mình.
Những điều trông thấy
“Thời gian qua, một số báo đã liên tục đăng tải những thông tin không đúng sự thật, làm giảm uy tín cá nhân, làm tổn thương đến gia đình tôi. Mặc dù tôi vẫn còn tâm huyết với nghề nghiệp, song điều này đã làm cho tôi không đủ nhiệt tình và điều kiện tiếp tục công tác”.
Đấy là một đoạn trong lá đơn xin từ chức của nguyên Phó Chủ tịch VFF Lê Thế Thọ, sau vụ 7 cầu thủ nhúng chàm tại SEA Games 23 năm 2005. Dĩ nhiên, có một tâm sự mà ông Thọ không thể đưa vào đơn lần đó, đấy là ông đã “thề độc” với bạn bè: không bao giờ quay trở lại ngôi nhà VFF, nơi tồn tại quá nhiều người mà ông cho không có chuyên môn bóng đá!Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng (phải) và HLV trưởng Phan Thanh Hùng sẽ có nhiều điều để chia sẻ và bàn bạc tại AFF Cup 2012 sắp tới
Từ bài học đau thương của ông Thọ, các quan chức VFF càng hãi khi bị đẩy vào chức trưởng đoàn. Có lúc như AFF Cup 2007, ghế trưởng đoàn tìm không ra người. VFF mời cả bầu Đức lẫn ông Lê Phước Vũ nhưng 2 vị lắc đầu, buộc phải chỉ định TTK khi ấy là ông Trần Quốc Tuấn. Ông Trần Quốc Tuấn mát tay ở Asian Cup 2007, tưởng ngon ăn. Ai dè, bước vào SEA Games 24, U23 thất bại te tua. May mà chiếc ghế nguyên TTK lần đó không long mộng. Ở AFF Cup 2008, VFF buộc phải chỉ định ông Dương Vũ Lâm làm trưởng đoàn. Ông Lâm tính xuề xòa, có phần vô ưu thế mà khí lại khá vượng. Tưởng sau vụ đó chắc luôn cái ghế trưởng đoàn U23 tại SEA Games 25, nhưng không. Nguyên TTK VFF Trần Quốc Tuấn đã được chỉ định và sau đó còn ngồi ghế trưởng đoàn ĐTQG dự AFF Cup 2010, SEA Games 2011. Tất cả đều thất bại, ông Tuấn đau hơn đã phải chia tay với cái ghế TTK VFF, dù 100% thành viên trong thường trực đều tín nhiệm ông. Nhìn lại lịch sử cái ghế trưởng đoàn bóng đá để thấy, thành bại của ĐTQG và U23 QG sẽ quyết định hình ảnh, tài vận của ông trưởng đoàn.
TTK Ngô Lê Bằng hình ảnh đang rất “lung linh”. Ông Bằng nhậm chức khi nhiệm kỳ VI sắp vãn, sang năm sẽ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ. Lẽ thường, nếu mọi chuyện hanh thông, cùng với uy tín đang lên, ông sẽ có cơ hội lớn để tái cử ghế TTK VFF nhiệm kỳ VII. Nhưng dù sao, ông Bằng cũng đang là thành viên của nhiệm kỳ VI. Đồng nghĩa, trong cơn khủng hoảng chung của bóng đá nội, VFF đang đặt tất cả hy vọng vào giấc mơ ĐTQG sẽ vô địch AFF Cup lần này. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra, với tương lai ông Bằng, nếu ĐTQG thất bại.
Cái ghế không có tội
Đúng thế, được tín nhiệm làm trưởng đoàn các ĐTQG là niềm vinh dự lớn. Bóng đá là “vua”, thậm chí nhiều nước Đông Nam Á, tại các SEA Games, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để lấy một tấm HCV bóng đá. Chúng ta chỉ một lần vô địch khu vực, nên sức ép vàng với bóng đá chẳng khác gì một tối hậu thư.
Thực ra, nhiệm vụ của trưởng đoàn không quá vất vả, nếu không nói là cũng đơn giản. Chẳng qua, do sức ép phải vô địch đã “hành” cái ghế này. Cầu thủ vẫn là những người quyết định đến thành bại. Ngày xưa, chúng ta sợ nhất tư tưởng cầu thủ có vấn đề. Đến bố mẹ còn không nắm được tư tưởng con mình, thì ông trưởng đoàn chẳng là gì cả. Đã rất nhiều lần, các ĐTQG gục ngã trước “thiên đường”, dư luận cày xới có “mùi’.
Giờ đây, có thể những lấn cấn về tư tưởng của cầu thủ đã đỡ hơn, mong là thế. Rào cản còn lại, chúng ta có thực sự đã đủ đẳng cấp để vô địch hay chưa, khi các đối trọng ngày càng nhiều. Nói thật, ĐTQG vẫn còn nhiều việc phải làm. ĐT vẫn chưa thể hiện được cái “hồn” trong lối chơi và đẳng cấp. Hãy để ý, trình độ kỹ thuật của Malaysia không vượt trội. Nhưng thể lực, chiến thuật, lối chơi và cái cách thể hiện tinh thần quyết tâm của cầu thủ họ rất rõ ràng, ổn định.
Có nghĩa thành bại vẫn là do thầy trò HLV Phan Thanh Hùng quyết định. Dù sao, cũng hy vọng ông Bằng tạo được dấu ấn khi đã từng nhiều thâm niên làm thông ngôn cho HLV Alfred Riedl, Henrique Calisto, được 2 ông này khen ngợi hết lời. Ông Bằng là dân bóng đá, cũng từng làm HLV trưởng ĐT nữ, nay lại là TTK VFF nên hẳn biết cách “bắt mạch”, “kê toa” cho cầu thủ kịp thời.
Biết đâu thay ghế, đổi vận, TTK VFF-tân trưởng đoàn Ngô Lê Bằng?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)