Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Phương án tổ chức V-League 2013 mà VPF đề xuất: Sáng kiến hay tối kiến

Thứ Hai 10/12/2012 10:54(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không đủ 12 CLB đăng ký dự V-League 2013, VPF đã nghĩ ra một phương án chưa từng có trong lịch sử là bổ sung đội U22 QG vào cuộc chơi. Trước những chất vấn của báo giới, Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi đã sẵn sàng phương án để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra”. Tức là việc kéo đội U22 QG đá V-League chỉ là sáng kiến đầu tiên, chứ chưa phải cuối cùng! Câu hỏi đặt ra ở đây là để đảm bảo các điều khoản đã ký với nhà tài trợ cũng như vấn đề bản quyền truyền hình, nhất thiết các giải chuyên nghiệp Việt Nam phải diễn ra bằng mọi giá?

Giật gấu vá vai

VPF bắt đầu có cảm giác bị chiếu bí khi hàng loạt các CLB, từ V-League đến giải hạng Nhất, tuyên bố giải thể, lý do rất cơ bản: Thiếu tiền mặt. Không có bất cứ biện pháp chế tài nào được đưa ra ở đây khi trước đó, cơ chế đầu vào rất thông và thoáng. Các ông chủ đội bóng có tiền và có đam mê, được chào đón nhiệt liệt nhưng khi họ hết tiền hoặc đôi khi chỉ là chút thất vọng, chán hay “mê golf hơn mê bóng đá”, họ bỏ. Đơn giản thế thôi!

VPF tính đôn đội U22 Việt Nam (trái) lên thi đấu tại V-League cho đủ chẵn số lượng đội.
VPF tính đôn đội U22 Việt Nam (trái) lên thi đấu tại V-League cho đủ chẵn số lượng đội.

Rõ ràng, mô hình bóng đá kết hợp doanh nghiệp không phải lúc nào cũng là lý tưởng như nhiều người nghĩ. Khi nền kinh tế toàn cầu lạm phát, có thể thấy ngay phản ứng phụ. Có trách, chỉ là trách nền bóng đá không tự nuôi sống được cơ thể mình, bị phụ thuộc và giờ chết yểu, khi doanh nghiệp rút ống thở. Lỗi của VFF và VPF, những tổ chức xã hội nghề nghiệp với chức năng định hướng và chịu trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của nền bóng đá cũng phải tính tới.

Ngay từ hệ thống các văn bản luật và dưới luật để áp dụng, VPF (trước đó là VFF) cũng vừa chạy vừa xếp hàng nữa là. Hoặc như cái chuyện “VPF là của 14 CLB V-League và 14 CLB hạng Nhất, ai cũng có cổ phần và HĐQT được lập ra từ sự tín nhiệm là để điều hành các giải đấu” nhưng trên thực tế, họ vừa đá bóng vừa thổi còi. Từ ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch HĐQT), đến ông Nguyễn Đức Kiên, ông Lê Tiến Anh, ông Đoàn Nguyên Đức…, đều sở hữu ít nhất 1 đội bóng. Tình trạng một ông chủ… vài đội bóng cũng chưa được giải quyết dứt điểm.

Coi chừng, già tính hóa non

Trở lại với tồn tại mà nhà tổ chức VPF đang phải đối diện. Khi khiên cưỡng tìm đủ 12 CLB (với việc bổ sung thêm ĐT U22 QG cho đủ tụ), đồng thời thay đổi, điều chỉnh hệ thống thi đấu, cách tính điểm, để đảm bảo rằng V-League sẽ vẫn có đủ số trận được phát trên truyền hình, cho thấy một thái độ tôn trọng đúng mực với các nhà tài trợ đã ký. Nếu nhà tài trợ lớn như Eximbank ngưng không rót tiền, BTC V-League 2013 chắc chắn không mạnh miệng tuyên bố đội vô địch sẽ nhận 10 tỷ đồng tiền thưởng.

Nhưng có lẽ VPF đã không để ý đến “tâm trạng” của các đội bóng. Chẳng hạn như V.NB sau cuộc cách mạng ở thượng tầng (cũng là vô tiền khoáng hậu), có lẽ họ chỉ tham dự V-League 2013 cho có chứ khó có sự máu mê như trước?! Hay như một địa phương máu bóng đá như Hải Phòng, khi cả phần “xác” và phần “hồn” của đội bóng này đều đi mượn, liệu người hâm mộ có kéo đến sân đông như trước đây nữa không? Khó! Bóng đá không có khán giả sẽ chết yểu và e rằng, lúc đó Eximbank hay hàng chục nhà đồng tài trợ (bằng biển quảng cáo trên sân), cũng chẳng lợi lộc gì!

Bằng cách này hay cách khác, các CLB vẫn được tạo điều kiện tối đa nhưng là để giải đấu không vỡ chứ 1 hay 10 tỷ cho chức vô địch, chẳng thấm vào đâu. VPF ra đời với một viễn cảnh màu hồng cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, thậm chí cho cả nền bóng đá (các CLB đều được hứa hẹn những hỗ trợ về mặt tài chính và quảng bá hình ảnh – PV), nhưng mới chỉ qua năm thứ 2 hoạt động, họ ngay lập tức bước vào khúc cua tay áo mang tính lịch sử. Thành bại là đây, chỉ là với những gì đã và đang diễn ra, không nhiều người lạc quan cho lắm.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X