Thứ Năm, 14/11/2024Mới nhất
Zalo

Phí “lót tay” và nghịch lý chuyển nhượng của bóng đá nội

Thứ Năm 24/10/2013 17:31(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

B.Bình Dương và 2 cầu thủ Chí Công, Đình Đức vẫn không tìm được tiếng nói chung. K.Kiên Giang và các cầu thủ vẫn chưa yên. Cứ hễ đụng đến tiền là bóng đá nội lại có chuyện, bởi cơ bản thị trường chuyển nhượng Việt Nam vốn đã tồn tại không ít nghịch lý.

Bóng đá thế giới có đầy những vụ chuyển nhượng tốn kém, nhưng họ ít tranh cãi hơn ở ta vì mọi hợp đồng đều công khai, bên bán vui vì có thêm tiền, bên mua vui vì có được người cần mua, cầu thủ vui vì đến được nơi mình muốn đến, được hưởng mức lương ưng ý khi về CLB mới, cũng như có thêm một phần tiền trích từ phần trăm trong các vụ chuyển nhượng (nếu giỏi thỏa thuận).

Chuyển nhượng ở bóng đá Việt Nam cũng cực kỳ tốn kém (nếu so với mặt bằng xã hội và mặt bằng bóng đá Đông Nam Á), nhưng có điều lạ là nhiều năm qua, hầu như các CLB bán cầu thủ không thu được tiền từ các vụ chuyển nhượng vừa nêu.

 

Ở bóng đá Việt Nam, thay vì nói chuyện đàng hoàng với CLB đang sở hữu cầu thủ, đại diện bên mua toàn chọn cách “đi đêm”, thỏa thuận ngầm với cầu thủ mà họ cần có, trước khi chờ đến thời hạn mong muốn là “giựt” cầu thủ trên tay đội khác.

Cũng chính vì toàn chuyển nhượng theo kiểu đi đêm, nên phần tốn kém trong các vụ lấy người của bóng đá nội không nằm ở phần tiền trả cho các đội bóng đang giữ người, mà toàn nằm ở các khoản “lót tay” cho cầu thủ, phần “lại quả” cho những người giữ trách nhiệm đi ký.

Rắc rối phát sinh từ đây, tiền lót tay cho những vụ chuyển nhượng theo kiểu đi đêm như thế này thường ít khi được công khai. Tức là hầu như không được ghi cụ thể bằng giấy trắng mực đen trong hợp đồng. Báo chí có thể nêu con số tỷ này tỷ nọ, xung quanh cầu thủ này cầu thủ khác. Nhưng thường thì đấy là những con số do chính cầu thủ lúc cao hứng tiết lộ, chứ thực tế giấy tờ không ghi cụ thể các con số ấy.

Nếu ghi quá rõ ràng, CLB làm sao giải trình về nguồn chi quá lớn xung quanh các hợp đồng bạc tỷ, trong khi nguồn thu của họ chẳng thấm vào đâu so với con số ấy? (phần thu chênh lệch với phần chi thì khác nào CLB tự nhận mình là mất cân bằng tài chính?!).

Nếu ghi quá rõ ràng bằng giấy trắng mực đen, thì làm sao những người tham gia vụ chuyển nhượng có thể dành cho nhau những khoản “hoa hồng” ưng ý, hay những phần lại quả mà đơn giản là không thể công khai? Và, nếu đã không ghi trong hợp đồng, chỉ là thỏa thuận miệng theo kiểu tin nhau, thì lấy gì để cầu thủ đòi CLB khoản lót tay này, khi xảy ra tranh chấp?

Quay trở lại câu chuyện của những Chí Công, Đình Đức đang đòi kiện B.Bình Dương. Có thể đội bóng đất Thủ Dầu chơi không đẹp khi cắt hợp đồng trước thời hạn, khi không chuyển đủ tiền cho cầu thủ như thỏa thuận. Nhưng thật ra có mấy ai biết thỏa thuận đó ra sao, và cụ thể B.Bình Dương phải trả cho Đình Đức hay Chí Công bao nhiều tiền của cái gọi là phí “lót tay”? Vì chỗ không rõ ràng này mà mấy ngày qua người ta thấy đại diện B.Bình Dương mạnh miệng nói cứng.

Có 2 trường hợp được đặt ra ở đây, nếu đã không rõ ràng, Chí Công, Đình Đức hay bất kỳ cầu thủ nào khác rất khó đòi đủ tiền lót tay. Còn nếu khoản tiền này được ghi rõ bằng giấy trắng mực đen trong hợp đồng, thì trong trường hợp đó, Chí Công hoặc Đình Đức đã hoàn tất nghĩa vụ THUẾ hay chưa?

Chắc chắn rằng mức thuế dành cho khoản thu nhập 9 tỷ đồng phí lót tay của Chí Công và 3,9 tỷ đồng của Đình Đức không phải là nhỏ. Và một trong những lý do mà người ta không thích công khai tiền lót tay suốt nhiều năm qua cũng là muốn “lách” thuế thu nhập.

Câu chuyện của các cầu thủ K.Kiên Giang cũng ở tình trạng tương tự, họ la làng rất to. Nhưng kỳ thực, khi được đọc lá đơn “cầu cứu khẩn cấp” của họ cách nay vài tháng, người viết tuyệt nhiên không thấy cầu thủ nào của K.Kiên Giang ghi cụ thể số tiền “lót tay” mà họ đang đòi.

Bất cập trong quy chế chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam cũng là ở chỗ ấy. Chính các khoản phí “lót tay” thường không được công khai làm nẩy sinh trò “đi đêm”, làm nẩy sinh mâu thuẫn giữa nơi giữ người và nơi lấy người, tạo ra những tranh chấp khó giải quyết giữa cầu thủ và CLB khi tình cảm hết mặn nồng, và đặc biệt là làm thất thoát những khoản tiền THUẾ không nhỏ cho ngân sách.

Chính cái phí “lót tay” theo dạng “đi đêm” ấy cũng làm triệt tiêu sự hào hứng của các lò đào tạo trẻ. Họ nai lưng đào tạo, nai lưng nuôi quân, nhưng toàn để nơi khác đến lấy miễn phí.

(Theo Dân Trí)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X