Olympic Việt Nam và những điểm yếu tại ASIAD
Thứ Ba 04/09/2018 10:43(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Khép lại giải đấu bằng thất bại trước Olympic UAE trên chấm phạt đền, những điểm yếu của ĐT Olympic Việt Nam đã phơi bày rất rõ, và đó là bài toán cần Park Hang Seo giải quyết.
Không thể giành chiếc huy chương đồng dù rất nỗ lực và khát khao, các cầu thủ Việt Nam đành ngậm ngùi với vị trí thứ 4 châu Á chung cuộc. Đáng tiếc hơn, đoàn quân Park Hang Seo đã chơi hay hơn đối thủ trong trận tranh giải 3, nhưng cuối cùng lại ra về tay trắng. Dưới đây là những điểm yếu của ĐT Olympic Việt Nam ở giải đấu này, khiến chúng ta không thể tiến xa hơn.
|
ĐT Olympic Việt Nam gục ngã trong trận tranh giải 3 |
Những điểm nhấn đáng chú ý sau thất bại của Olympic Việt Nam trước UAE Dù thi đấu rất cố gắng và chơi lấn lướt hơn đối thủ, tuy nhiên trong một ngày mà vận may không mỉm cười, Olympic Việt Nam đã phải nhận thất bại trước UAE. Và...
Khả năng bắt pen của Tiến Dũng
Thực chất, đây không hẳn là yếu điểm, mà chỉ là thói quen của thủ thành U23 Việt Nam. Cũng với phong cách bắt phạt đền tương tự, Bùi Tiến Dũng đã đẩy được rất nhiều quả 11m ở giải U23 châu Á. Tuy nhiên, đặc điểm này của thủ môn người Thanh Hóa đã bị đối phương nghiên cứu rất kỹ và tìm ra cách hóa giải.
Cụ thể, Tiến Dũng rất tự tin về phản xạ nhanh nhạy của mình, nên anh thường đợi đối phương sút bóng mới bắt đầu nhảy. Với những pha dứt điểm ở giữa hoặc không hiểm hóc, phong cách này cực kỳ có hiệu quả. Nhưng trước Olympic UAE, đối thủ đã phân tích rất kỹ Tiến Dũng, họ thường sút chìm và nhắm vào góc khung thành, khiến thủ môn của Việt Nam lực bất tòng tâm, bóng vào lưới mới động thủ.
Mặt khác, điều đó cho thấy Bùi Tiến Dũng không có khả năng phán đoán tốt. Đặt giả thiết nếu anh nhảy bừa 1-2 pha bóng, ít nhất cầu thủ này cũng có thể đẩy được 1 quả pen, thay vì chờ đối phương ra chân mới nhảy. Không nghi ngờ về tinh thần và bản lĩnh của thủ môn sinh năm 1997, nhưng để trở thành cầu thủ xuất sắc trong tương lai, anh cần có sự linh hoạt và chủ động trong mọi tình huống.
|
Bùi Tiến Dũng có thói quen bất penalty rất nguy hiểm |
Sự thiếu hụt nơi trung tuyến
Đỗ Hùng Dũng, cái tên trên 23 tuổi được lựa chọn ở giải đấu này, là một cầu thủ chất lượng. Với thể lực tốt cùng phong cách thi đấu năng nổ, Hùng Dũng là có khả năng công thủ toàn diện và giúp Olympic Việt Nam thi đấu chắc chắn hơn rất nhiều. Nhưng khi cầu thủ của Hà Nội chia tay ASIAD vì chấn thương, HLV Park Hang Seo không còn cái tên nào để thay thế.
Lương Xuân Trường xuống phong độ thảm hại, và thực chất cũng không phải mẫu giỏi hỗ trợ phòng ngự. Quang Hải lại thiếu sự quyết liệt khi tranh chấp, bởi anh thực chất là một tiền vệ tấn công. Trong khi đó, Đức Huy cần cù, thể lực tốt lại hạn chế ở khả năng hỗ trợ cho tuyến trên. Minh Vương cũng là một mẫu cầu thủ tấn công hay hơn phòng ngự.
Đó là tổn thất lớn mà ông Park không thể giải quyết, bởi sự chia tay bất ngờ của Hùng Dũng. Trong 2 trận bán kết và tranh giải 3, khu vực ngay phía trên vòng cấm địa của Olympic Việt Nam bị xuyên phá quá nhiều, cũng bởi tuyến tiền vệ không kịp hỗ trợ hàng thủ. Và một khi liên tục “giơ mặt” ra cho đối thủ tung đòn, Bùi Tiến Dũng dù hay đến mấy cũng khó lòng cản phá.
|
Chấn thương của Hùng Dũng đã gây tổn thất nặng nề với Việt Nam |
Hàng công quá nhiều biến động
Không có bất kỳ trận đấu nào HLV Park Hang Seo sử dụng lại một bộ ba tấn công nơi tiền tuyến. Sự tích cực của điều này khiến đối thủ không dễ bắt bài, cũng như đưa ra phương án chiến thuật phù hợp với các đội bóng khác nhau. Ví dụ như Công Phượng, Văn Toàn đều đã tỏa sáng khi được tung vào sân từ băng ghế dự bị.
Nhưng ngược lại, điều này cũng cho thấy Việt Nam không có bất kỳ cái tên nào có thể đặt niềm tin tuyệt đối, từ lão tướng Anh Đức, thủ quân Văn Quyết cho đến ngòi nổ Quang Hải (do bị xếp quá nhiều vị trí). Sẽ không hề ổn nếu ở những giải đấu tiếp theo, ông Park không xác định được chủ công của mình, để những cầu thủ xung quanh dựa vào.
|
Các mũi nhọn trên hàng công ĐT Olympic Việt Nam đều không tạo ra niềm tin tuyệt đối |
Thiếu thủ lĩnh hàng phòng ngự
Trái ngược với hàng tấn công, hậu tuyến của Olympic Việt Nam chủ yếu giữ nguyên với bộ ba Đình Trọng – Tiến Dũng – Duy Mạnh. Cần phải khẳng định rằng, các cầu thủ này đều hay, đều chơi tốt và có sự nhạy cảm về chiến thuật, nhưng không ai trong số đó thể hiện được phẩm chất thủ lĩnh. Trong những tình huống đối mặt với tiền đạo đối phương, cụ thể là bàn thua trước Olympic UAE, chẳng ai băng lên đón lõng đối thủ và khiến khoảng trống lộ ra rất lớn.
Để phòng ngự tốt hơn, ông Park cần giao trọng trách lớn cho một cái tên nơi hậu tuyến, để cầu thủ đó có thể chỉ huy hàng thủ về vị trí đứng, khả năng di chuyển. Nếu sở hữu một nhân tố như vậy, những điểm yếu của ĐT Olympic Việt Nam sẽ được hạn chế và chắc chắn, chúng ta sẽ không phải nhận những bàn thua quá dễ dàng trước Hàn Quốc và UAE.
|
Những điểm yếu của ĐT Olympic Việt Nam đã bị đối phương khai thác triệt để |
Tổng hợp Olympic Việt Nam 1-1 Olympic UAE (bản quyền thuộc VTC)